Ta được gì khi "chịu đựng" điện ảnh chậm?

LÂM LÊ 01/12/2024 04:42 GMT+7

TTCT - "Điện ảnh chậm" là gì và ta "được" gì khi "chịu đựng" chúng?

Ta được gì khi "chịu đựng"  điện ảnh chậm? - Ảnh 1.

Cảnh trong phim Eternity and a Day

Bên trong vỏ kén vàng của đạo diễn Phạm Thiên Ân và Cu li không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân - hai tác phẩm điện ảnh đầu tay được ghi nhận ở tầm quốc tế mang đến cho khán giả Việt trải nghiệm "slow cinema" - điện ảnh chậm. Vậy "điện ảnh chậm" là gì và ta "được" gì khi "chịu đựng" chúng?

Năm 2004, nhà phê bình Jonathan Romney đã sử dụng thuật ngữ "điện ảnh chậm" có lẽ là lần đầu tiên trong bài đánh giá về bộ phim Goodbye Dragon Inn (2003) của Thái Minh Lượng (Đài Loan) cho tờ Independent của Anh. Nhưng phải đến những năm 2010, cụm từ này mới bắt đầu được sử dụng rộng rãi. 

Thường được coi là phản ứng với cuộc sống hiện đại nhanh chóng ở xã hội phương Tây, điện ảnh chậm thực chất không phải là phản ứng với tốc độ và kết nối siêu tốc, mà là phản ứng với cảm giác xa lạ ngày càng tăng giữa con người trên toàn cầu.

Chậm hay thiền định?

Với những cảnh quay dài, thường là do các diễn viên không chuyên đóng và sử dụng sự im lặng thay vì các đoạn hội thoại kéo dài, điện ảnh chậm không phải là một hình thức hoàn toàn mới. Nguồn gốc của nó có thể bắt nguồn từ cuối Thế chiến hai với sự xuất hiện của chủ nghĩa tân hiện thực của Ý và sự nhấn mạnh của phong trào này vào việc quan sát các trải nghiệm hiện thực. 

Michelangelo Antonioni, Roberto Rossellini, Vittorio De Sica…, những bậc thầy của điện ảnh Ý và sau đó là Andrei Tarkovsky của Nga, đã mở đường với những tác phẩm lừng danh của họ định hình nên cái gọi là dòng phim nghệ thuật tinh túy.

Vào thập niên 1980, 1990 kéo dài sang những năm đầu 2000, điện ảnh chậm đã trở thành dấu ấn của một thế giới hậu chiến tranh lạnh mới, nơi mà người ta hứa hẹn rằng mọi người có thể được tự do và đạt được bất cứ điều gì họ muốn, dù thực tế hoàn toàn khác với giấc mơ của nhiều người. 

Ta được gì khi "chịu đựng"  điện ảnh chậm? - Ảnh 2.

Cảnh trong The Adventure (1960), dài 2 giờ 24 phút của Michelangelo Antonioni

Sau năm 1990, điện ảnh chậm trở nên nổi bật hơn và cũng tập trung vào thời lượng kéo dài hơn. Các bộ phim ngày càng dài hơn và chậm hơn. Nhiều đạo diễn từ khắp nơi trên thế giới từ Lav Diaz (Philippines), Thái Minh Lượng (Đài Loan), Pedro Costa (Bồ Đào Nha), Chantal Akerman (Bỉ), Béla Tarr (Hungary)… là những tác giả tiêu biểu. Các phim của họ thường kéo dài hơn 3 tiếng, thậm chí hơn 7 tiếng như Sátántangó (1994) của Béla Tarr và hơn 10 giờ như Evolution of a Filipino Family (2004) của Lav Diaz…

Trong nhiều năm qua, điện ảnh chậm đã trở thành nhân chứng mà qua đó chúng ta nhìn thấy những điều hiếm thấy trong các bộ phim thương mại: những người bị xa lánh, những người bị áp bức, những người bị ngược đãi, những người thất nghiệp, những người đau khổ, những người cô đơn hay lạc lõng trong xã hội hiện đại...

Phim thuộc thể loại điện ảnh chậm thường có đặc điểm là cách tiếp cận nghệ thuật mang tính thiền định, lựa chọn đắm mình vào những cảnh quay dài và suy ngẫm về những gì bên trong cũng như bên ngoài khung hình. Thay vì tập trung vào cốt truyện, những tác phẩm này khám phá thế giới thông qua các triết lý tối giản và sự kiên nhẫn phù hợp với cách xử lý thời gian và không gian bắt nguồn từ chủ nghĩa hiện thực.

Những điển hình

Đạo diễn lớn người Hy Lạp Theo Angelopoulos, một trong những biểu tượng của thể loại điện ảnh chậm, giải thích: "Về lựa chọn làm việc với những cảnh quay dài, tôi phải nói rằng đó không phải là một quyết định hợp lý mà là một lựa chọn tự nhiên. Nhu cầu kết hợp thời gian tự nhiên vào không gian như một thể thống nhất của không gian và thời gian. Không gian trở thành thời gian".

Một trong những bộ phim thuộc trào lưu điện ảnh chậm thành công nhất của Theo Angelopoulos là Eternity and a Day (Thiên thu và một ngày). Bộ phim chính kịch giành giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm 1998 này kể về một nhà văn mắc bệnh nặng bắt đầu hành trình hướng nội, đối mặt với cái chết của chính mình. Như hầu hết các tác phẩm khác của ông, Eternity and a Day sử dụng một thứ ngôn ngữ điện ảnh đậm chất thơ để đặt ra những câu hỏi về bản chất sự tồn tại của con người.

Một bộ phim tiêu biểu khác của điện ảnh chậm và được tôn vinh là bộ phim xuất sắc nhất mọi thời đại trong cuộc bầu chọn của các nhà phê bình trên thế giới từ tạp chí Sight and Sound (Viện phim Anh) năm 2022 là Jeanne Dielman, 23 Quai du Commerce, 1080 Bruxelles (1975) của nữ đạo diễn Chantal Akerman, trong đó có cảnh nhân vật chính ngồi gọt khoai tây kéo dài khoảng 3 phút và ngồi lặng lẽ ở chiếc bàn sau khi dùng kéo đâm chết một vị khách của mình - kéo dài khoảng 7 phút.

Ta được gì khi "chịu đựng"  điện ảnh chậm? - Ảnh 3.

Diễn viên Delphine Seyrig, vai chính trong Jeanne Dielman, 23 Quai du Commerce, 1080 Bruxelles.

Bộ phim khám phá lịch trình nấu ăn, dọn dẹp, làm mẹ và làm những việc vặt của một bà mẹ góa trong ba ngày. Người phụ nữ (tên là Jeanne Dielman, chỉ có thể nhận ra qua nhan đề và một lá thư bà đọc cho con trai mình) kiếm tiền bằng cách quan hệ tình dục với một khách hàng khác nhau vào mỗi buổi chiều trước khi con trai bà đi học về. Giống như các hoạt động khác của bà, việc bán dâm của Jeanne là một phần trong thói quen thường ngày mà bà thực hiện hằng ngày một cách máy móc.

Sau khi một khách hàng đến vào ngày thứ hai, thói quen ngăn nắp của Jeanne bắt đầu bị đảo lộn. Bà nấu khoai tây quá chín trong khi chuẩn bị bữa tối, sau đó đi quẩn quanh khắp căn hộ, mang theo nồi đựng khoai tây. Bà quên đậy nắp bình sứ đựng tiền bán dâm, quên tắt đèn trong các phòng khi rời đi, quên cài một chiếc nút trên áo khoác và làm rơi một chiếc thìa mới rửa. 

Những thay đổi trong thói quen của Jeanne tiếp tục cho đến khi khách hàng của bà đến vào ngày thứ ba. Sau khi quan hệ, bà - hoặc đạt cực khoái hoặc cảm thấy ghê tởm với những gì mình đang làm - quay lại giường nơi khách hàng đang thư giãn và đâm chết anh ta bằng một chiếc kéo. Sau đó, bà ngồi lặng lẽ ở bàn ăn. Riêng cảnh quay bà ngồi lặng lẽ ở bàn ăn với chiếc áo và bàn tay dính máu này kéo dài hơn 7 phút cho đến khi kết thúc phim.

Tác phẩm lớn năm 1975 của Chantal Akerman ngày càng được đánh giá cao miêu tả cuộc sống của một bà nội trợ vì nó trung thành với cảm giác đơn điệu và ngột ngạt của một người phụ nữ, một cảm giác quá thực tế. 

Được mệnh danh là kiệt tác đầu tiên của chủ nghĩa nữ quyền trong lịch sử điện ảnh, bộ phim mở đầu cho một cuộc khám phá hiện sinh về ý nghĩa của việc trở thành một người phụ nữ bị mắc kẹt trong ranh giới của truyền thống cũng như hiện đại. 

Bộ phim nổi tiếng với cách thể hiện của nó, đặc biệt là việc sử dụng các cảnh quay cố định với nhiều cú máy dài và không có bất cứ một cận cảnh hoặc thể hiện cảm xúc nào trong suốt bộ phim dài 3 giờ 21 phút.

Khi điện ảnh chậm đến Việt Nam

Có lẽ phải tới năm 2023, khi Bên trong vỏ kén vàng, bộ phim dài 181 phút của đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân được chiếu tại Việt Nam, khái niệm điện ảnh chậm mới được phổ biến trong cộng đồng cinephile (những khán giả yêu phim) trong nước. 

Bộ phim giành giải Camera d'Or tại LHP Cannes 2023 và được giới phê bình quốc tế đánh giá cao khi mô tả một hành trình mang tính thiền định và đậm chất thơ của một chàng trai trẻ rời bỏ thành phố về quê hương để tìm lại đức tin đã lạc mất.

Cho dù chịu ảnh hưởng một số đạo diễn lớn của dòng phim điện ảnh chậm, bộ phim của Phạm Thiên Ân vẫn mang tính địa phương và tính cá nhân rõ nét. Bộ phim gây ấn tượng bởi những cú máy dài miên man, với nhiều ẩn dụ sau mỗi khung hình. 

Cách tốt nhất để thưởng thức bộ phim dài 3 tiếng đồng hồ này là chìm đắm vào không gian mơ hồ nửa hư nửa thực của nó.

Ta được gì khi "chịu đựng"  điện ảnh chậm? - Ảnh 4.

Cảnh trong phim Bên trong vỏ kén vàng.

Năm 2024, một lần nữa khái niệm điện ảnh chậm đến gần hơn với khán giả qua bộ phim Cu li không bao giờ khóc của đạo diễn Phạm Ngọc Lân. Cho dù thời lượng chỉ bằng một nửa so với đạo diễn đồng nghiệp họ Phạm, tác phẩm giành giải Phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Berlin năm 2024 kể câu chuyện về sự tìm kiếm danh tính và những tiếc nuối về một thời đại tươi đẹp đã trôi qua khiến người xem đắm chìm vào sự trầm lặng mê hoặc của những khung hình đen trắng. Ở bộ phim này, thời gian để lại vết tích trên không gian và thậm chí lên chính nó.

Những liên tưởng chồng chéo về quá khứ, về hiện tại, về tương lai trong bộ phim khơi gợi một cảm thức mơ hồ, đôi khi khó cắt nghĩa hoặc phải soi chiếu dưới sự chiêm nghiệm của nội tâm. 

Nhưng như chính Phạm Ngọc Lân từng chia sẻ, "tôi thấy một tác phẩm nghệ thuật tốt nhất vẫn cần một khoảng mờ nhất định - điều rung động bí ẩn đến từ đâu đó không thể giải thích, không thể cắt nghĩa. Bí ẩn ấy khiến một bộ phim vượt lên chính nó, hoặc thoát khỏi sự kiểm soát của người sáng tác".

Nếu coi việc xem một bộ phim điện ảnh chậm là thiền định, sẽ tự trả lời được câu hỏi được gì sau tất cả những "chịu đựng" ấy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận