Các loại hành. Ảnh: cookingchew.com
Tác dụng chống khuẩn
Hoạt chất có khả năng ngăn chặn vi khuẩn, ký sinh, nấm mốc… trong dược liệu thiên nhiên, trong thực phẩm đúng là không thiếu nhưng nếu so sánh một cách khách quan, các nhà nghiên cứu trước sau vẫn xếp loại củ hành vào nhóm đứng đầu về tính kháng sinh trên cơ chế sinh học, nghĩa là ít gây phản ứng phụ bất lợi cho cơ thể.
Ở Nga, sau khi so sánh tác dụng của hàng trăm loại dược liệu theo tiêu chí dược lý thực nghiệm, chuyên gia trên quê hương của Tolstoi đã không ngần ngại đánh giá củ hành như món ăn có tính diệt khuẩn không thua bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào đang lưu hành. Thầy thuốc ở vùng Bắc Âu đã từ bao đời dùng củ hành như thực phẩm hỗ trợ cho người bị lao phổi. Tác dụng kháng sinh của củ hành trở nên tối ưu nếu dùng dưới dạng ăn sống hay trộn dầu giấm.
Giảm choleserol
Nhiều kết quả nghiên cứu vào cuối thế kỷ XX cho thấy củ hành "ăn thua đủ" với chất mỡ trong máu. Khác với cơ chế thông thường của nhiều loại thuốc chống mỡ trong máu theo kiểu tìm cách giảm lượng cholesterol một cách thụ động, nghĩa là đợi đến lúc cholesterol đã thao túng "thị trường" thì mới bắt đầu có biện pháp chế tài, củ hành có tác dụng rốt ráo hơn nhiều thông qua ảnh hưởng trực tiếp trên chức năng biến dưỡng chất béo của lá gan. Thay vì chạy theo chất mỡ trong máu, củ hành phản công bằng cách thúc đẩy phản ứng tổng hợp loại chất béo hữu ích cho cơ thể (HDL). Chất này càng cao thì chất béo loại gây xơ vữa mạch máu, viêm gan, suy thận,… phải chịu phần lép vế.
Lợi ích dinh dưỡng
Tuy cùng là một giống nhưng sự khác nhau về chủng loại, thời gian trồng và thời gian lưu trữ cũng làm cho các loại hành này có tác dụng dinh dưỡng khác nhau.
Hành được coi là thực phẩm có tính kháng viêm cao. Ngoài ra, nó lại rất giàu vitamin A, B, C và là một nguồn tiềm năng của acid folic, canxi, phốt pho, magiê, crom, sắt và chất xơ.
Tốt cho huyết áp
Dù bạn ăn sống hoặc nấu chín, hành tây cũng giúp bạn hạ huyết áp một cách tự nhiên. Nó cũng làm loãng máu, hòa tan cục máu đông và lọc máu khỏi các chất béo không lành mạnh.
Phòng chống ung thư ruột kết: Fructo-oligosaccharides trong hành kích thích sự tăng trưởng của vi khuẩn có lợi trong ruột kết và giúp giảm nguy cơ phát triển khối u ở ruột kết.
Táo bón và đầy hơi: Ăn nhiều hành tây sẽ giúp giảm táo bón mãn tính và đầy hơi.
Tiểu đường
Chromium trong hành tây giúp các tế bào trong cơ thể của bệnh nhân tiểu đường có phản ứng thích hợp để làm giảm mức độ insulin và cải thiện lượng đường glucose hấp thụ vào cơ thể.
Lợi tiểu và làm sạch máu: Hành có tác dụng giữ nước để tránh sỏi tiết niệu, viêm khớp và bệnh gút.
Tăng cường miễn dịch
Vị hăng của hành làm tăng lưu thông máu và sự tiết mồ hôi. Đặc biệt trong thời tiết lạnh, hành có tác dụng tránh nhiễm trùng, giảm sốt và đổ mồ hôi ra cảm lạnh và cúm rất tốt.
Loãng xương
Trong hành có chứa một hợp chất có thể ngăn ngừa các hoạt động phá vỡ xương. Đặc biệt nó có lợi cho những phụ nữ có nguy cơ bị loãng xương khi họ đi qua thời kỳ mãn kinh.
Phòng bệnh hô hấp
Mỗi ngày bạn nên uống 3-4 thìa cà phê hỗn hợp nước ép hành và mật ong để làm tiêu đờm và ngăn chặn sự tạo đờm trong cơ thể. Hỗn hợp này cũng là vị thuốc để chống lại bệnh cảm lạnh thông thường.
Nâng cao chất lượng "chăn gối":
Hành là một chất kích thích tình dục mạnh, chỉ đứng thứ hai sau tỏi./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận