Loại trái quê thành đặc sản có tác dụng chữa bệnh
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn - nguyên chủ nhiệm khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết sung vốn là một thứ quả quê mùa và dân dã ở nông thôn trước đây.
Kinh tế phát triển, đời sống vật chất được cải thiện, khi người ta đã chán chê những đồ ăn cao lương mỹ vị, thậm chí bị mắc các chứng bệnh rối loạn chuyển hóa thì bỗng nhiên trái sung lại trở thành một thứ của ngon vật lạ.
Sung có mặt trong các nhà hàng đặc sản với các món: sung muối, sung đóng lọ, sung kho cá, sung ăn gỏi....
Theo nghiên cứu hiện đại, sung có chứa glucose, saccarose, quinic acid, shikimic acid, oxalic acid, citric acid, malic acid, auxin, các nguyên tố vi lượng như canxi, photpho, kali... và một số vitamin như C, BI...
Kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm bước đầu cho thấy sung có tác dụng nhuận tràng, hạ huyết áp và phòng chống ung thư.
Theo bác sĩ Đinh Minh Trí - Đại học Y Dược TP.HCM, những dưỡng chất có trong sung có tác dụng chữa nhiều bệnh:
- Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa: Trong trái sung có khá nhiều chất xơ kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Hàm lượng chất xơ này sẽ làm giảm tình trạng táo bón hiệu quả.
- Hỗ trợ sức khỏe mạch máu và tim: Tác dụng của sung là giúp huyết áp và mỡ máu được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, sức khỏe của các mạch máu cũng được ghi nhận ở mức tốt hơn, đồng thời làm giảm tỉ lệ bị mắc phải các bệnh về tim mạch chuyển hóa.
- Cải thiện sức khỏe làn da: Trong quả sung có rất nhiều dưỡng chất có lợi đối với làn da, nhất là những người có tình trạng viêm da dị ứng, da khô...
- Đặc tính chống ung thư tiềm năng: Nhiều nghiên cứu tại phòng thí nghiệm rất hứa hẹn đã cho thấy tác dụng của lá sung với các tế bào ung thư. Lá và nhựa (mủ) từ cây sung đã được chứng minh là có hoạt tính kháng u chống lại ung thư đại trực tràng ở người, ung thư vú, ung thư cổ tử cung và những tế bào ung thư gan.
- Sức khỏe tóc: Sung rất giàu sắt - một khoáng chất quan trọng để giúp duy trì một mái tóc khỏe mạnh.
- Bảo vệ thị lực: Trong trái sung có chứa vitamin A - vitamin đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ thị lực và duy trì sức khỏe cho đôi mắt. Vitamin A là hợp chất thân dầu, ở mắt vitamin A tạo thành một lớp màng mỏng bao phủ bề mặt mắt giúp bảo vệ giác mạc khỏi các tác nhân gây hại như bụi bẩn, ánh sáng xanh, tia UV...
- Duy trì hoạt động của hệ thần kinh: Các vitamin nhóm B có trong trái sung giúp duy trì sự khỏe mạnh của hệ thần kinh, đóng vai trò quan trọng trong cung cấp năng lượng cho tế bào thần kinh. Ngoài ra, vitamin B1 giúp giảm căng thẳng thần kinh và tăng khả năng sáng tạo.
- Tăng cường sức khỏe xương khớp: Quả sung là nguồn cung cấp canxi và kali dồi dào, đây đều là các khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự khỏe mạnh của hệ xương khớp.
Cách dùng sung chữa bệnh cụ thể
Theo bác sĩ Toàn, trong y học cổ truyền, sung vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ ích vị, nhuận phế lợi hầu, nhuận tràng thông tiện, tiêu thủng, giải độc, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như viêm ruột, kiết lỵ, táo bón, trĩ xuất huyết, sa trực tràng, viêm họng, ho, sản phụ thiếu sữa, mụn nhọt lở loét, chán ăn phong thấp...
Liều lượng: Nếu uống, mỗi ngày 30-60g sắc uống hoặc ăn sống từ 1-2 chùm nhỏ, dùng bên ngoài thái phiến dán vào huyệt vị châm cứu hay nơi bị bệnh, nấu nước rửa hoặc sấy khô tán bột rắc hay thổi vào vị trí tổn thương.
Ngoài ra, có thể dùng sung để chữa một số bệnh cụ thể như sau:
- Viêm họng: Sung tươi sấy khô, tán bột rồi lấy một chút thổi vào họng. Hoặc sung tươi gọt vỏ, thái phiến, sắc kỹ lấy nước, cho thêm đường phèn rồi cô nhỏ lửa thành dạng cao, ngậm hằng ngày.
- Ho khan không có đờm: Sung chín đủ, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước cốt uống mỗi ngày 1 lần.
- Viêm loét dạ dày tá tràng: Sung sao khô, tán bột, mỗi ngày uống 2- 3 lần, mỗi lần 6-9g với nước ấm.
- Tỳ vị hư nhược, hay rối loạn tiêu hóa: Sung 30g, thái nhỏ, sao hơi cháy, mỗi lần lấy 10g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, chế thêm một chút đường phèn, uống thay trà trong ngày.
- Táo bón: Sung tươi 9g sắc uống hằng ngày. Sung chín ăn mỗi ngày 3- 5 quả. Hoặc sung tươi 10 quả rửa sạch bổ đôi, ruột già lợn một đoạn làm sạch thái nhỏ, hai thứ đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn trong ngày.
- Sản phụ thiếu sữa: Sung tươi 120g, móng lợn 500g, hai thứ đem hầm thật nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần. Bài này có công dụng bổ khí huyết, hạ nhũ chấp (làm ra sữa) dùng rất tốt cho sản phụ sau đẻ suy nhược, khí huyết bất túc, sữa không có hoặc có rất ít.
- Viêm khớp: Sung tươi lượng vừa đủ đem hầm với thịt lợn nạc ăn. Hoặc sung tươi 2-3 quả rửa sạch thái vụn rồi tráng với trứng gà ăn.
- Mụn nhọt, lở loét: Sung chín sao khô, tán bột rồi rắc lên tổn thương. Đế đạt hiệu quả cao, trước đó có thể ngâm rửa tổn thương bằng nước sắc quả hay lá sung tươi, sau đó lau khô rồi rắc bột thuốc và băng lại....
Những người không nên ăn quả sung
Nếu muốn sử dụng quả sung trong điều trị bệnh, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh gặp phải những tác dụng phụ từ loại trái cây này.
Người có xuất huyết trực tràng, đau dạ dày: Theo đông y, đặc tính của quả sung chín là nóng, ăn nhiều sẽ gây xuất huyết trực tràng hoặc làm đau dạ dày.
Chứng hạ đường huyết: Mặc dù tác dụng của quả sung có thể giúp kiểm soát đường huyết trong máu nhưng những người đang có chứng hạ đường huyết mà ăn quả sung nhiều sẽ làm đường huyết xuống mức thấp.
Sỏi thận, sỏi mật, sỏi bàng quang: Sung chứa nhiều oxalate nên những người mắc bệnh thận khi ăn quả sung chất oxalate sẽ kết hợp với canxi tạo thành sỏi.
Người có da nhạy cảm: Nếu là người có làn da nhạy cảm, dễ dị ứng thì tốt nhất không nên ăn sung vì dễ gây ra các tình trạng như viêm mũi, viêm màng kết và sốc phản vệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận