Tập sách bên dưới sương mù cùng họa đồ thiết kế và phân lô khu chợ Mới Đà Lạt của KTS Ngô Viết Thụ, năm 1959. Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên sẽ có cuộc trò chuyện với độc giả nhân sách ra mắt vào 9h ngày 24-3 tại 38 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM - Ảnh: GIA TIẾN
Sau Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách, Đà Lạt một thời hương xa, lần này anh trở lại với biên khảo Đà Lạt bên dưới sương mù.
Trò chuyện với Thế giới sách quanh tác phẩm này, cây bút biên khảo Nguyễn Vĩnh Nguyên chia sẻ: "Tôi có niềm hứng thú của kẻ đi xuyên sương mù để nhận diện lại một đô thị với những chiều kích giá trị còn lại, những gì bị bôi xóa, lãng quên, diễn dịch cách này hay cách khác".
Đà Lạt của những sự kiện bí mật
* Khi đọc tác phẩm Đà Lạt bên dưới sương mù, độc giả dễ bị choáng ngợp bởi khối lượng tài liệu đồ sộ, đặc biệt là tài liệu trong các văn khố. Anh có thể nói qua về quá trình tiếp cận, xử lý các tài liệu này, cách chọn lựa đề tài trong vô vàn tài liệu?
- Tôi dành ra hai năm đi vào các trung tâm lưu trữ tại Sài Gòn và Đà Lạt để tìm tất cả những gì có liên quan tới Đà Lạt trong khoảng 1950 - 1975. Tôi cũng cậy nhờ một người quen tại Paris lấy được tập tài liệu quý về Hoàng triều cương thổ tại Thư viện quốc gia Pháp.
Khối lượng tài liệu Đà Lạt trong thời kỳ Hoàng triều cương thổ và Việt Nam cộng hòa để lại lên đến vài trăm bó, hàng ngàn trang văn bản cũ với đủ thứ chuyện xảy ra tại thành phố này, từ chuyện một bà ở đường Duy Tân đăng ký mở bưu cục phụ, chuyện giải tỏa để mở rộng sân bay Cam Ly hay bó hồ sơ về đất và nhà bà Nhu (Trần Lệ Xuân) đầy những khế ước, đoạn mãi, quyết định, công văn, báo cáo...
Đi vào các kho tài liệu đó, bạn sẽ dễ dàng bị choáng ngợp. Vì thấy điều gì cũng mới lạ. Bạn có niềm hứng thú khi đi vào một thành phố bằng con đường khác mà trước đó hiếm ai đi. Hứng thú đó có thể làm cho bạn dễ mất tập trung và đi lạc không thấy lối ra.
Những lúc thấy mình có dấu hiệu hoang mang trước những kho tài liệu, tôi đã tìm cách thoát ra bằng việc đi thực địa và tìm tài liệu trong "giang hồ" (giới sưu tập, mua bán tài liệu cũ)...
Rồi nhất thiết phải căng lên một cái khung tổng thể cho cuốn sách. Tôi trả lời câu hỏi những gì cần nói về Đà Lạt trong giai đoạn này.
* Làm thế nào anh có thể dung hòa được tính khô cứng của tài liệu với giọng văn kể chuyện hấp dẫn để tác phẩm này không trở thành một cuộc "triển lãm" tài liệu?
- Đó là điều khó khăn. Nó đòi hỏi một quá trình đọc, xử lý, làm chủ văn bản. Tôi mang máy tính vào trung tâm lưu trữ và ngồi làm việc tại đó mỗi khi có thể, để giảm chi phí in sao tài liệu (bạn biết đó, tất cả là chi phí cá nhân). Và kiên trì lần ra đường dây của những câu chuyện được mã hóa qua các văn bản hành chính, hình ảnh...
Việc dựng lại câu chuyện đòi hỏi độ chuẩn xác cao, có chú dẫn cụ thể, khoa học. Tôi cũng đã nhiều lần đi về Đà Lạt, tiếp xúc người Đà Lạt có mặt trong các sự kiện, tìm các tài liệu trong sách báo đã ấn hành để thâm nhập vào các dữ kiện đời sống, cố gắng tái hiện không gian sống động nhất có thể.
Tuy nhiên, điều thú vị là rất nhiều sự kiện bí mật đã không được nhiều người, ngay cả người Đà Lạt biết đến, ví dụ vụ các phi công Pháp được cho là "trộm máy bay" khi hãng bay S.I.L.A. bị quốc trưởng Bảo Đại bỏ rơi, vụ ám sát quan mật thám ở số 17 Rue des Roses kéo theo vụ xử tử 20 người Việt ở Cam Ly, hay chuyện các công chức Nha văn khố đã không ngại hiểm nguy, cứu tài liệu trong bom lửa vào những ngày tháng 3-1975...
Tôi nghĩ ở giai đoạn này, để bảo vệ những giá trị của một công trình, một đô thị, thì tình yêu thôi sẽ không đủ. Yêu nhiều quá sớm muộn cũng sẽ dẫn đến... bất lực và hụt hẫng tràn trề.
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Giá trị lịch sử của khu Hòa Bình
* Trong các tài liệu anh công bố ở đây, đáng chú ý là các tài liệu hình ảnh, bản vẽ quy hoạch... Anh có nhận xét gì về tầm nhìn quy hoạch đô thị Đà Lạt của các thế hệ trước?
- Trong sách, tôi có đề cập câu chuyện về việc xây chợ Mới Đà Lạt (nay là chợ Đà Lạt) và bản đồ án phân lô phố một tầng lầu ở khu chợ, do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế năm 1959.
Thời điểm đó, KTS Ngô Viết Thụ vừa học ở Pháp về, có chuyên môn quy hoạch, nắm trong tay giải thưởng Kiến trúc Khôi nguyên La Mã, được tổng thống Diệm giao phó quyết định nhiều phân vùng kiến trúc, quy hoạch miền Nam, trong đó có khu chợ Mới Đà Lạt.
Chỉ cần thiếu bình tĩnh và phô trương "tư duy tân kỳ" một chút, ông Thụ đã có thể cố vấn cho thị trưởng Đà Lạt và ông tổng thống cho đập bỏ cái chợ cũ (nay là rạp Hòa Bình) ngay.
Nhưng ông Thụ đã không làm vậy, có lẽ vì là người gắn bó với Đà Lạt, ông đọc được giá trị lịch sử của khu quảng trường Hòa Bình và giá trị di sản của ngôi chợ cũ trông rất đơn sơ.
Ông giữ lại và làm một cầu dẫn từ khúc quanh phía sau chợ cũ sang ngôi chợ Mới, tạo ra sự nối kết rất hài hòa giữa hai thời kỳ kiến trúc quá khứ - hiện tại, di sản - hiện đại; đồng thời giới hạn khu thương mại quanh chợ chỉ được phép xây một tầng lầu.
Trong lịch sử, người dân Đà Lạt đã đồng tình với đồ án trên; Hội đồng thành phố từng lên tiếng để giữ gìn những nguyên tắc chính khi có ai đó cậy quyền lực và kinh tế để phá vỡ nguyên tắc. Tôi đã chọn in bản họa đồ 1959 của Ngô Viết Thụ làm quà tặng kèm theo sách như một tài liệu quý mà độc giả có thể tự đối chiếu với thực tiễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận