20/03/2018 14:42 GMT+7

Tác chiến không gian mạng: Đội quân bí mật của Nga

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Theo Công ty tư vấn an ninh mạng Nga Zecurion Analitics, đội quân tác chiến thông tin Nga gồm khoảng 1.000 quân với ngân sách 300 triệu USD/năm.

Tác chiến không gian mạng: Đội quân bí mật của Nga - Ảnh 1.

Quân đội Nga thử nghiệm tấn công mạng trong cuộc tập trận Zapad vào tháng 9-2017 - Ảnh: TASS

7g sáng 30-8-2017, mạng điện thoại di động tại Cộng hòa Latvia giáp với Nga đột nhiên bị tê liệt bảy tiếng. 

Gần nửa tháng sau, vào ngày 13-9-2017, số điện thoại khẩn cấp 112 của Latvia bị ngắt lần đầu tiên và vài tiếng sau mới hoạt động lại. 

Sự cố xảy ra chỉ một ngày trước khi Nga và Belarus tổ chức cuộc tập trận Zapad 2017.

Các cuộc biểu tình “Mùa xuân Ả Rập” ở Trung Đông đã chứng minh mạng xã hội Facebook, Twitter và các dịch vụ nhắn tin khác đã giúp phát tán nhiều nội dung đe dọa ổn định xã hội và chính trị

Chuyên gia OLEG DEMIDOV 

Tập trận tác chiến không gian mạng

Cuộc tập trận Zapad 2017 kéo dài một tuần bắt đầu từ ngày 14-9-2017 tại 10 địa điểm ở Nga và Belarus với 12.700 binh sĩ tham gia. Latvia và NATO khăng khăng cho rằng Nga đã thử nghiệm tấn công mạng trước cuộc tập trận Zapad nên mới xảy ra hai sự cố điện thoại ở Latvia. 

Điều này khiến NATO lo ngại vì cho đến nay NATO cho rằng Nga chỉ sử dụng vũ khí mạng làm phương tiện phòng thủ.

Theo NATO, trong tập trận quân đội Nga đã thử nghiệm năng lực tấn công không gian mạng với ý đồ vận dụng chiến thuật lợi hại của binh pháp Tôn Tử: "Thị cố bách chiến bách thắng, phi thiện chi thiện giả dã; bất chiến nhi khuất nhân chi binh, thiện chi thiện giả dã" 

(Thế nên bách chiến bách thắng cũng chưa phải cách sáng suốt trong sự sáng suốt. Không cần đánh mà làm kẻ địch khuất phục mới gọi là sáng suốt nhất trong sự sáng suốt).

Tướng Ben Hodges, tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, khẳng định: "Trong ba năm qua, Nga đã phát triển kho vũ khí điện tử quan trọng... Phần lớn đã được sử dụng trong cuộc tập trận Zapad". 

Trước đó vào tháng 9-2016, đội quân tác chiến mạng của Nga đã xuất trận lần đầu tiên trong cuộc tập trận quy mô lớn Caucasus 2016 ở Crimea và biển Đen với 12.500 binh sĩ Nga tham gia.

Quân đội Nga chỉ quan tâm đặc biệt đến tác chiến mạng sau khi xảy ra hai sự kiện quan trọng. 

Năm 2007, sau khi Chính phủ Estonia quyết định dời tượng đài chiến sĩ Hồng quân Liên Xô, nhiều cơ quan chính phủ, ngân hàng, thị trường chứng khoán đã bị tấn công mạng. Đất nước Estonia bị tê liệt trong 48 tiếng. Các tin tặc Nga bị tình nghi là thủ phạm.

Một năm sau, trong cuộc chiến với Gruzia ở Nam Ossetia, song song với triển khai các đơn vị sử dụng vũ khí quy ước, quân đội Nga còn tiến hành chiến tranh điện tử làm tê liệt hệ thống thông tin liên lạc chỉ huy của quân đội Gruzia.

Tác chiến không gian mạng: Đội quân bí mật của Nga - Ảnh 3.

Đội quân tác chiến thông tin của Nga - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Quá trình xây dựng lực lượng

Theo tổng biên tập báo Quốc Phòng (Nga) Igor Korotchenko, Nga quyết định tăng ngân sách đầu tư cho công tác an ninh mạng sau sự kiện mã độc Stuxnet phát tán năm 2010 tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran (cơ quan tình báo của Mỹ và Israel bị nghi là thủ phạm). 

Nhiều lò phản ứng làm giàu uranium của Iran bị loại khỏi vòng chiến và chương trình hạt nhân Iran thụt lùi mất nhiều năm.

Lịch sử thành lập đội quân tác chiến không gian mạng của Nga bắt đầu từ năm 2012. Lúc bấy giờ, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin lần đầu tiên đưa ra ý tưởng thành lập đội quân tác chiến mạng. Sang năm sau, quân đội Nga bí mật thực hiện kế hoạch.

Đến ngày 17-4-2015, Hãng tin TASS đưa tin một đơn vị tác chiến thông tin Nga đã được triển khai đến bán đảo Crimea. Dù vậy, Chính phủ Nga vẫn bác bỏ thông tin đã thành lập lực lượng tác chiến mạng. 

Ví dụ vào đầu năm 2017, ông Alexander Sherin, phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia Nga, còn tuyên bố "Nga không có lực lượng như vậy". Nhiều quan chức cấp cao Nga cũng phát biểu tương tự.

Phải đến tháng 2-2017, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu mới chính thức xác nhận quân đội Nga đã thành lập một lực lượng gọi là "đội quân tác chiến thông tin" trực thuộc Bộ Quốc phòng. 

Ông khẳng định đội quân này làm nhiệm vụ tuyên truyền thông tin.

Đội quân tác chiến thông tin

Không có nhiều thông tin chính thức về đội quân tác chiến thông tin của Nga. Các nước phương Tây nghi ngờ đội quân tác chiến thông tin của Nga không chỉ làm công tác tuyên truyền mà có thể là đơn vị đi đầu trong các chiến dịch tấn công mạng.

Chuyên gia Yaakov Kedmi, người Israel, đánh giá đội quân tác chiến thông tin của Nga được bố trí trong mọi binh chủng với hai nhiệm vụ chính: một là tuyên truyền - phản tuyên truyền và hai là tác chiến (cung cấp tin giả để gây rối kẻ thù). 

Chuyên gia trên cho rằng tuyên truyền chính trị không phải là trách nhiệm của lực lượng này.

Chuyên gia Nga Igor Panarin ghi nhận khác với Cục Thông tin và truyền thông đại chúng thuộc Bộ Quốc phòng Nga (mới thành lập năm 2016) phụ trách các hoạt động phòng thủ, đội quân tác chiến thông tin của Nga chỉ chuyên làm nhiệm vụ tấn công mạng và có thể phối hợp với Tổng cục An ninh liên bang Nga (FSB) và Cục Tình báo đối ngoại liên bang Nga (SVR).

Trong khi đó, Công ty tư vấn an ninh mạng Nga Zecurion Analitics lại khẳng định đội quân tác chiến thông tin của Nga thực hiện ba nhiệm vụ chủ yếu gồm: tình báo, tấn công mạng nhằm gây thiệt hại kinh tế và vật chất cho cơ sở hạ tầng nước ngoài và tổ chức chiến tranh thông tin trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Theo nghiên cứu của Công ty Zecurion Analitics, căn cứ vào ngân sách quốc phòng và quân số, Nga xếp thứ năm trong danh sách các nước có lực lượng tác chiến mạng phát triển nhất thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Anh và CHDCND Triều Tiên. 

Zecurion Analitics cho rằng đội quân tác chiến thông tin Nga gồm khoảng 1.000 quân với ngân sách 300 triệu USD/năm.

Ngăn chặn quân sự và đối phó mạng xã hội

Ngày 6-12-2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn học thuyết mới về an ninh mạng quốc gia Nga. Quan điểm then chốt của học thuyết là "ngăn chặn và phòng chống chiến lược các cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra qua sử dụng công nghệ thông tin".

Học thuyết xác định các mối đe dọa an ninh mạng quốc gia Nga từ nước ngoài tác động đến cơ sở hạ tầng thông tin Nga vì mục đích quân sự; các cơ quan tình báo nước ngoài tác động về mặt thông tin - tâm lý để gây bất ổn chính trị và xã hội; các tổ chức nước ngoài sử dụng công nghệ thông tin tăng cường hoạt động tình báo công nghệ; các tổ chức tôn giáo, sắc tộc, bảo vệ quyền con người và các nhóm công dân tác động khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.

Chuyên gia Oleg Demidov ở Trung tâm Nghiên cứu chính trị về các vấn đề an ninh mạng (Nga) nhận xét học thuyết nêu trên đã ưu tiên phát triển các phương tiện ngăn chặn nguy cơ đe dọa quân sự và đối phó với các mạng xã hội như Facebook, Twitter.

******************

Kỳ tới: "Lực lượng hỗ trợ chiến lược" của Trung Quốc

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên