Ta ngại gì mà không đổi mới cách đánh giá học sinh?

TTCT - Qua gần 2 năm học trực tuyến, ngành giáo dục vẫn yêu cầu học sinh đến trường thi trực tiếp, thậm chí đặt camera giám sát chặt chẽ việc thi của học sinh tại nhà. Làm sao chúng ta có thể dạy con cái mình trung thực và trở thành những công dân tốt nếu ngay từ đầu chúng ta đã không có niềm tin với các bạn ấy? Giáo dục và những kỳ thi lại bắt đầu bằng việc nghi ngờ hay sao?

 
 "Làm gì thì làm, đừng bao giờ nói chuyện với thằng cha PI, hắn không bao giờ ngừng đâu"

 Nỗi sợ môn toán và chiếc cúp trong cuộc thi đọc số Pi

Cháu gái tôi từng rất sợ môn toán. Đó là một nỗi ám ảnh với bạn ấy. Bạn luôn cảm thấy căng thẳng, bồn chồn trước mỗi kỳ thi toán. Sống giữa những định kiến rằng con gái không thể giỏi những môn khoa học tự nhiên càng làm bạn ấy thiếu tự tin hơn. Bên cạnh đó, bạn ấy còn hay lơ đễnh và dường như không chú ý được vào bài học. Cháu tự kết luận: mình không thể trở thành học sinh giỏi toán vì mình không có năng khiếu và cũng chẳng tập trung nổi. 

Nỗi ám ảnh ấy theo cháu tôi mãi cho đến khi một sự kiện xảy ra làm thay đổi cuộc đời cháu.

Cháu vào học một trường quốc tế tại TP.HCM. Thầy dạy toán của cháu là một người Ấn Độ. Thấy cháu chật vật và có vẻ sợ môn toán, thầy hỏi chuyện. Cháu phàn nàn: Em học mãi toán mà chả hiểu gì cả, điểm em kém lắm nên em không muốn học môn này chút nào. Em cũng không có khả năng tập trung nên em nghĩ mình sẽ không thể học nổi.

Ông thầy suy nghĩ một vài hôm. Rồi trước cả lớp, ông thông báo sẽ tổ chức một cuộc thi rất lạ: Ai có thể nhớ dãy số Pi dài nhất sẽ là người chiến thắng. Có mấy vòng, vòng 1 tổ chức tại nhóm; vòng 2 tổ chức trong cả lớp; và vòng 3 là với cả khối. Ông động viên và khuyến khích cháu tôi tham gia. Người thầy nói với các học sinh: Kỳ thi này bạn không cần thông minh hay giỏi, để chiến thắng, bạn chỉ cần thuộc dãy số Pi càng dài càng tốt. Và ông dạy các bạn kỹ thuật nhớ.

Cháu gái tôi, người chưa chiến thắng bất cứ cuộc thi học thuật nào, thấy chả mất gì và cũng hay hay nên tham gia. Con bé lọ mọ tập nhớ các dãy số và dễ dàng chiến thắng vòng 1: Cuộc thi trong nhóm. Tiến tới vòng 2: thi đấu với cả lớp. Bố mẹ nó cũng buồn cười nhưng không nói gì vì đấy là lần đầu tiên, họ thấy con bé tập một cái gì say mê đến thế. Cháu suốt ngày lẩm bẩm, chia tách các khối số, bắt bố mẹ kiểm tra lại xem nó đọc có đúng không. Đến vòng hai, nó nhớ được gần 100 số đằng sau số Pi, và là người chiến thắng tại lớp.

Đến vòng ba, còn lại 3 đứa, con bé và hai bạn nước ngoài. Cuộc thi gay cấn hơn. Thầy tổ chức một buổi thi công khai, gửi thông báo cho các bố mẹ biết, và chuẩn bị phần thưởng - những chiếc cúp nhỏ bằng pha lê rất đẹp. Con bé thích chiếc cúp quá, về nhà bảo bố mẹ: con phải chiến thắng vụ này mới được. Bố nó khoái chí, dành các buổi tối trong tuần luyện cùng con bé. Và con bé mất thêm một tuần lẩm bẩm suốt ngày, viết lên bảng cùng bố. Ngày thi đấu, nó nhớ được dãy số Pi đến hàng trăm và trở thành người thắng cuộc. Con bé cầm cái cúp chiến thắng về nhà đầy tự hào: Thế đấy, con đã thắng rồi!

Sau cuộc thi đó, ông thầy gọi con bé ra và bảo: “Này Hà, chúc mừng em đã chiến thắng! Nhưng em có biết điều gì quan trọng hơn không? Nếu em đã nhớ được dãy số Pi với hàng trăm số thì chắc chắn em không phải là người không có khả năng tập trung. Chỉ có người tập trung giỏi thì mới nhớ được số Pi dài như thế”.

Cháu tôi tỉnh ngộ, nói: “Ừ nhỉ, con tập trung được mà! Thế mà từ trước đến giờ con không nghĩ đến điều này”.

Ông thầy người Ấn Độ nói tiếp: “Thầy biết em sợ môn toán và em nghĩ em không học nổi. Bây giờ thầy giao cho em một tờ đề thi về giải. Bài nào không hiểu thì hỏi thầy. Hiểu thì làm trọn vẹn đề thi ấy rồi nộp cho thầy”. Con bé về lại cắm đầu học và giải bài thi. Sau đó nộp cho thầy. Lần đầu nó được hơn 50%. Mặt nó buồn thiu và ủ rũ. Nó phàn nàn với thầy: Em nói với thầy rồi mà, em không giỏi môn toán”. Ông thầy cười, lại đưa tiếp một tờ đề thi nữa cho con bé và bảo: “Em về làm tiếp đề thi này”. Con bé hỏi: “Thế điểm trước thì thầy tính sao?” Thầy trả lời: “Thầy cho em làm đề thi cho đến khi nào em đạt trên 90% thì thầy mới bắt đầu tính điểm”.

Và cứ thế, con bé mang đề toán về nhà làm, tới mười mấy lần. Mỗi lần điểm tăng lên một chút, một chút. Cho đến ngày, con bé giải được tất cả các bài thi và được 97/100. Nó hớn hở bảo với thầy: “Giờ tính điểm chính thức được chưa thầy?”. Ông thầy đưa lại một đề thi chính thức và cho cháu làm. Nó đạt điểm gần như tuyệt đối, và lúc đó thầy mới ghi điểm chính thức.

Đến kỳ thi IGCSE Cambridge (kỳ thi phổ thông theo hệ giáo dục Anh) môn toán, cháu tôi là một trong những người đạt điểm cao nhất kỳ thi năm đó ở Việt Nam và được nhận thư khen từ ban tổ chức kỳ thi. Từ đó, con bé không còn sợ môn toán nữa và cũng không bao giờ phàn nàn là mình không tập trung nổi. Con bé luôn đạt điểm cao đối với các môn học. Nó biết rằng nếu làm lần đầu không được, sẽ có lần hai, lần ba, và sẽ làm bằng được, miễn là có cơ hội.

Kỳ thi xin đại học năm nay, con bé được nhiều trường đại học Mỹ đề xuất cho học bổng. Bạn ấy chọn học về khoa học Não (Neural Science) và toán học tại một trường đại học khai phóng hàng đầu tại Mỹ - những ngành học mà không ai trong gia đình nghĩ là sau này con bé sẽ dám học.

Việc gặp và học với ông thầy người Ấn đã góp phần thay đổi đáng kể cuộc đời của cháu tôi.

 
 Minh họa của James Steinberg

 Hãy có niềm tin vào học sinh

Có bao điều về giáo dục tôi học được qua chuyện này và liên tưởng đến việc dạy học và tổ chức thi đánh giá học sinh qua hình thức trực tuyến/trực tiếp hiện giờ.

Có rất nhiều cách để động viên và khích lệ học sinh, và những cách ấy cũng không cần quá phức tạp và tốn nguồn lực gì nhiều. Ông thầy của cháu tôi đã tìm một giải pháp không hề tốn kém để khích lệ và chứng tỏ cho bạn ấy thấy rằng cháu không hề mất tập trung, chẳng qua cháu chưa tự tin thôi.

Khi nhìn vào chuyện học và thi trực tuyến/trực tiếp hiện giờ, tôi băn khoăn về logic nào khiến qua gần 2 năm học trực tuyến, ngành giáo dục vẫn phải bắt học sinh cấp I và II phải thi, yêu cầu học sinh đến trường thi trực tiếp, thậm chí phải đặt camera giám sát chặt chẽ việc thi của học sinh tại nhà mà vẫn luôn lo sợ các em gian dối.

Chẳng lẽ chúng ta không đủ sáng tạo để nghĩ cách cho học sinh thi trực tuyến mà vẫn đánh giá tốt được? Có rất nhiều cách để kiểm tra năng lực học của học sinh. Ví dụ, với các bạn lớp 1-2, chỉ cần một buổi phỏng vấn trực tuyến khoảng 15 phút với một số câu hỏi đơn giản, như: “Em kể cho cô nghe em học được gì nào! Em viết cho cô xem với! Em thích nhất điều gì?”… Những câu hỏi và kiểm tra mở như vậy hoàn toàn đủ để đánh giá học sinh cấp I. Đâu cứ phải thi rất cầu kỳ phức tạp mới đánh giá nổi năng lực một học sinh.

Với học sinh cấp II trở lên cũng không có gì phức tạp thêm. Không có lý do gì mà không cho học sinh ở cấp này làm nhiều bài thi được chia nhỏ, đánh giá qua dự án, học nhóm, phỏng vấn trực tiếp.

Một trong những phẩm chất đầu tiên cần dạy học sinh (và dạy làm người) là dạy sự trung thực và niềm tin. Làm sao chúng ta có thể dạy con cái mình trung thực và trở thành những công dân tốt nếu ngay từ đầu chúng ta đã không có niềm tin với các bạn ấy? Giáo dục và những kỳ thi lại bắt đầu bằng việc nghi ngờ hay sao?

Và nếu trong cuộc đời chúng ta luôn mong có được một “cơ hội thứ hai” (“a second chance”) thì tại sao chúng ta lại đánh giá năng lực của học sinh chỉ qua một vài lần thi? Mục đích của giáo dục là cho con người ta có kiến thức thật, cho dù kiến thức ấy phải tập luyện nhiều lần mới đạt được. Vậy sao chúng ta lại quyết định cuộc đời học vấn và năng lực học tập của một học sinh chỉ qua một vài lần đánh giá. Có vấn đề gì đâu nếu đánh giá nhiều lần, nếu chia nhỏ ra nhiều công đoạn? Tại sao lại tiếc học sinh một vài lần trải nghiệm và một vài cơ hội nhỉ? Nếu tôi là người ra quyết định, tôi sẽ sẵn sàng cho học sinh thi nhiều lần và sẽ thiết kế các bài kiểm tra để các bạn có thể vượt qua được, thông qua rèn luyện.

Sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19, tôi nghĩ rằng chỉ riêng việc các học sinh tiểu học và khối đầu cấp hai học qua nổi 2 năm đằng đẵng học trực tuyến vừa qua cũng đáng cho tất cả các bạn được lên lớp và được điểm trên trung bình. Nghị lực và lòng quyết tâm của các bạn trong 2 năm qua thực sự còn hơn rất nhiều người lớn chúng ta. Bao nhiêu người chúng ta vượt qua được 2 năm vừa rồi mà vẫn còn minh mẫn?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận