Niềm vui của cha mẹ là được kề cạnh cùng con cháu - Ảnh: P.ANH
Những đứa con dẫu ở tuổi nào, đến một ngày phải tiễn đưa cha mẹ đi xa mãi mãi sẽ khó tránh khỏi cảm giác côi cút trong đời. Và nhất là xen lẫn trong đó cảm giác ray rứt vì không ở bên cha mẹ khi còn có thể...
Những cái hẹn, những xa cách
Du học và có cơ hội ở lại Mỹ làm việc, chị K.T. từng tự nhủ mỗi năm sẽ về thăm nhà một lần. Nhưng việc lập gia đình, mưu sinh và nuôi con nhỏ khiến kế hoạch năm nào xa tầm với.
"Lần gần đây nhất tôi về thăm nhà cũng đã 3 năm trước. Biết mẹ bị ung thư nhưng đâu ngờ lại ra đi nhanh như vậy", chị K.T. vuốt nước mắt trước bàn thờ.
Ngược lại, phải đến lúc bản thân nhập viện do bạo bệnh, Q.P. (30 tuổi) mới nhận ra cha mẹ của mình đã già và ốm yếu như thế nào.
"Thấy ông bà lụi cụi tay xách nách mang nhiều thứ từ quê lên, ngủ dưới sàn để canh chừng và đút từng muỗng cho mình... thì mới thấy những tài sản, địa vị mình "quay cuồng" tích lũy bao năm mới vô nghĩa ra sao. Trước đây với tôi công việc là tất cả", Q.P. chia sẻ.
Từng có những giai đoạn hiểu lầm, thậm chí rất căng thẳng khi cho rằng không nhận được sự cảm thông từ cha mẹ, MC Quang Bảo chia sẻ sau này nghĩ lại cảm thấy vô cùng hối hận.
"Thời điểm tôi học trung học, đi tập huấn nước ngoài không suôn sẻ mà lại có trục trặc chuyện tình cảm nhưng về nhà mẹ lại cứ so sánh tôi với một đứa bạn gương mẫu. Tôi chán và phát sinh mâu thuẫn với mẹ, lòng chẳng muốn về nhà", Quang Bảo nhớ lại.
Sau này khi mọi mâu thuẫn được tháo gỡ, Quang Bảo mới nhận ra những suy nghĩ ngày xưa là non nớt. Đi nhiều, gặp nhiều, Quang Bảo hiểu sẽ chẳng có ai yêu thương mình vô điều kiện như cha mẹ.
Nhà là nơi để về
"Chúng ta thường lấy thước đo đại loại như cha mẹ mới chớm 40, nghĩa là còn khoảng 30 năm bên cạnh nữa mà. Tôi lại nghĩ sẽ chính xác hơn nếu chúng ta tính số thời gian còn lại bằng tổng thời gian mà bạn thật sự ở bên gia đình trong nghĩa đen. Chưa kể cuộc sống vốn vô chừng...", Quang Bảo bày tỏ.
Nói về câu chuyện cha mẹ và con cái chưa đủ hiểu nhau, ThS tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung (giảng viên ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho rằng căn nguyên của việc giới trẻ ngày nay mỗi lúc một "xa cách" với gia đình là vì một số yếu tố chính: "Có thể do tính chất và nhu cầu công việc. Kế đến do giới trẻ tập trung vào công nghệ, mạng xã hội... nơi họ dễ bày tỏ tâm tư nguyện vọng, dễ nhận được sự khích lệ hơn.
Do một bộ phận giới trẻ bị ảnh hưởng lối sống phương Tây, dịch chuyển xu hướng sống vì bản thân, hưởng thụ tuổi trẻ.
Ngoài ra, không thể phủ nhận khoảng cách thế hệ khiến họ không tìm được sự đồng điệu trong nhiều vấn đề, dẫn đến ít trò chuyện với gia đình hơn".
Theo chị, một số bạn trẻ thậm chí còn cho là "nhà không phải là nơi để về" vì gia đình thường coi nhẹ góc nhìn đã trưởng thành của họ.
"Phần lớn mong muốn của các bậc phụ huynh đều là những điều tốt đẹp nhất cho con và từ con. Nhưng có những mong muốn bị hiểu hoặc diễn đạt sai, khiến cho đôi bên mỗi lúc một xa cách" - ThS Trang Nhung chia sẻ
Dẫu vậy, ThS Trang Nhung cho rằng giới trẻ - vốn nhanh nhạy hơn - nên nỗ lực tìm hiểu và nắm bắt tâm tư của cha mẹ để hóa giải mọi điều.
Và nhất là khi thời gian của mỗi đời người là hữu hạn, người làm con cần nhìn thấu mong mỏi của mẹ cha "khi về già, đa phần cha mẹ chỉ cần được gần con", như ý kiến của ThS Trang Nhung.
Và làm sao để gần cha mẹ, ở mỗi hoàn cảnh riêng, chỉ có người con mới tìm được câu trả lời phù hợp nhất!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận