Tác giả Lê Duy Hạnh sinh năm 1947 tại Bình Định. Ông là tên tuổi lớn trong làng sân khấu với rất nhiều tác phẩm trên cả sân khấu kịch lẫn sàn diễn cải lương.
Lê Duy Hạnh có khối lượng tác phẩm đồ sộ
Tác giả Lê Duy Hạnh học đại học ở Sài Gòn, rồi tham gia các hoạt động học sinh - sinh viên.
Sau đó ông ra chiến khu, rồi ra Hà Nội học trường viết văn. Sau năm 1975 ông hoạt động rất mạnh mẽ trong lĩnh vực sân khấu với nhiều tác phẩm gây được tiếng vang.
Có thể kể ra như Vua thánh triều Lê, Chiếc áo thiên nga, Trời Nam, Miền nhớ, Hoa độc trong vườn, Lý Chiêu Hoàng, Hoàng hậu hai vua, Dời đô, Sáng mãi niềm tin, Nỏ thần, Tâm sự Ngọc Hân, Diễn kịch một mình, Mặt trời đêm thế kỷ…
Tác phẩm của Lê Duy Hạnh không chỉ được các đoàn nghệ thuật đánh giá cao, lựa chọn để tham gia các hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.
Mà các đơn vị xã hội hóa cũng tìm thấy được sự hấp dẫn trong kịch bản của ông để dàn dựng bán vé phục vụ công chúng.
Nhiều vở diễn ông viết có giá trị suốt mấy chục năm như kịch bản Diễn kịch một mình mà nghệ sĩ Bạch Tuyết thể hiện cực kỳ xuất sắc, mới đây được sân khấu Sen Việt dựng lại với tên gọi Nhật thực.
Rồi Vua thánh triều Lê nổi tiếng ở cả kịch nói và cải lương. Lý Chiêu Hoàng, Trời Nam… hầu như kỳ liên hoan tài năng nào cũng được các nghệ sĩ trẻ chọn dự thi…
Chủ tịch nhiều năm của Hội Sân khấu TP.HCM
Ngoài vai trò tác giả nổi tiếng, ông Lê Duy Hạnh còn là nhà quản lý giỏi. Ông đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, là chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM một thời gian dài và rất "có uy".
Ông tạo nhiều dấu ấn ở Hội Sân khấu TP.HCM như xây dựng giải thưởng Trần Hữu Trang, Liên hoan Sân khấu mùa thu…
Soạn giả Đăng Minh rất yêu quý tác giả Lê Duy Hạnh. Ông nói: "Ở vị trí chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, anh Lê Duy Hạnh đã tạo được niềm tin với anh em trong nghề.
Anh nhiệt tình, năng nổ đẩy mạnh các hoạt động sân khấu của thành phố. Anh em trong nghề có vấn đề gì hay tìm đến anh để giãi bày, vì họ tin rằng anh luôn có cách giải quyết hoặc ít nhất gợi mở cho họ hướng ra".
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt - chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh - khi nghe tin ông Lê Duy Hạnh yếu đã lập tức chạy đến nhà riêng của ông Hạnh để phụ lo cùng gia đình.
Ông Đạt xúc động chia sẻ: "Nhiều năm trước chú Hạnh đã tin tưởng trao gởi cho khoa kịch hát dân tộc của trường chúng tôi nhiều kịch bản hay, đó như là giáo trình quý giá mà chúng tôi sử dụng trong quá trình đào tạo sinh viên".
Ông Đạt nhấn mạnh kịch bản của tác giả Lê Duy Hạnh có tính dự báo xã hội rất cao. Khi đạo diễn nhận kịch bản của ông, cái khó nhất là hiểu cho đầy đủ những tầng ý nghĩa mà ông gởi gắm trong đó.
"Kịch bản của ông lúc nào cũng chặt chẽ, có sự tính toán hợp lý tạo tính hấp dẫn, tạo tiền đề để đạo diễn dựa trên đó mà phát huy sự bay bổng, sáng tạo.
Đặc biệt, ông là một trong những tác giả đi đầu trong việc đưa tính thể nghiệm vào tác phẩm. Có thể kể ra như kịch bản Độc thoại đêm, Diễn kịch một mình, Hồn thơ ngọc…
Chính lao động nghệ thuật hết mình đó đã đem về cho ông Giải thưởng Nhà nước, Huân chương Lao động hạng nhất và nhiều giải thưởng danh giá khác về nghề nghiệp" - ông Đạt nói về tác giả Lê Duy Hạnh với sự trân trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận