TTCT - Sau hơn một tuần (từ ngày 30-9) với những đợt xuất kích tấn công vào 112 trọng điểm của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, ngày 7-10 cuộc tấn công của Nga vào IS đã được nâng lên một cấp độ cao hơn với sự tham gia của phân hạm đội Caspian. Bốn tàu chiến Nga từ biển Caspian đã bắn 26 tên lửa hành trình vào các mục tiêu IS. Trên đất liền, quân đội Syria thực hiện tổng tiến công. Những cuộc tấn công từ biển Caspian vào IS ngày 7-10 Ảnh: Kommersant.ru Đầu tiên, các thành viên trong liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Qatar...) đã đón nhận tin Nga không kích IS một cách dè dặt. Đặc biệt là câu hỏi của Ngoại trưởng Saudi Arabia Al-Jubeir: “Vấn đề là tại sao Nga phải tự mình hành động khi đã có một liên minh quốc tế chống IS rồi?”. “Phe đối lập ôn hòa” là ai? Về mặt chính thức, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã trả lời hôm 1-10: bởi liên minh do Mỹ dẫn đầu là không hợp pháp: “Không có một nghị quyết nào của Liên Hiệp Quốc cho sự hình thành liên minh này, cũng không xuất phát từ yêu cầu của quốc gia mà hoạt động không kích sẽ được tiến hành”. (Trong khi đó, Nga cho rằng họ hành động trên cơ sở đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 29-9). Trên thực tế, tuy cùng nói là chống IS nhưng Nga ủng hộ chính quyền Assad, trong khi liên minh của Mỹ chủ trương loại bỏ Assad, ủng hộ “phe đối lập ôn hòa”. Và rắc rối nằm ở định nghĩa “phe đối lập ôn hòa” này. Là bởi phe đối lập Syria khá hỗn tạp, không chỉ chiến đấu chống quân đội Syria, IS, mà còn kình chống lẫn nhau! Trên lý thuyết, lực lượng chiến đấu chính của phe đối lập là Quân đội Syria tự do (FSA), được hình thành năm 2011 từ những sĩ quan đào thoát khỏi quân đội chính quy Syria. Mục đích của họ là tiêu diệt chế độ Bashar al-Assad. Ước tính 90% quân FSA là người Hồi giáo Sunni. Về sắc tộc, khoảng 15% thành viên FSA là người Kurd. Hiện FSA có khoảng 45.000 đến 60.000 quân. Tuy nhiên, đến năm 2013, một số binh đoàn của FSA đã chạy sang phía Mặt trận Hồi giáo, tổ chức mà FSA xem là kẻ thù vì đã gieo rắc tư tưởng Hồi giáo cực đoan lên những lãnh thổ mà FSA chiếm được, đồng thời còn bắt cóc, hành hình một số thành viên FSA. Chính vì sự rối rắm này mà nhà báo nổi tiếng Robert Fisk đã bày tỏ nghi ngờ sự tồn tại của FSA như một nhóm quân sự thống nhất (1). Theo giám đốc Trung tâm nghiên cứu Cận Đông và Trung Á (Nga) Semen Bagdasarov, thực tế FSA được hình thành như một cấu trúc có tính mạng lưới, thu nạp những binh đoàn khác nhau, và hiện nay “bộ khung đó vẫn còn” (2). Tuy nhiên, cho đến trước khi Nga không kích IS ở Syria, FSA chính là lực lượng được phương Tây tài trợ và đào tạo. Trong một phát biểu ngày 9-9-2015 được Guardian đăng tải, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond thừa nhận: “Những nỗ lực đào tạo FSA đã khiến chúng ta chậm... hơn mình mong muốn... Assad phải ra đi. IS phải ra đi. Điều này đòi hỏi không chỉ tiền của, viện trợ, ngoại giao, mà trong một số trường hợp cả lực lượng quân sự nữa”! Một nhóm đối lập khác là Mặt trận Hồi giáo có khoảng 45.000 tay súng, hình thành từ bảy nhóm Hồi giáo khác nhau vào tháng 11-2013. Mục tiêu của nhóm này là lật đổ chế độ Assad để xây dựng nhà nước Hồi giáo. Một số phương tiện truyền thông đã đánh giá sự gần gũi về tư tưởng của Mặt trận Hồi giáo với Al-Qaeda. Cũng nằm trong phe đối lập còn có Al Nusra, với khoảng 6.000 - 10.000 thành viên. Từ tháng 5-2012, theo Al Jazeera, Al Nusra đã liên minh với Al-Qaeda. Mục tiêu của Al Nusra là tiêu diệt chế độ Assad để thành lập Tiểu vương Syria, “thanh lọc Syria khỏi người Alawite và Kitô giáo”. 1/3 các tay súng của nhóm này là lính đánh thuê từ các quốc gia Hồi giáo và châu Âu. Al Nusra đặc biệt không chỉ giao tranh với quân đội Syria mà cả với các tay súng của IS. The Wall Street Journal số đề ngày 30-9 dẫn một nguồn giấu tên thừa nhận CIA đang tài trợ cho một số nhóm khủng bố để giúp thay đổi chế độ ở Syria, mà một trong những nhóm này chính là Al Nusra. Nhìn từ liên minh của Nga Sau bốn năm nội chiến, quân đội Syria và các nhóm dân quân người Kurd - hai lực lượng chính chống IS ở Syria - đã kiệt sức. Trong khi đó, nguồn lực tài chính, quân sự và con người của IS không ngừng phát triển, đến độ nhóm khủng bố này đang trở thành mối đe dọa cho nhiều nước lớn, trong số đó có Nga. Theo Chánh văn phòng tổng thống Nga Sergey Ivanov: “Số người Nga và công dân các nước SNG tham gia IS đang dần tăng (ước tính từ 5.000 - 7.000 tay súng). Một số đã trở về Nga, do đó ra tay trước và hoạt động ở nước ngoài vẫn tốt hơn là chờ để đối đầu với vấn đề này trên đất Nga”. Ngày 30-9, khi thông báo Thượng viện cho phép tổng thống Nga sử dụng quân đội ở nước ngoài, ông Ivanov nhấn mạnh chiến dịch không kích của Nga “không nhằm đạt được những mục tiêu đối ngoại hay thỏa mãn tham vọng nào đó, mà hoàn toàn xuất phát từ lợi ích Nga”. Với Iran, việc tham gia liên minh của Nga cần được nhìn ở góc độ lợi ích dân tộc và tôn giáo. Vốn là hai đồng minh chiến lược kể từ cuộc chiến Iran - Iraq (1980 - 1988), theo nhiều thống kê, ít nhất một nửa trong Đội cận vệ Hồi giáo của Iran đang tham chiến cùng quân đội Syria. Đối với Iran, sự sụp đổ của chính quyền Shiite ở Damascus cũng đồng nghĩa với thất bại của Iran trong cuộc đối đầu với các vương triều Hồi giáo Sunni. Trong khi đó, Tổng thống Bashar al-Assad là đại diện của phái người Alawite lãnh đạo Syria - một nhánh Hồi giáo Shiite. Cho đến trước chiến tranh, người Alawite chiếm 10% dân số đất nước, 75% là người Hồi giáo Sunni. Liên quan đến Iraq, nước đã bị IS chiếm một vạt lớn lãnh thổ, Thủ tướng Iraq Al Abadi giải thích lý do Iraq tham gia liên minh do Nga đề xướng: “Chúng tôi không nhận được sự hỗ trợ đáng kể của Mỹ trong cuộc chiến chống IS”. Nhận định của tác giả Joe Quinn trong bài viết trên Sott.net 30-9 giải thích rõ hơn phát biểu của Thủ tướng Al Abadi. “Người ta có thể nhận ra hay không nhận ra bằng chứng ngày càng nhiều trong hai năm qua cho thấy Mỹ và các đồng minh châu Âu của Mỹ không thật sự nghiêm túc về việc tiêu diệt IS. Gợi ý đầu tiên là hồi đầu năm nay, khi các tay súng đánh thuê chiếm một vạt lớn Iraq và Syria, liên minh đã không làm gì ngoài việc... tiếp tục thúc đẩy năng lực chiến đấu cho những kẻ nổi loạn tuyệt vời. Thứ hai, cũng trong năm nay, là việc Mỹ và các đồng minh bắt đầu không kích từng phần chống IS mà trên thực tế là chỉ giúp những kẻ chặt đầu thêm thắng lợi. Thứ ba là những báo cáo về vũ khí được gửi cho “phe nổi dậy Syria” lại “vô tình” rơi vào tay những tay khủng bố chuyên chặt đầu. Và gần đây nhất là khẳng định về việc Lầu Năm Góc xem một số nhóm phái IS như “người của mình” trước tin Nga lập căn cứ quân sự ở tây Syria nhằm tấn công những lực lượng đánh thuê nước ngoài ở Syria” (nguồn đã dẫn 1). Nhìn từ phía các đồng minh của Mỹ Và không thể không nhìn cuộc không kích từ khía cạnh kinh tế. Chẳng phải Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vừa dọa sẽ khép lại hai dự án (khí đốt và nhà máy điện hạt nhân) của Nga ở đây do Nga vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ? Trong làn sóng “Mùa xuân Ả Rập”, sau những cuộc biểu tình đòi lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad không thành công, từ tháng 3-2011 nội chiến ở Syria đã bùng nổ giữa các nhóm vũ trang khác nhau với quân đội Chính phủ Syria. Cùng lúc đó, lợi dụng sự hỗn loạn này, IS - khởi đi từ những tay súng dòng Hồi giáo Sunni ở Iraq và Syria và tuyên thành lập nhà nước Caliphate năm 2014 - đã đánh chiếm các tỉnh phía đông Syria. Hơn 220.000 người Syria đã bỏ mạng trong bốn năm qua. Câu hỏi lớn nhất vẫn là vì sao liên minh chống IS của Mỹ - hình thành từ tháng 8-2014 với 62 nước thành viên nhưng chỉ khoảng chục nước tham gia tích cực - cho đến giữa tháng 9-2015 đã thực hiện tới 6.000 cuộc tấn công nhưng vẫn không làm suy yếu IS? Theo giám đốc Trung tâm các thông tin chiến lược Dmitri Abzalov (3), chính lợi ích kinh tế khiến các thành viên này tuy cũng chống IS nhưng không phải là chống đầu não then chốt của IS ở Raqqa (Syria). Bài phân tích của ông trên LifeNews giải thích: Đấu thủ lớn nhất ở khu vực phải kể Saudi Arabia, nước có quân đội khá thiện chiến trong số các vương triều Sunni của vịnh Persic. Chi phí quốc phòng của Saudi Arabia lên tới 80,7 tỉ USD/năm, gấp bốn lần các đấu thủ khác trong khu vực, chỉ thua Nga (84,4 tỉ USD) đôi chút. Không chỉ thế, phần lớn chi phí của Saudi Arabia là cho không quân. Saudi Arabia là một trong những nước đầu tiên tham gia liên minh chống khủng bố của Mỹ và tiến hành không kích chống IS, tuy nhiên Saudi Arabia không tấn công IS ở Syria mà đánh vào... Yemen. Lý do là hơn 50% dầu của Saudi Arabia khai thác được ở tỉnh phía đông nước này là Ash Sharkia, 90% dân tỉnh này là người Shiite đang ủng hộ cuộc nổi dậy của người Shiite ở nước Bahrain láng giềng cũng như người Houthi ở Yemen. Nếu Bahrain đã trấn áp được “Mùa xuân Ả Rập” của người Shiite thì ở Yemen, Saudi Arabia hỗ trợ bằng không kích. Phải chọn lựa giữa chống khủng bố chung và nguy cơ mất tới 60% ngân sách nhà nước trong trường hợp người Shiite nổi dậy thành công ở các nước láng giềng và lan sang tỉnh chiến lược Ash Sharkia, Saudi Arabia đã chọn không kích Yemen. Một đấu thủ mạnh khác của khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ (thành viên NATO, ngân sách quốc phòng 22,6 tỉ USD) cũng tiến hành không kích chống IS, nhưng lại chống người Kurd ở Iraq. Vì Đảng Công nhân Thổ Nhĩ Kỳ ở Kurdistan thường xuyên tiến hành các hoạt động phá hoại đường ống dẫn dầu của Ankara: chỉ trong mùa hè năm nay, tuyến đường ống chính ở các tỉnh Agra và Kars đã bị gián đoạn, chưa kể IS còn bán dầu giá rẻ (chỉ 25-35 USD/thùng) qua các cảng Thổ Nhĩ Kỳ, trung bình mỗi ngày kiếm được tới 1,5 triệu USD. Trong điều kiện đó, chỉ có quân đội Iraq và Syria thật sự tấn công IS một cách trực diện. Không có sự hỗ trợ của đồng minh bên ngoài nhưng không gắn với Mỹ về lợi ích kinh tế, số phận của Syria và Iraq coi như đã được định đoạt. Đó là lý do vì sao Iraq, Syria chọn Nga làm đồng minh. Và cuối cùng, như một đặc điểm không thể thiếu của các cuộc chiến thế kỷ 21: chiến tranh thông tin. Cuộc chiến này xuất hiện ngay từ khi Nga chưa không kích, theo lời Tổng thống Putin, cho rằng máy bay Nga còn chưa xuất phát thì đã có tin về thương vong thường dân! Hỗn chiến trên mặt trận này cũng không kém gay cấn. Mới nhất là tin CNN dẫn nguồn giấu tên đưa bốn tên lửa Nga bắn vào IS ở Syria đã rơi vào lãnh thổ Iran, trong khi người Iran bảo họ không biết gì về việc này! Một đại diện Bộ Ngoại giao Iran còn cảnh báo sắp tới sẽ có nhiều tin giật gân tương tự trong cuộc chiến tranh tâm lý đã được Washington chuẩn bị sẵn.■ (1): www.sott.net/article/302979-Russia-establishes-no-fly-zone-for-NATO-planes-over-Syria-Pentagon-freaks-out (2): http://m.gazeta.ru/politics/2015/09/30_a_7788269.shtml (3): www.mk.ru/politics/2015/10/09/iran-ssha-vedut-protiv-rossii-psikhologicheskuyu-voynu.html. Tags: Khủng hoảng SyriaLogic cuộc không chiếnCuộc chiến Syria
Bầu cử Mỹ: Hòa ở điểm bỏ phiếu đầu tiên, ông Trump tiếp tục vận động xuyên đêm NGỌC ĐỨC 05/11/2024 Đúng 0h ngày 5-11 (giờ địa phương), người dân Dixville Notch (bang New Hampshire) bỏ những lá phiếu đầu tiên trong ngày bầu cử Mỹ năm 2024.
TP.HCM đề xuất giữ lại ít nhất 21% ngân sách sau 2025 THẢO LÊ 05/11/2024 Việc giữ lại 21% ngân sách để TP.HCM có nguồn lực bổ sung cho các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, đầu tư hạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy 'giải oan' cho bệnh nhân mắc Wilson bị chẩn đoán nhầm tâm thần nhiều năm THU HIẾN 05/11/2024 Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vừa 'giải oan' cho một bệnh nhân nữ mắc bệnh Wilson hiếm gặp nhưng bị chẩn đoán nhầm thành tâm thần phân liệt nhiều năm.
Cha mẹ giao xe máy cho con đừng vì 'con người ta có thì con mình cũng có' LÊ TẤN THỜI 05/11/2024 Phụ huynh nên cân nhắc khi giao xe máy cho con vì đó là sự an toàn, là tính mạng của con em mình.