Trên thực tế, sự kiện chuyển giao quyền lực bất ngờ ở Syria từ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sang liên minh các lực lượng nổi dậy do nhóm Hayat al-Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đã góp một "mảnh ghép" không thể thiếu giúp hoàn thiện bức tranh tổng thể đang định hình về một trật tự Trung Đông mới.
Thúc đẩy hòa giải
Trong bức tranh Trung Đông mới này, về thực địa, sự sụp đổ ảnh hưởng của gia tộc Assad, có đường lối kiên trì chống Israel tại Syria, đã chính thức "hạ nhiệt" mối đe dọa giáp biên giới cuối cùng còn sót lại của "trục kháng chiến" do Iran điều phối đối với khu vực lãnh thổ phía bắc của Israel.
Biến động ở Syria còn đánh dấu sự hiện diện tăng cường của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) nhằm chiếm giữ các "vị trí mới" thuộc vùng đệm giữa Israel và Syria ở khu vực Cao nguyên Golan từ ngày 8-12, chính thức mở rộng "vành đai an ninh biên giới" do IDF kiểm soát kéo dài từ khu vực đường giới tuyến xanh ở Lebanon đến khu vực phi quân sự ở biên giới Israel - Syria.
Cần lưu ý rằng IDF vẫn giữ phối hợp với các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc như UNIFIL ở biên giới Israel - Lebanon (sau thỏa thuận ngừng bắn ngày 26-11 với Lebanon) và mới đây là với UNDOF ở Cao nguyên Golan hiện tại, đảm bảo tính chất đa phương bền vững của vành đai này.
Do đó chỉ cần đạt thêm thỏa thuận ngừng bắn mà phong trào Hamas đang để ngỏ thì tiến trình kiến tạo hòa bình ở Dải Gaza sẽ hoàn tất, hóa giải toàn bộ ba mối đe dọa Hezbollah - Hamas - Syria đến các vùng lãnh thổ Israel.
Không chỉ vậy, trên mặt trận ngoại giao, quân nổi dậy ở Syria do lực lượng HTS lãnh đạo cũng đại diện cho tiến trình hòa giải giữa các bên có quan điểm đối lập trong khu vực.
Đầu tiên, chính HTS đã chuyển đổi từ một tổ chức bị Mỹ và Liên Hiệp Quốc coi là khủng bố sang một tổ chức cấp tiến cam kết chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên, duy trì lập trường khoan dung tôn giáo và cắt đứt quan hệ với al-Qaeda.
Từ nền tảng này, HTS đã nhanh chóng tập hợp được hầu hết các lực lượng nổi dậy còn lại trong một liên minh nổi dậy vì mục tiêu chung nhằm thay đổi chính phủ do gia tộc Assad nắm quyền sang một chính phủ mới đảm bảo sự hòa hợp giữa tất cả các phe phái ở Syria.
Không chỉ vậy, vai trò hòa giải của HTS cũng được thể hiện khi vận động được sự "đồng thuận hiếm thấy" giữa hai trục Mỹ - Israel và Nga - Iran khi cả hai trục này đều không có bất kỳ động thái phản đối nào đối với chiến thắng của liên quân do HTS dẫn đầu vào ngày 8-12.
Phía Mỹ thậm chí còn có nhiều chỉ dấu ca ngợi chiến thắng này của HTS, trong khi IDF được cho là đã hậu thuẫn cho thắng lợi này bằng một loạt các cuộc không kích vào quân đội Syria và đồng minh Hezbollah của họ trong nhiều tháng.
Về phía còn lại, hội nghị bộ trưởng ngoại giao ba bên Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran theo định dạng Astana đã được tổ chức tại Doha (Qatar) vào ngày 7-12 nhằm ủng hộ đối thoại chính trị giữa các bên và kêu gọi chấm dứt các "hành động thù địch" ở Syria.
Đại sứ Iran tại Syria Hossein Akbari vào ngày 8-12 cũng tuyên bố chính phủ ông Bashar al-Assad đã quyết định chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, không kháng cự tại thủ đô mà sẽ chính thức bàn giao toàn bộ chính phủ và các lĩnh vực khác nhau.
Củng cố tiến trình hòa nhập
Chiến sự giữa IDF với Hamas và Hezbollah vẫn đang tiếp diễn ở quy mô đơn lẻ bất chấp các thỏa thuận ngừng bắn đang được kỳ vọng, cũng như có thông tin cho thấy hai nhóm quân nổi dậy lớn nhất là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và Quân đội Quốc gia Syria (SNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã bắt đầu giao tranh lẫn nhau bất chấp sự ngăn cản của lực lượng HTS.
Tuy nhiên về tổng thể, vẫn khó có thể ngăn cản được tiến trình hòa bình, hòa giải và hòa nhập đang ngày càng mạnh mẽ ở Trung Đông.
Viễn cảnh hòa nhập được kỳ vọng nhất lúc này chính là sự gắn kết của "mảnh ghép Syria" vào quá trình bình thường hóa quan hệ giữa thế giới Ả Rập với Israel thông qua Hiệp định Abraham ngay sau khi hình thành chính phủ mới, phù hợp với các thiện cảm hiện tại mà lực lượng HTS đang tạo dựng được với cả Mỹ, Israel và phương Tây.
Tiến trình hòa nhập này chắc chắn sẽ tạo một "cú hích" quan trọng cho cuộc đàm phán đình chiến cuối cùng ở giữa Hamas và Israel nhằm kiến tạo hòa bình ở Dải Gaza.
Thêm vào đó, chính phủ mới ở Syria có thể sẽ tiếp tục giữ vai trò trung lập giữa cả hai phía Nga và Mỹ khi các báo cáo mới nhất cho thấy quân nổi dậy tuy đã kiểm soát hoàn toàn tỉnh Latakia, nơi có các căn cứ quân sự của Nga, nhưng không có kế hoạch xâm nhập các căn cứ này.
Đối với Nga, căn cứ không quân ở Hmeimim và căn cứ hải quân ở Tartus đóng vai trò rất quan trọng cho quân đội Nga tiếp cận biển Địa Trung Hải và châu Phi. Việc không xâm phạm hai căn cứ của Nga ở Syria cho thấy quân nổi dậy đang muốn duy trì vị thế trung lập.
Nhìn chung, sự chuyển giao quyền lực từ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sang chính phủ mới của quân nổi dậy ở Syria đã góp phần hoàn thiện thêm một "mảnh ghép" không thể thiếu cho tiến trình hòa bình, hòa giải và hòa nhập ở Trung Đông.
Mặc dù vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn do quá trình xây dựng niềm tin giữa các bên chỉ đang ở giai đoạn ban đầu, nhưng những biến chuyển đang diễn ra vẫn có nhiều chỉ dấu cho thấy xu hướng kết thúc chiến sự đang dần trở thành mục tiêu chung của tất cả các bên liên quan ở Trung Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận