Phóng to |
Với những lớp học còn khó khăn liệu những gợi ý kiểu như trường học chúng ta rất khang trang...có gây bối rối cho HS? - Ảnh tư liệu (ảnh chỉ mang tính chất minh họa) |
Đó là ý kiến của bạn đọc Sỹ Lê gửi đến Tuổi Trẻ Online. Bạn Sỹ Lê cũng chia sẻ một câu chuyện của mình:
Tôi có đứa cháu gái học lớp 5. Biết tôi hay viết báo nên thỉnh thoảng cháu nhờ tôi chỉ cách làm bài tập làm văn về nhà. Tuy không cổ súy việc làm thay nhưng tôi vẫn hay lắng nghe cháu bộc bạch về đề bài và những vấn đề xung quanh việc làm bài văn của các bạn trong lớp.
Lần đó cháu nhờ tôi chỉ cách làm bài văn tả con đường từ nhà đến trường. Và cháu không quên cho tôi biết gợi ý về dàn bài của cô giáo. Tuy gọi là dàn bài, là gợi ý song khá đầy đủ chi tiết về con đường với các phần mở bài, thân bài và kết luận cụ thể.
Gợi ý của cô giáo về bài làm như sau:
- Ngôi trường em học tọa lạc trên đường X.;
- Khoảng cách từ nhà em đến trường khoảng … ki-lô-mét;
- Em đã đi lại trên con đường này suốt 5 năm và có rất nhiều kỷ niệm; con đường luôn rợp màu cây xanh và hai bên đường là những luống hoa với rất nhiều cánh bướm rập rờn;
- Thỉnh thoảng từ nhà tới trường em bắt gặp nhiều cao ốc là nơi làm việc của các công ty và các cửa hàng bán quần áo và giày dép với các kiểu dáng rất hợp thời trang;
- Đặc biệt hai bên đường có nhiều quán ăn tuy bình dân nhưng rất ngon vì vậy lúc nào cũng đông khách;
- Con đường trải nhựa, chiều rộng mặt đường khoảng 10 mét là quá hẹp với một thành phố có… triệu dân;
- Đường đã hẹp nhưng có rất nhiều ổ gà ổ voi, tuy vậy con đường bao giờ cũng đông đúc người qua lại với còi xe ầm ĩ…
Tôi cố tình trêu cháu nên hỏi cháu vài câu “cắc cớ”, đại loại như:
- Từ khi vào lớp 1 đến nay cháu đi học qua nhiều con đường khác nhau hay chỉ một con đường?
- Có bao giờ cháu đã cùng cha mẹ … ăn uống trong các quán ăn đó chưa sao cháu biết ngon?
- Sao cháu biết thành phố mình ở có … triệu dân?
- Thực ra từ nhà tới trường toàn là đường láng nhựa với vỉa hè xi măng, đâu có những luống hoa và cánh bướm rập rờn; những con đường cháu đi học hàng ngày toàn là nhà thấp lè tè, đâu có cao ốc nào đâu…
Và tôi thử miêu tả một con đường mà cháu thường đi học theo hướng sát với thực tế nhất mà cháu bắt gặp hàng ngày song cháu không chịu vì “tả vậy con đường không đẹp, cô không chịu đâu”.
Rồi cháu nhất quyết buộc tôi hướng dẫn làm bài sao cho có tất cả những chi tiết cô giáo gợi ý… Ngạc nhiên, tôi kiểm tra những bài làm văn trước đó của cháu. Hầu hết những bài làm với điểm 10 tròn trĩnh là bài “bám sát gợi ý” của cô, với trên 70% nội dung dàn bài (!).
Cháu cũng kể một chuyện khiến tôi không nhịn được cười. Đó là bài làm văn tả cảnh trời mưa của một bạn nam trong lớp. Bạn ấy tả cảnh trời mưa đại lọai như sau:
Chúng em vừa tan học thì trời bỗng dưng đổ mưa. Không biết nước từ đâu đổ xuống nhiều quá, nước nhiều như có ai lấy cái thau nước đổ xuống đầu chúng em làm chúng em tối mặt tối mũi. Chúng em tính tìm chỗ nào đó trốn mưa nhưng không có, thế là chúng em đành chịu ướt như con chuột lột. Rồi chúng em cởi áo ra tắm mưa luôn. Cha em lại rước thấy em ướt như chuột lột thì cha em rầy em…
Cháu tôi vừa kể vừa không nhịn được cười. Cháu bảo bạn đó tả đúng cảnh hôm trước bạn tắm mưa cùng các bạn khác do cha bạn không kịp đến rước.
Cháu cho biết bài của bạn đó không được cô giáo chấm điểm và bị bắt về nhà làm lại theo dàn bài cô gợi ý sẵn.
Tôi hỏi tại sao thì cháu nói “ai mà tả cảnh trời mưa kỳ vậy, phải tả như cô hướng dẫn mới được” (?!).
Thiết nghĩ, việc hướng dẫn trẻ làm bài văn với gợi ý về dàn bài là điều tất nhiên và nên làm. Tuy nhiên, dàn bài chỉ nên xem là định hướng, là gợi ý đúng nghĩa chứ không nên xem là “kim chỉ nam” buộc trẻ nhất nhất phải tuân theo. Bởi như đã kể trên, cùng là tả con đường đến trường đối với một học sinh đã có rất nhiều con đường khác nhau với rất nhiều sự quan sát và suy nghĩ khác nhau. Tương tự, sự quan sát và cảm nhận về một cơn mưa rõ ràng cũng rất khác nhau ở mỗi trẻ.
Hãy để trẻ quan sát và cảm nhận sự vật bằng óc quan sát và trí tưởng tượng của riêng mình. Buộc trẻ phải làm theo bài mẫu, theo dàn bài gợi ý, vô hình trung làm thui chột khả năng quan sát và tư duy của trẻ.
Hơn nữa việc làm đó còn là nguyên do dẫn đến thói quen không trung thực của trẻ vốn không phải là mục tiêu của giáo dục.
Theo bạn, làm thế nào để khắc phục tình trạng học sinh tả dối? Là giáo viên, bạn chia sẻ những kinh nghiệm gì của mình trong việc dạy trẻ học văn? Liệu việc dạy trẻ học văn như thế này có gây nguy hại gì cho tương lai của trẻ?... Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua địa chị email [email protected] hoặc qua phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận