Phóng to |
Nhà báo - nhà thơ Trần Đình Chính (phải) trao bản quyền bài thơ cho ông Nguyễn Xuân Hàn - Ảnh tư liệu |
Tang lễ của ông bắt đầu vào hồi 11 giờ ngày 11-5, tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.
Sáng tác không nhiều nhưng chỉ với bài thơ "Ở hai đầu nỗi nhớ" viết vào mùa hè năm 1980, đăng báo Nhân dân năm 1984, năm 1987 được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, tác giả Trần Đình Chính, bút danh Trần Hoài Thu đã xứng đáng đứng vào hàng ngũ những cây bút được nhiều người yêu thích.
“Đêm nghe tiếng mưa rơi
Đếm mấy triệu hạt rồi mà chưa vơi nỗi nhớ
Ở hai đầu nỗi nhớ
Yêu và thương sâu hơn
Ở hai đầu nỗi nhớ
Nghĩa tình đằm thắm hơn"
Nói về bài thơ nổi tiếng này, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ghi nhận: Điểm đặc biệt của “Ở hai đầu nỗi nhớ” là càng trải qua thời gian càng có thêm nhiều người yêu mến. Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình, “Ở hai đầu nỗi nhớ” là bài thơ, bài hát mà nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu yêu thích nhất.
Đánh giá về bài thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ”, khi còn sống nhà thơ Phạm Tiến Duật, nguyên Phó trưởng Ban đối ngoại, Hội Nhà văn Việt Nam đã cho rằng: Bài thơ đã đạt đến đỉnh cao của "nghệ thuật sử dụng ngôn từ". Không ồn ào, không nỉ non, những từ ngữ trong sáng, mượt mà, bản thân nó đã toát lên vẻ thanh khiết của một mối tình. Bài thơ là tiếng nói đầy ắp yêu thương của tình yêu và nỗi nhớ.
Nhà báo Thép Mới đã từng viết: Đời mỗi người làm văn, làm thơ, làm báo cũng chỉ cần một tác phẩm như “Ở hai đầu nỗi nhớ” là đủ!
Bài thơ "Ở hai đầu nỗi nhớ" đã lập kỷ lục khi được mua bản quyền sử dụng bài thơ với giá 300 triệu đồng. Đây vẫn là bài thơ có giá kỷ lục tại Việt Nam đến thời điểm này. Tháng 4-2013, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học, Công nghệ) và Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã trao tặng kỷ lục "Bài thơ có giá bản quyền cao nhất Việt Nam" cho bài thơ "Ở hai đầu nỗi nhớ". Đây là một trong 10 kỷ lục Việt Nam thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ vào năm 2013.
Nhà báo, nhà thơ Trần Đình Chính sinh năm 1955. Ông từng là bộ đội thông tin trong kháng chiến chống Mỹ, chiến đấu ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Sau chiến tranh, ông theo học và tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội rồi trở thành phóng viên báo Nhân Dân - nơi ông đã làm việc 40 năm.
Những năm cuối đời, nhà báo, nhà thơ Trần Đình Chính bị mắc trọng bệnh và ông đã ra đi thanh thản bên người thân trong niềm thương tiếc khôn nguôi, trong nỗi nhớ giản dị và sâu lắng của nhiều bạn yêu thơ về những ca từ thật trữ tình và sâu lắng.
Ở hai đầu nỗi nhớ (*) Có một không gian nào Đo chiều dài nỗi nhớ Có khoảng mênh mông nào Sâu thẳm hơn tình thương Anh đang ở Pai-lin Rừng Khộp khô trong nắng Thương em chiều mưa lạnh Muốn gửi chút nắng hồng Chào Phnom-Penh mến yêu Sức vươn tràn dũng sĩ Tạm biệt dòng Bốn mặt Sóng đang hát đôi bờ Ở đầu này nỗi nhớ Anh mơ về bên em Ngôi sao như xuống thấp Cho ta gần nhau hơn Ở đầu kia nỗi nhớ Nằm đếm tiếng mưa rơi Được mấy triệu hạt rồi Mà chưa vơi nỗi nhớ Ở hai đầu nỗi nhớ Yêu và thương sâu hơn Ở hai đầu nỗi nhớ Nghĩa tình đằm thắm hơn Trần Đình Chính (*): Bài thơ được lấy lại từ trang web của Hội Nhà văn TP.HCM |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận