Trong cuộc trò chuyện cùng Tuổi Trẻ, không ít lần ông Cho Chul Hyeon nhắm nghiền mắt, ngước lên trời xanh. Đôi mắt đỏ hoe mở ra, bắt đầu lần giở những trang ký ức về một nhân vật đặc biệt trong trái tim ông.
Một vị lãnh đạo có tầm ảnh hưởng thế giới
* Vượt chặng đường xa để đến Hà Nội, cảm xúc của ông thế nào, thưa ông?
- Tôi bàng hoàng và phải đến bây giờ, khi đã ở Hà Nội, tôi mới nhận ra nỗi buồn đó sâu thẳm đến dường nào, khó giải thích và nói được thành lời.
Nhiều năm ròng rã nghiên cứu về cuộc đời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, dành nhiều tâm - trí - sức để tìm hiểu về Tổng bí thư nên khi hay tin ông từ trần, cảm giác trong tâm hồn tôi như mất đi một phần.
Hay tin từ Hàn Quốc, thâm tâm thôi thúc tôi phải sang Việt Nam và đến Hà Nội ngay lập tức, nơi con người vĩ đại ấy đã trút hơi thở cuối cùng. Dẫu có được vào viếng ông hay không, đối với tôi, được ở dưới cùng một bầu trời nơi ông sinh ra và mất đi là điều tôi phải làm.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Việt Nam mà tên tuổi và hình ảnh của ông đã vượt ra khỏi đất nước Việt Nam, trở thành một nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới, được nhiều nước, nhiều người quan tâm.
* Ông vừa nhắc đến việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhiều người biết đến, cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Tôi ví dụ ở Hàn Quốc. Sau khi Tổng bí thư từ trần, tin tức về ông xuất hiện rất nhiều trên báo đài.
Những bản tin như Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin chia buồn, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh viếng và cúi đầu trước di ảnh của Tổng bí thư đã gây cảm xúc mạnh với người Hàn Quốc.
Họ cảm nhận đây thực sự là một vị lãnh đạo có tầm ảnh hưởng thế giới, lớn đến mức nguyên thủ các cường quốc phải ngay lập tức có những động thái như vậy.
Đây không phải là suy đoán chủ quan, mà tôi có cơ sở để nói như vậy. Ngay trước khi đến cuộc trò chuyện này, tôi được tin quyển sách mà tôi viết về Tổng bí thư đã nhận được thêm hàng trăm đơn đặt hàng.
Điều đó cho thấy người dân nước tôi cảm thấy cần phải tìm hiểu về nhân vật này, muốn tìm hiểu thêm ông là ai và là người như thế nào.
Thán phục về sự nhạy cảm và tài ngoại giao của Tổng bí thư
* Ba chữ "Nguyễn Phú Trọng", đối với ông, có gì khác trước và sau khi viết sách?
- Thật lòng mà nói, trước đây tôi chỉ biết đó là tên của một nhà lãnh đạo Việt Nam như bao lãnh đạo các nước khác. Từ năm 2008, cái tên "Nguyễn Phú Trọng" mới được nhiều người Hàn Quốc, trong đó có tôi, chú ý và biết đến nhiều hơn khi ông sang thăm trên cương vị Chủ tịch Quốc hội.
Nhưng chuyến đi để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất diễn ra cách đây đúng 10 năm, khi ông đã là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong chuyến thăm đó, Tổng bí thư đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo Samsung vào lúc tập đoàn này đang mất phương hướng khi nhà sáng lập kiêm chủ tịch đương nhiệm Lee Kun Hee rơi vào hôn mê và mọi trọng trách dồn lên vai người con trai Lee Jae Yong.
Thời điểm đó, báo chí Hàn Quốc đưa tin rất nhiều về chuyến thăm này, bởi với họ, đó là lần đầu tiên một Tổng bí thư Đảng của Việt Nam thăm, khích lệ tinh thần cho người kế tục Samsung. Chính điều đó đã khiến lãnh đạo Samsung cùng người dân Hàn Quốc thán phục về sự nhạy cảm cùng tài ngoại giao kinh tế của ông Nguyễn Phú Trọng.
Sau chuyến thăm năm 2014 của Tổng bí thư, tôi bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về ông. Không biết tiếng Việt, điều kiện tại Hàn Quốc cũng không cho phép, tôi đã đến Việt Nam, vào nhiều thư viện để tìm, dịch và đọc các tài liệu về Tổng bí thư, trong đó có khóa luận tốt nghiệp đại học và luận văn tiến sĩ của ông tại Liên Xô.
Và rồi tôi đã đi từ ngạc nhiên đến cảm thấy thán phục khi biết ông xuất thân từ một gia đình bình thường, tốt nghiệp khoa văn trước khi trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam trong khi hầu hết các nguyên thủ quốc gia khác đều tốt nghiệp ngành luật hoặc chính trị học.
Những bài viết của Tổng bí thư, từ khi còn làm ở Tạp chí Cộng Sản đến khi trở thành lãnh đạo cấp cao hơn thật sự khiến tôi khâm phục. Những gì được ông truyền tải qua các bài viết không khô khan mà ngược lại rất dễ hiểu.
Ông không chỉ là một nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, một chính khách mà còn là một người thầy.
* Mất nhiều năm để hoàn thành quyển sách về Tổng bí thư, đâu là phần ông tâm đắc nhất?
- Quyển sách đã nói về nhiều giai đoạn trong cuộc đời của Tổng bí thư. Tôi đã dành một phần riêng để nói về ông khi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội sau đó là Tổng bí thư, gói gọn trong ba cụm từ "sĩ phu Bắc Hà", "người đốt lò" và "ngoại giao cây tre".
Một giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) sau khi đọc quyển sách đã nhận xét rằng đây sẽ là một tài liệu tham khảo bổ ích cho các sinh viên, những người nghiên cứu về Việt Nam tại Hàn Quốc.
Xuất thân từ khoa văn nên Tổng bí thư vừa là một nhà lý luận uyên thâm, vừa dẫn dắt người dân bằng trí tuệ và tinh thần nhân văn.
Chẳng hạn, để nói về ngoại giao cây tre được đúc kết từ lịch sử Việt Nam, Tổng bí thư đã mượn hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy: "Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao nên lũy, nên thành tre ơi".
Chỉ bằng việc trích dẫn hai câu thơ đó, ai đọc vào cũng hiểu một đường lối đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc cây tre của Việt Nam là như thế nào.
Cây tre rất chắc chắn, vững chãi nhưng cũng lại vừa mềm dẻo. Đó không chỉ là tinh thần ngoại giao vì đất nước nữa mà còn vì hòa bình thế giới. Nhiều lãnh đạo các cường quốc, chỉ trong một thời gian ngắn, đã đến Việt Nam để gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho thấy sự thành công của đường lối ngoại giao ấy.
* Đó là về đối ngoại, với việc đối nội, ông cảm nhận gì về Tổng bí thư?
- Chiến dịch chống tham nhũng, tiêu cực "không có ngoại lệ, không có vùng cấm" được Tổng bí thư khởi xướng đã cho thấy rõ tâm nguyện vì nước vì dân của ông.
Tôi ấn tượng với việc ông đã xác định và nhiều lần nói rõ rằng với tham nhũng, tiêu cực phải phòng ngừa chứ không để xảy ra rồi mới đi giải quyết hậu quả, khi có sai phạm thì kiên quyết xử lý trên tinh thần làm sao đất nước vững mạnh và phát triển hơn.
Trong quá trình đó, sự bao dung xen lẫn trăn trở của Tổng bí thư cũng thể hiện rõ khi ông chia sẻ: "Không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ đã nói, phải cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây".
* Người dân Việt Nam nói chung, thế hệ trẻ nói riêng, có thể học được điều gì từ tấm gương Tổng bí thư, thưa ông?
- Không phải ngẫu nhiên tôi dùng "sĩ phu Bắc Hà" để nói về cốt cách, tâm hồn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Con người ấy từng mong muốn trở thành giáo sư, theo nghề dạy nhưng theo sự phân công của Đảng, của tổ chức, ông đã về làm việc tại Tạp chí Học Tập nay là Tạp chí Cộng Sản.
Đến năm 2021, sau khi được bầu tiếp tục giữ chức Tổng bí thư tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong cuộc họp báo sau đó, ông đã chia sẻ: "Bây giờ tôi không được khỏe lắm, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng đại hội bầu phải làm, đảng viên thì phải chấp hành".
Những điều đó cho thấy sự nặng lòng của ông với đất nước, vì nhân dân, vì Tổ quốc.
Có thể nói ngoại giao cây tre và chiến dịch chống tham nhũng, tiêu cực là hai trong những di sản của Tổng bí thư.
Đã gọi là di sản thì cần phải có kế thừa, tôi tin lớp lãnh đạo kế tiếp và thế hệ trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện những di sản ấy, hoàn thành những ước nguyện của Tổng bí thư để cho đất nước Việt Nam không chỉ là một nước phát triển mà còn ngang tầm với các cường quốc khác.
Niềm an ủi và tự hào lớn
Vốn dĩ quyển sách này (hơn 330 trang bằng tiếng Hàn) tôi dự định sau khi xuất bản bản tiếng Việt sẽ tìm cơ hội để mang đến tặng Tổng bí thư đúng vào năm ông 80 tuổi và lắng nghe những góp ý của ông để tiếp tục điều chỉnh. (Được biết Nhà xuất bản Thông Tấn vừa ký hợp đồng xuất bản tiếng Việt - PV).
Là người viết sách, đặc biệt về cuộc đời một con người, ai cũng muốn được gặp trực tiếp nhân vật. Tôi biết điều ấy rất khó, bởi Tổng bí thư là lãnh đạo cấp cao, trăm công nghìn việc nhưng tôi vẫn ước ao điều đó. Thế rồi ông ra đi trước khi tôi kịp có cơ hội ấy...
Điều an ủi và khiến tôi cảm thấy tự hào nhất là khi biết quyển sách này đã được chuyển đến tay Tổng bí thư trong những ngày ông dưỡng bệnh.
Trong những giờ phút này, thông qua quyển sách, tôi mong muốn được gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia quyến của Tổng bí thư và mong mỏi qua đó, mọi người có thể hiểu thêm, tri ân những tư tưởng của ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận