Sau 4 năm thành công với bộ phim điện ảnh Mẹ chồng, biên kịch – tác giả Kim đã cùng siêu mẫu Thanh Hằng cho ra mắt tiểu thuyết cùng tên. Và Kim cũng đã có buổi trải lòng với Tuổi Trẻ Cười về quyển sách đầu tay của mình, đồng thời cũng là tác phẩm “ngược dòng” đầu tiên từ điện ảnh ra trang sách tại Việt Nam.
* Cơ duyên nào đã tạo ra sự kết hợp giữa Thanh Hằng và Kim?
- Chính xác thì mọi sự khởi đầu từ Thanh Hằng. Dù sau khi phim công chiếu, một số bạn bè tôi nhận xét, Mẹ chồng có chất văn học và hỏi tôi có ý định viết sách không. Nhưng tôi không để tâm lắm.
Một ngày đầu tháng 6-2021, khi thành phố bắt đầu đợt giãn cách thứ nhất, nhiều hoạt động đã phải dừng lại, thì tôi nhận được cuộc gọi từ nhà sản xuất Live On (nhà sản xuất phim Mẹ chồng) chuyển ý của Thanh Hằng.
Theo đó, Thanh Hằng muốn tái sinh Ba Trân (nhân vật nữ chính phim Mẹ chồng do Thanh Hằng thủ vai), tái sinh câu chuyện Mẹ chồng trong không gian văn học. Chính xác là cô ấy muốn biên kịch chúng tôi chuyển thể kịch bản điện ảnh Mẹ chồng thành tiểu thuyết Mẹ chồng.
* Chị có bất ngờ không khi nhận lời đề nghị này?
- Không bất ngờ, nhưng phải nói là tôi và cả đồng biên kịch TotoChan đã rất xúc động. Phim đã công chiếu 4 năm và thành phố khi ấy nhiều hoạt động đã dừng lại, thậm chí chúng tôi, trong tâm trạng buồn bã vì dịch bệnh cũng đang có những bi quan, dừng mọi việc.
Nhưng Hằng thì không. Cô ấy vẫn trăn trở với nhân vật, với bộ phim mà cô ấy đã dành rất nhiều tâm sức và muốn một lần nữa được tái sinh câu chuyện ấy dưới một diện mạo mới. Chúng tôi không bất ngờ vì Hằng vốn dĩ luôn là như vậy, làm cái gì cũng muốn làm đến tận cùng.
Như Hằng có chia sẻ với báo chí, sau khi phim công chiếu, nhiều khán giả nhắn cho Hằng nói: Phân cảnh này còn khó hiểu, phân cảnh kia chưa đã, họ muốn hiểu nhiều hơn về Ba Trân… Có lẽ đó là điều thúc đẩy Hằng làm việc này. Nhưng tôi không nghĩ là sau 4 năm, Hằng vẫn đau đáu để tâm cho nhân vật Ba Trân và câu chuyện Mẹ chồng đến vậy.
* Khi viết kịch bản, Thanh Hằng có chi phối chị trong việc tạo nên hình tượng Ba Trân? Và khi chị chuyển kịch bản phim thành tiểu thuyết, Thanh Hằng đã tương tác với chị như thế nào?
- Thật ra thì khi viết kịch bản phim, lúc tạo nên hình tượng Ba Trân hay tất cả các nhân vật trong câu chuyện Mẹ chồng, tôi chẳng nghĩ đến diễn viên nào cả. Tôi rất dị ứng với việc sáng tạo “đo ni đóng giày” vì có cảm giác sự sáng tạo sẽ bị bó buộc.
Nên khi viết, tôi chỉ hình dung mọi thứ xoay quanh nhân vật trong tưởng tượng của mình, phụng sự cho nhân vật, cho câu chuyện của mình. Hơn nữa, lúc đó, tôi cũng nào biết ai sẽ đóng Ba Trân.
Cho đến khi xong draff 1, đạo diễn mới cho chúng tôi biết: Thanh Hằng sẽ đóng vai Ba Trân. Thì ngay lúc đó, tôi ngẩn ra một lúc rồi kêu ồ lên: Wow, đúng là cô ấy rồi! Nếu không phải là Thanh Hằng thì sẽ là ai bây giờ? Kiểu như là đã thấy Thanh Hằng rồi, tôi không còn sự lựa chọn nào cho Ba Trân nữa cả.
Cái sức mạnh tiềm tàng và kiểu nữ cường của Thanh Hằng khiến cho tôi tin rằng cô ấy sẽ thấu hiểu Ba Trân hơn ai hết. Và quả thực là vậy. Thanh Hằng thậm chí đã khiến Ba Trân bước ra từ kịch bản nhiều cảm xúc hơn.
Hằng như tôi nghĩ quả là không sai, cô ấy yêu Ba Trân và có thể nói Ba Trân là vai diễn lấy đi nhiều tâm sức của cô ấy. Sau này, Hằng có chia sẻ với tôi: Em biết chị thương nhân vật quá nên bảo bọc và tôn thờ nhân vật. Điều đó cũng hay, nhưng nếu có thể, chị thả nhân vật ra một chút để người ta thương nhân vật cùng mình, dễ ôm nhân vật của mình vào lòng hơn.
Tôi rất cảm kích trước lời chia sẻ này của một diễn viên dành cho nhân vật của mình, Hằng yêu nhân vật theo một cách khác, hài hòa hơn, tích cực hơn cho nhân vật. Đó cũng là cách mà Hằng tương tác với tôi trong hành trình thực hiện cuốn tiểu thuyết này.
Hằng không viết cuốn tiểu thuyết này, nhưng những cảm xúc của Hằng dành cho Ba Trân hay những cảm xúc của Ba Trân - Thanh Hằng đã được tôi tiếp nhận để sáng tạo.
Hơn nữa, Thanh Hằng chính là người chủ ý tạo ra concept này, việc thực hiện sách với hình thức, diện mạo ra sao, làm thêm sách nói như thế nào, đều là do chủ ý của Thanh Hằng. Tôi chỉ là người viết cuốn tiểu thuyết và mọi việc đã có "Mợ Ba Trân" - Thanh Hằng sắp bày ( cười)
* Khi Mẹ chồng bước từ màn ảnh rộng ra trang sách, chị đã khiến mọi thứ bay bổng và số phận con người cũng thấy rõ sự cay đắng hơn?
- Tôi nghĩ, đó là sức mạnh của văn học. Ở điện ảnh, mình bị chi phối, bó buộc bởi thời lượng và các điều kiện sản xuất. Còn với văn học, mọi thứ bạn có thể chủ động hơn, được quyền sáng tạo đến tận cùng.
Chính vì vậy, ở tiểu thuyết, không gian của câu chuyện nhờ vậy cũng rộng mở hơn, hệ thống nhân vật dày dặn hơn, có thêm khá nhiều nhân vật mới rất quan trọng với back story của các nhân vật đã thấy trên màn ảnh.
Hơn nữa, về phía độc giả, khi ngồi đọc sách, đối diện với nhân vật, sẽ có cảm giác như mình đang ngồi tâm tình với một người không bị chi phối bởi đám đông, có thể lắng nghe một cách sâu lắng hơn. Và vì vậy, câu chuyện của tiểu thuyết cũng dễ chạm và dễ được mọi người thấu cảm, yêu thương hơn.
Có bạn sau khi đọc hết 3 chương đầu thì nhắn cho tôi ngay để nói rằng: Đọc tiểu thuyết mới hiểu vì sao bà Hai Lịnh lại cực đoan, cay nghiệt đến vậy. Và họ rất thương bà Hai Lịnh chứ không trách giận như sau khi xem phim.
Đó chính là điều tác giả chúng tôi mong muốn vì ý đồ của chúng tôi, tất cả các nhân vật trong phim đều là nạn nhân của tư tưởng và định kiến.
* Hơi bất ngờ khi Kim xuất hiện độc lập vì trước đây luôn đồng hành cùng Totochan (biên kịch Ngọc Bích – PV). Chị định hướng riêng độc lập cho mình?
- Thật ra khi Live On và cô Hằng đề nghị thì vẫn nghĩ tôi và TotoChan sẽ thực hiện việc chuyển thể kịch bản thành tiểu thuyết. Nhưng TotoChan cho rằng văn học mang dấu ấn của sáng tạo độc lập, tôi nên thực hiện một mình.
* Mỗi nhân vật tạo ra ít nhiều đều ảnh hưởng từ tính cách, tổn thương và đặt để mộng ước, hoài bão đam mê của người viết?
- Tôi không biết trên gương mặt của tôi hiện lên điều gì, mà 10 người gặp thì hết 9 người đều nghĩ chắc tôi có nhiều tổn thương và hẳn những nhân vật được tôi tạo dựng từ những tổn thương của chính bản thân. Không hẳn như vậy, tôi không bưng những tổn thương của mình vào nhân vật, nếu vậy thì nó nhanh cạn và nhanh một màu lắm.
Khi sáng tác, tôi chỉ theo nguyên tắc, phụng sự câu chuyện mà mình mong muốn mang lại cho khán giả, độc giả; và dĩ nhiên tôi có góc nhìn thấu cảm với các nhân vật mà mình sáng tạo, đó là góc nhìn và sự thấu cảm dành cho cuộc sống, cho những người sống quanh tôi.
Và một điều không thể chối bỏ là tôi đưa một số quan điểm sống của mình vào nhân vật. Như khi tôi viết về Mẹ chồng với tổn thương của những người phụ nữ trong “đống tro tàn” phong kiến, tôi dùng sự thấu cảm dành cho mẹ tôi, cho bà tôi và những người cùng thời với họ.
Cuộc đời làm dâu của mẹ tôi cũng sóng gió lắm. Vì mẹ là một tiểu thư con địa chủ, được gả cho bố là con trai một của gia đình buôn bán nhỏ. Bà nội tôi vốn đã mang nặng tư tưởng phong kiến, có những định kiến với con dâu, lại càng khắc nghiệt hơn khi con dâu - là mẹ tôi - còn nhiều vụng về.
Tôi thương mẹ, nhưng cũng không trách bà nội hay bà ngoại mình, tôi đều dành cho họ sự thấu cảm hiểu rõ rằng họ đều là nạn nhân của tư tưởng và định kiến.
Về ảnh hưởng của mình với nhân vật nếu có thì có lẽ nó là một loại ảnh hưởng ngược, kiểu như tôi không làm được điều gì tôi sẽ để cho nhân vật mình làm điều đó. Tôi là người yếu đuối, khá rụt rè, nhưng bạn thấy đấy, các nhân vật mà tôi tạo ra hay tham gia tạo ra đều rất mạnh mẽ, như Lệ Liễu, như Mẹ Tuệ và cả Ba Trân cũng vậy.
* Một trong những đặc thù của điện ảnh là chiều chuộng thị giác nên việc khai thác cảnh nóng là để hấp dẫn khán giả; nhưng ở tiểu thuyết Mẹ chồng chị cũng không bỏ những trường đoạn này?
- Không, tôi không nghĩ việc duy trì các trường đoạn mang tính sắc dục là để lôi kéo hay câu view mà đơn giản chỉ vì đời sống nhân vật diễn ra tự nhiên như vậy. Mọi thứ diễn ra theo đời sống của câu chuyện.
Hành vi sắc dục của Ba Trân dành cho Hai Nhứt là hành vi cố nắm níu tình yêu, đấu tranh, tìm lại giá trị đàn bà. Hành vi này tự nhiên theo mạch truyện và nó phục vụ cho mục đích để người ta thấy thương Ba Trân hơn, chứ không phải là hành vi sắc dục đơn thuần.
* Dường như tình yêu luôn thiếu vắng trong tác phẩm của chị? Từ Lôtô, Mẹ chồng rồi đến Hạnh phúc của mẹ.
- Chính xác là trong tác phẩm của tôi thiếu những tình yêu trọn vẹn, nhiều những tình yêu trắc trở, tội nghiệp.
Ở Mẹ chồng, tất cả những người phụ nữ ở nhà Hội đồng Lịnh đều lấy chồng mà chưa một lần gặp mặt, thậm chí lấy chồng rồi, chưa kịp gắn kết để có tình yêu với chồng thì bi kịch đã giáng xuống.
Như Ba Trân chẳng hạn. Tôi nghĩ, tình yêu và tình thương trong thời đại phong kiến là một thứ xa xỉ, không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông cũng bị mắc kẹt giữa tình yêu và tư tưởng mà họ phụng sự.
Ví dụ như cha của Ba Trân, ông cũng thương yêu 2 cô con gái của mình nhưng ông không thể làm gì khác ngoài việc quay lưng đoạn tuyệt với con ngay sau khi Ba Trân lấy chồng. Bởi vì ông mắc kẹt giữa tình yêu thương và tư tưởng mà ông phụng sự. Chính ông cũng cảm thấy mình không có giá trị khi chỉ có 2 đứa con gái.
Kim sinh ngày 16-7-1975 tại Thái Nguyên. Cô tốt nghiệp Cử nhân báo chí năm 1997 và có 12 năm làm phóng viên, biên tập viên tại các báo: Giáo Dục TP.HCM, Tạp chí Tiếp Thị Việt Nam, Sài Gòn Giải Phóng; Chủ biên tạp chí Healthcare.
Năm 2009 cô chuyển hướng theo học khoa Đạo diễn Trường Cao đẳng Sân Khấu Điện Ảnh TP.HCM và tốt nghiệp năm 2012. Cô là biên kịch của các tác phẩm: Lôtô, Mẹ chồng, Hạnh phúc của mẹ, Quỳnh hoa nhất dạ (tất cả đều đồng biên kịch với biên kịch Ngọc Bích - Totochan).
Năm 2019, Kim nhận giải thưởng Cánh Diều Vàng ở hạng mục Biên kịch xuất sắc phim truyện điện ảnh với phim Hạnh phúc của mẹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận