TTCT - Cái thuở ông bà ta cần cù chăm chỉ, quanh năm ngày tháng cặm cụi với nếp nhà, góc ruộng, bờ ao... “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm” chính là một thuở tất cả nương vào thiên nhiên, quan sát vũ trụ quanh mình, tự thiết lập cho mình một thái độ, một cơ chế hòa nhập, nương tựa vào thiên nhiên để sống. Nhiều nông dân Việt Nam vẫn nương tựa thật thà vào đất đai và điều kiện tự nhiên để trồng trọt. (Ảnh: CP)Đấy cũng là cái thuở mà người nông dân tự đúc kết cho mình một cơ chế của các yếu tố sống còn “nước, phân, cần, giống”, xoay vần quanh không gian sống của mình, thiết lập một mô hình mà sau này được đúc kết lần nữa thành công thức “VACR” (vườn, ao, chuồng, ruộng/nương/rừng).Đây chính là một chu trình sáng tạo, tự vận hành của một hệ thống mà không hoặc ít phụ thuộc vào dòng vật chất bên ngoài: vườn cung cấp rau củ quả cho sinh hoạt hằng ngày; ao nuôi cá, thức ăn lấy từ hệ thủy sinh bờ nước, rau cỏ thừa, cám ngô - gạo; chuồng gia súc gia cầm đều có nguồn thức ăn từ vườn, ruộng và thức ăn thừa từ sinh hoạt hằng ngày của gia đình; ruộng bón bằng nguồn thải hữu cơ từ chuồng trại; rừng và vườn rừng (vùng cao) là nguồn nuôi dưỡng chính, “săn bắn, hái lượm” nguồn nhiên liệu (củi nấu bếp, gỗ làm nhà, lá làm mái, tre nứa làm các vật dụng, thảo dược làm thuốc...) và nguồn thức ăn hằng ngày.Hương vị nông sản thuở ấy ắt hẳn không phải bàn cãi về sự khác biệt so với “hạt gạo, quả trứng, con cá, mớ rau” ngày nay, càng không thể so sánh về độ an toàn cho sức khỏe giữa chất lượng nông thủy sản xưa và nay.Tới mốt tiêu thụ thực phẩm “hữu cơ”Công chúng ngày nay vẫn bối rối trước các cụm từ “thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ, thực phẩm Bio”, dường như chỉ “nhà giàu” mới được thưởng thức sản vật “hữu cơ” với giá ngất ngưởng, còn lại số đông dân chúng vẫn chỉ biết trông đợi vào các nhãn mác “an toàn” của thực phẩm. Nhưng nội hàm của các sản phẩm này cần được hiểu từ quy trình tạo ra chúng, nghĩa là nông nghiệp/canh tác thế nào thì cho ra sản phẩm thế ấy.Nói một cách ngắn gọn, nông nghiệp thuận tự nhiên với công thức “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” đã biến đổi. Thứ tự ưu tiên của nông nghiệp nhân tạo/công nghệ cao sẽ là “nhất giống, nhì phân, tam nhàn, tứ nước”.Với nông nghiệp thuận tự nhiên, nguồn dinh dưỡng nội tại luân chuyển trong vòng quay năng lượng của đất, ánh sáng, gió, nước, năng lượng mặt trời, sinh vật và vi sinh vật cộng sinh, tự dưỡng... Người nông dân tự chủ được nguồn giống bản địa hoặc thuần chủng bằng cách lựa chọn theo truyền thống, canh tác nương theo dòng năng lượng vật chất tự nhiên của hệ sinh thái tự nhiên.Nông nghiệp hiện đại phụ thuộc vào nguồn vật chất đưa vào chu trình sống của thực vật, từ giống, dinh dưỡng, hình thái/chất lượng/số lượng sản phẩm, đến các biện pháp “bảo vệ thực vật” bằng lượng hóa chất khổng lồ, thay vì hệ thống thiên địch ức chế lẫn nhau của tự nhiên.Nông dân giờ đây có vẻ tự chủ, nhưng thực ra lại quá phụ thuộc: về nguồn giống (trên thương trường, từ các phòng thí nghiệm tới các công ty sản xuất giống độc quyền), về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cách thức thu hoạch nông sản, đóng gói, phân phối và giá thành...Chưa kể từ người nông dân tới người tiêu dùng là một kênh “trung gian” dài dằng dặc, phức tạp từ con người đến giá trị thật của sản phẩm, gần như hoàn toàn là một “hệ sinh thái nhân tạo”.Nhà kính trong canh tác nông nghiệpChẳng khó khăn gì nếu muốn lần tìm lại cội nguồn nhà kính. Thời La Mã, vì hoàng đế chỉ thích ăn một loại dưa chuột, để có món này trong bữa ăn hằng ngày cho ngài, những người làm vườn trong cung điện chế ra một cách đặc biệt để trồng dưa: dưa được trồng trên những cấu trúc có bánh xe, ban ngày để ngoài vườn tự nhiên có ánh sáng mặt trời, ban đêm đẩy vào trong nhà có cấu trúc giữ ấm cho dưa, đảm bảo mọi điều kiện thông thoáng khí và độ ẩm.Dưa chuột được trồng trên dàn treo trong nhà kính ở Richfield, Minnesota năm 1910. (Ảnh: Wiki)Sau này, cấu trúc “nhà kính ấm” được phát triển ở Hàn Quốc để nông dân chuyên trồng các loại rau đặc biệt trong mùa đông, để ép hoa và có được trái từ các cây ăn quả như cam, quít (thế kỷ 15) trong triều đại Joseon.Thế kỷ 17 là thời điểm nhà kính phát triển rầm rộ, bắt đầu từ Hà Lan, sau đó ở Anh. Mọi cố gắng đều nhằm vào việc điều khiển được môi trường trồng trọt (chủ yếu là nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm) để rau quả có thể phát triển trong điều kiện thời tiết lạnh giá và đêm tối; đi kèm là các yếu tố kỹ thuật ngặt nghèo và đắt đỏ để duy trì cấu trúc này.Nhà kính “bếp” (được làm nóng) đầu tiên ra đời ở Chelsea Physic Garden, Anh, năm 1681. Ngày nay, Hà Lan có nhiều nhà kính lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 0,25% tổng diện tích đất của quốc gia này.Hệ thống nhà kính trong dự án The Edent, ở Cornwall (Anh)Nhà thực vật học người Pháp Charles Lucien Bonaparte đã xây dựng nhà kính hiện đại đầu tiên ở Leiden (Hà Lan) trong những năm 1800 để trồng cây thuốc nhiệt đới. Ban đầu chỉ dựa trên tài sản của người giàu, cùng với sự phát triển của khoa thực vật học, nhà kính đã lan rộng nhanh chóng.Người Pháp gọi các nhà kính đầu tiên là “nhà cam”, vì chúng được sử dụng để bảo vệ cây cam khỏi bị đóng băng. Sau đó là đến cây dứa (thơm), khi hàng loạt nhà máy sản xuất dứa được xây dựng.Kỷ nguyên vàng của nhà kính là ở Anh thời Victoria, nơi xây dựng những nhà kính lớn nhất, khi tầng lớp thượng lưu giàu có và những nhà thực vật học khao khát cạnh tranh để xây dựng những tòa nhà phức tạp nhất (VD Kew Garden, Joseph Paxton, Chrystal Palace...) cho các cung điện vào thế kỷ 19.Tại Nhật Bản, nhà kính đầu tiên được xây dựng vào năm 1880 bởi Samuel Cocking, một thương gia người Anh chuyên xuất khẩu thảo mộc. Vào thế kỷ 20, mái vòm trắc địa đã được thêm vào nhiều loại nhà kính.Vì có thể trồng một số cây trong suốt năm, nhà kính ngày càng quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm của các nước có vĩ độ cao. Một trong những khu phức hợp lớn nhất thế giới là ở Almería, Tây Ban Nha, nơi nhà kính có diện tích gần 200km2.Các cấu trúc nhà kính được điều chỉnh vào những năm 1960 khi các tấm màng polyetylen bản rộng trở nên phổ biến. Được xây dựng bằng nhôm ép đùn, ống thép mạ kẽm đặc biệt, ống nước bằng thép hoặc PVC, chi phí xây dựng đã giảm đáng kể.Điều này dẫn đến việc nhiều nhà kính được xây dựng trong các trang trại và trung tâm vườn nhỏ hơn. Độ bền của màng polyetylen tăng lên rất nhiều khi các chất ức chế tia cực tím hiệu quả hơn được phát triển và bổ sung vào những năm 1970. Nhà kính kết nối máng xối trở nên phổ biến hơn trong những năm 1980-1990, thường được phủ bằng vật liệu polycarbonate hoặc một lớp màng polyetylen hai lớp với không khí thổi vào giữa để tăng hiệu quả sưởi ấm.Hai mặtDưới cái nhìn tích cực, nhà kính cho phép kiểm soát tốt hơn môi trường phát triển của thực vật qua các yếu tố chính: nhiệt độ, ánh sáng, lượng nước tưới, lượng phân bón và độ ẩm không khí. Nhà kính có thể được sử dụng để khắc phục những thiếu sót trong chất lượng đất hoặc các bất thường khí hậu.Môi trường tương đối khép kín của nhà kính có các yêu cầu quản lý riêng, khác sản xuất ngoài trời. Sâu bệnh hại và tính cực đoan của nhiệt độ, độ ẩm phải được kiểm soát. Tưới tiêu là cần thiết, hầu hết các nhà kính sử dụng vòi phun nước hoặc ống tưới nhỏ giọt (công nghệ Israel). Ngoài ra yếu tố nhiệt và ánh sáng cũng được yêu cầu chặt chẽ, đặc biệt khi sản xuất rau mùa đông.Hà Lan là một trong những nước có quy mô sản xuất nông nghiệp nhà kính lớn nhất thế giới. Ảnh: kerklaangreenhouses.nlNhưng nhà kính thực chất là phương thức canh tác cuối cùng được áp dụng để chống chọi với môi trường quá khắc nghiệt. Chúng được sinh ra để giúp hạn chế những sự thay đổi bất thường về khí hậu, giảm tác động của biến đổi khí hậu tới cây trồng. Trong chính lịch sử của nhà kính, các nước phát triển chỉ áp dụng nhà kính ở những nơi việc bảo tồn cảnh quan không phải là vấn đề quan trọng hoặc trong những trường hợp khắc nghiệt của thời tiết (sa mạc, quá nóng hoặc quá lạnh, sương muối, mưa đá, thiếu nước tưới...).Cùng tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh trên toàn cầu, các tập đoàn sản xuất nông nghiệp lớn lạm dụng công nghệ nhà kính với mục đích tăng năng suất và làm biến đổi chất lượng nông sản. Người làm nông nghiệp ở Việt Nam không phải ngoại lệ.Cuộc đua vào thế giới nông nghiệp nhà kính bắt đầu và lan tỏa không kiểm soát nổi, trong khi người ta chưa kịp hiểu hoặc bỏ qua tất cả các yếu tố khí hậu tốt lành và điều kiện tự nhiên trù phú của một nước nhiệt đới canh tác nông nghiệp đã nghìn đời.Giữa cuộc đua ấy, những người quản lý còn chưa thể đưa ra định nghĩa đầy đủ và chính xác về nông nghiệp thuận tự nhiên, nông nghiệp công nghệ cao, người dân hiểu sai cũng là chuyện đương nhiên. Khái niệm công nghệ cao đã bị đánh đồng với nhà kính và những công nghệ đi kèm nhà kính (vật liệu mới), trong khi công nghệ cao “thứ thiệt” phải là những yếu tố như giống, công nghệ sinh học, công nghệ tự động, chăn nuôi và đồng cỏ, phát triển bền vững dựa trên canh tác hữu cơ...Vì bị hiểu sai, nên nhà nhà làm nhà kính cho tất cả các loại nông sản mang lại lợi nhuận cao để tăng sinh khối và năng suất. Sử dụng nhà kính tràn lan dẫn đến bốn tác động gây hại chính cho môi trường và cho chính sức khỏe con người: làm tăng nhiệt độ môi trường xung quanh; tác động không tốt lên chất lượng đất và gây ô nhiễm nguồn nước; phá hủy cảnh quan và sức khỏe của hệ sinh thái/tính đa dạng sinh học; và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người (nông dân tham gia trực tiếp quá trình canh tác). Ta đâu cần lao mình vào cuộc đua nhà kính này?■ Tags: Nông nghiệpBiến đổi khí hậuPhương thức canh tácThuận tự nhiênNhà kínhNhiệt đớiPhá hủy môi trườngTác hại nhà kính
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Doanh thu cơ quan báo chí giảm mạnh, cần ưu đãi sâu về thuế thu nhập TIẾN LONG 22/11/2024 Cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang khó khăn cần chính sách ưu đãi ở mức không chịu hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.