TTCT - Buộc phải nhìn bản thân qua lăng kính kém tâng bốc của camera máy tính trong các cuộc họp trực tuyến đang khoét sâu mặc cảm ngoại hình của nhiều người trong bối cảnh làm việc từ xa trở nên phổ biến thời COVID-19. Ảnh: ShutterstockMùa hè năm ngoái, khi phòng khám của bác sĩ Shadi Kourosh hoạt động trở lại sau thời gian tạm nghỉ tránh dịch, cô nhận thấy một xu hướng đáng lo ngại: số lượng bệnh nhân đặt lịch hẹn khám các vấn đề liên quan đến ngoại hình bỗng tăng đột biến.“Vào thời điểm như vậy [giữa đợt dịch ở Mỹ], đáng lẽ những vấn đề sức khỏe khác phải được quan tâm hàng đầu, nhưng rất nhiều người tìm đến tôi thực sự lo lắng bởi cảm giác rằng họ trông xấu hơn bình thường rất nhiều” - vị phó giáo sư chuyên khoa da liễu tại Trường Y Harvard nói với trang WIRED. Sau khi hỏi dò nhiều đồng nghiệp, Kourosh nhận ra không chỉ mình cô thấy tình trạng tương tự. Khi được hỏi điều gì đã thúc đẩy họ tìm đến bác sĩ, rất nhiều người trong số các bệnh nhân thừa nhận họp trực tuyến nhiều trong mùa dịch - khi phải nhìn vào hình ảnh chính mình hiện diện thường trực trên một góc màn hình - bỗng khiến họ thấy nhan sắc ngày thường cũng đủ xài sao tự nhiên hôm nay... xấu lạ.“Mặc cảm ngoại hình Zoom”“Cứ như thể mỗi khi nhìn thấy mặt mình, tôi lại có chiếc kính lúp để phóng to vào những điểm không hoàn hảo” - Emma, 28 tuổi, đến từ New York (Mỹ), thổ lộ với trang Insider. Thay vì tập trung vào nội dung cuộc họp, Emma thường bị phân tâm bởi giọng nói “của một tên bắt nạt” trong đầu liên tục nhạo báng cô về quầng thâm dưới mắt, khuôn mặt, đầu tóc và nước da mình.Có người như Britt thì dùng hẳn miếng giấy ghi chú dán đè lên khung hình có mặt mình để khỏi phải nhìn nữa. “Tôi không chịu nổi việc nhìn chính mình. Mũi tôi quá to và nó khiến tôi phân tâm. Đôi lúc tôi chả nghĩ được gì khác ngoài chiếc mũi của mình trong những cuộc họp” - Ben nói với trang Psychology Today.Emma, Britt và Ben không phải là những trường hợp cá biệt. Kourosh gọi hiện tượng này là “mặc cảm ngoại hình Zoom” (Zoom dysmorphia), lấy theo tên một nền tảng họp trực tuyến phổ biến. Theo cô, trong thời điểm mà gọi video đã trở thành một phần công việc hằng ngày của nhiều người thì các khiếm khuyết như vùng da chảy xệ, những nếp nhăn, kích thước và hình dạng của chiếc mũi và cả nước da nhợt nhạt đều có thể trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Thay vì chỉ nhìn thấy những điểm này vài lần mỗi ngày trong gương rồi quên đi ngay sau đó, giờ đây chúng ta được nhắc về chúng một cách thường trực mỗi khi họp online với đồng nghiệp hay đối tác mà đôi khi kéo dài hàng giờ liên tục.Chẳng cần đến khi COVID-19 xuất hiện hay Zoom ra đời thì người ta mới tìm đến bác sĩ da liễu và phẫu thuật thẩm mỹ với những yêu cầu phi thực tế và phi tự nhiên. Thuật ngữ “Snapchat dysmorphia” từng được đặt ra từ năm 2015 để mô tả số lượng ngày càng đông những người muốn khuôn mặt đời thật của mình trông giống như đã được chỉnh sửa bằng các bộ lọc (filter) của mạng xã hội để có đôi mắt to, xương gò má cao và làn da trắng muốt. Trước kỷ nguyên Internet, có trường hợp tìm đến cơ sở thẩm mỹ và yêu cầu sửa sang sao cho giống một minh tinh màn bạc trong tấm chân dung được cắt ra từ cuốn tạp chí. Khi mạng xã hội chưa xâm chiếm thế giới, các nhà tâm lý học đã biết những người dành nhiều thời gian ngắm nghía bản thân trong gương thường có xu hướng nhận thức rõ hơn về các điểm chưa được đẹp trên cơ thể.Nhưng mặc cảm ngoại hình đến từ việc họp hành online thì khác. Không giống như Snapchat hay Instagram, nơi mọi người ý thức rõ thứ họ nhìn thấy trên màn hình điện thoại là hình ảnh đã được chỉnh sửa chứ không phải nhan sắc thật, các ứng dụng gọi video cho ta cảm giác thứ trước mắt là tấm gương phản chiếu hình ảnh chân thực của bản thân dù thực tế có thể không hẳn như vậy, nhóm nghiên cứu của Kourosh nhận xét.Kourosh so sánh hình ảnh được quay bởi camera máy tính giống như “tấm gương trong nhà cười” với khả năng làm mũi to hơn và mắt nhỏ hơn thực tế, và ngồi càng gần camera bao nhiêu thì độ biến dạng khuôn mặt càng nhiều. Góc quay ngang mặt hoặc từ dưới lên cũng là góc chết với hầu hết mọi người nên lại càng làm hiệu ứng này trầm trọng thêm. “Họ không nhận ra (camera trước) là một tấm gương không trung thực” - Kourosh nói với báo The Guardian.Cũng chỉ khi nhìn thấy chính mình trong lúc gọi video,ta mới để ý đến các biểu cảm “xấu xí” trên gương mặt - những cái chau mày khi tập trung suy nghĩ làm ta trông cáu bẳn, hay ánh mắt chán chường mệt mỏi với những cuộc họp vô nghĩa - mà nếu tự soi gương sẽ không bao giờ biết mặt mình cũng có những biểu cảm như thế.Psychology Today điểm tên một số dấu hiệu nhận biết chứng mặc cảm ngoại hình:- Cảm thấy lo lắng khi phải tham gia một cuộc họp trực tuyến có yêu cầu bật camera.- Luôn cố gắng trông thật hoàn hảo trước mỗi cuộc gọi.- Luôn chú ý vào hình ảnh của bản thân trên màn hình và tìm kiếm những khuyết điểm.- Cảm giác mọi người trong cuộc gọi đều đang để mắt đến các khuyết điểm của mình.Ngày trở lại ám ảnhÁm ảnh bởi mặc cảm ngoại hình khi hội họp trực tuyến đã đành, viễn cảnh phải quay trở lại công sở làm việc sau thời gian dài “núp” đằng sau màn hình máy tính cũng hồi hộp không kém, nhất là khi sự tự tin về hình ảnh bản thân đã giảm đi đáng kể.Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí International Journal of Women's Dermatology ngày 27-8, Kourosh và các cộng sự tại Harvard đã khảo sát hơn 7.000 người để đánh giá các yếu tố về đại dịch có thể ảnh hưởng đến nhận thức bản thân và sức khỏe tâm thần khi cuộc sống trở lại bình thường.Theo kết quả của nhóm nghiên cứu, 71% trong số người được hỏi có biểu hiện lo lắng hoặc căng thẳng về việc quay trở lại các hoạt động trực tiếp và gần 64% đã phải tìm đến chuyên gia để được hỗ trợ về mặt sức khỏe tâm thần. Cứ 10 người tham gia khảo sát thì có 3 người cho biết họ dự định đầu tư cho các can thiệp thẩm mỹ như một cách chuẩn bị cho việc trở về trạng thái bình thường mới - trong đó cân nặng, màu da, nếp nhăn và mụn trứng cá là những ưu tiên hàng đầu của nhóm được khảo sát.“Những thay đổi trong nhận thức bản thân và lo lắng do họp video liên tục có thể dẫn đến các thủ tục thẩm mỹ không cần thiết, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi tiếp xúc nhiều với các nền tảng trực tuyến trong suốt đại dịch” - nhóm nghiên cứu của Kourosh kết luận.Sierra Gordon, sinh viên năm nhất Đại học California Santa Barbara, là một trường hợp điển hình của lo lắng thái quá về tương lai quay lại học trực tiếp ở trường chính vì những lý do trên. “Quay lại trường là quay trở lại với việc mọi người nhìn thấy toàn bộ cơ thể của bạn... Ai cũng có thể nhìn thấy tôi từ mọi góc độ, ngay cả khi tôi không thích những góc ấy của bản thân” - Gordon chia sẻ trong chương trình Today của Đài NBC. Nhóm nghiên cứu của Harvard khuyến cáo các gia đình có con trong độ tuổi vị thành niên nên đặc biệt lưu ý các biến đổi tâm lý ở trẻ, đặc biệt là “mức độ lo lắng tăng cao” khi chuẩn bị tiếp xúc trở lại với cộng đồng sau thời gian dài ở trong nhà và chỉ nhìn thấy các hình ảnh không chân thực của bản thân và người khác trên mạng. Ảnh: medpagetoday.netChúng ta không đơn độcMột cách để giải tỏa cảm giác mặc cảm thái quá về ngoại hình khi làm việc từ xa là dành ra những khoảng thời gian trong ngày tránh xa các thiết bị điện tử và tuân thủ thời gian biểu đó một cách nghiêm túc, Insider dẫn lời khuyên của chuyên gia tâm lý Kristin Szostak, giám đốc Trung tâm Renfrew ở Philadelphia. Khoảng thời gian này bạn không nhất thiết phải làm việc gì khác mà có thể chỉ ngồi giết thời gian bằng những hoạt động vô bổ, quan trọng là cho trí não được nghỉ ngơi sau những giờ tự soi mói khuyết điểm của bản thân. Một số ứng dụng họp trực tuyến còn trang bị tính năng ẩn video của chính mình, hoặc nếu không bạn cũng có thể tự mình dùng một mẩu giấy ghi chú để dán lên màn hình nhằm tránh bị phân tâm.Nhưng đó chỉ là những cách làm chữa cháy cho một vấn đề tâm lý sâu xa và đòi hỏi biện pháp xử lý lâu dài hơn, theo nhà tâm lý trị liệu Haley Neidich. “Đây là dịp để chúng ta tự giúp mình và giải quyết các vấn đề về nhận thức hình ảnh cơ thể cũng như sự tự ti mà bản thân đã phải đối mặt nhiều năm, cho dù bạn có ý thức về chúng hay không” - Neidich nói với Insider.Nếu việc tắt camera mỗi khi dự họp khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn, hãy làm điều đó và bỏ ngoài tai những lời đánh giá từ đồng nghiệp, vì sức khỏe tâm thần là quan trọng nhất. “Một phần của quá trình học cách đặt ra các giới hạn của bản thân là lắng nghe sự khó chịu của cơ thể và thực hiện các điều chỉnh trong cuộc sống khi cần thiết” - Neidich giải thích.Còn theo Kourosh, cách tốt nhất để chống lại chứng mặc cảm ngoại hình Zoom là thông qua nhận thức rằng ta không phải người duy nhất cảm nhận được những cảm xúc tiêu cực ấy. Cô cho biết mình đã nhận được rất nhiều bình luận từ những người cho rằng chỉ mình họ thấy có điều gì đó không ổn về diện mạo bản thân trong đại dịch. “Rất nhiều người đang phải chịu đựng những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần một cách thầm lặng. Đôi khi việc chúng ta cần làm chỉ là “giúp mọi người biết rằng họ không hề đơn độc”, cô nói với WIRED. Tags: ZoomTự tiMặc cảm ngoại hìnhRối loạn
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Nhiều người ở TP.HCM bắt đầu đi làm, đi học bằng metro CHÂU TUẤN 23/12/2024 Từ sáng đến trưa 23-12, không ít người dân ở TP.HCM cho biết đây là lần đầu tiên dùng metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để đi làm, đi học.
Panama đáp trả ông Trump về đe dọa 'đòi lại' kênh đào THANH HIỀN 23/12/2024 "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
Hàng loạt đại học phát cảnh báo chiêu lừa đảo học bổng, giảm học phí cho sinh viên MINH GIẢNG 23/12/2024 Hàng loạt trường đại học phát cảnh báo chiêu trò lừa đảo sinh viên về học bổng, giảm học phí khi chuyển khoản cho cá nhân.
Nên 'bêu' tên người xả rác bừa bãi như cách làm của người Nhật? THANH NY 23/12/2024 Để trị 'bệnh' xả rác bừa bãi, hãy học người Nhật cách xử lý người thiếu ý thức nơi công cộng.