TTCT - Cuộc chiến tranh ủy nhiệm Nga - Mỹ đang sắp trở thành thế chiến thật sự, khi các siêu cường đứng sau giờ đã ra mặt, với những thứ bom đạn tân tiến trút xuống quốc gia Trung Đông giàu tài nguyên và có vị thế chiến lược này. Những hình ảnh về vụ “tấn công vũ khí hóa học” ở Idlib nhanh chóng tràn ngập trên mạng Internet, nhưng thật khó biết đích xác điều gì diễn ra ở thực địa-AP Đốm lửa nhỏ đang có nguy cơ bùng phát thành trận cháy rừng ở Syria. Đốm lửa đó là cuộc “tấn công vũ khí hóa học” ngày 4-4 ở Khan Sheikhoun (phía nam tỉnh Idlib), khiến “60-100 người thiệt mạng và 200 người bị ảnh hưởng” (các con số đều không thể kiểm chứng bởi các nguồn độc lập). Kịch bản thật quen thuộc. Tấn công vũ khí hóa học. Tổng thống Bashar al-Assad bị cáo buộc tàn sát thường dân. Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Tổ chức Cấm phổ biến vũ khí hóa học (OPCW) vừa mở điều tra và chưa kết luận, nhưng một dự thảo nghị quyết đã được Mỹ, Pháp và Anh trình ra Hội đồng Bảo an, lên án chính quyền Assad. Cũng chưa có kết quả điều tra, ngày 6-4 Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông Assad đã “vượt nhiều lằn ranh”, còn Ngoại trưởng Rex Tillerson cho rằng sau cuộc “tấn công vũ khí hóa học”, “ông Assad đã hết vai trò”. Ba ngày sau nữa, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley chính thức ngửa bài, xác nhận chính sách đối ngoại mới của Washington với Syria là quay lại quan điểm cũ: lật đổ chính quyền Assad. Kịch bản cũ? Nhiều nhà quan sát theo dõi diễn tiến vụ Khan Sheikhoun ngày 4-4 đã liên tưởng ngay đến vụ “tấn công hóa học Ghouta” ngày 21-8-2013. Trong vụ đó, vùng ngoại ô Damascus Ghouta, vốn do phe đối lập kiểm soát, bị tấn công bằng tên lửa có chứa độc tố sarin. Số người thương vong được thông báo từ 281 đến gần 1.800 người, tùy theo nguồn tin. LHQ mở điều tra và các chuyên gia hiện trường xác nhận chất độc sarin đã được sử dụng, nhưng không kết luận ai sử dụng. Phe đối lập tuyên bố thủ phạm là chính quyền Assad, còn Damascus khẳng định do phe đối lập. (Sau này, chuyên gia cao cấp LHQ Carla De Ponte, sau một chuyến khám nghiệm hiện trường, thừa nhận có bằng chứng cho thấy phe đối lập sử dụng khí sarin, dù bà không loại trừ quân đội chính quyền, nhưng nhận định của bà đã không được làm rõ tới cùng). Khi đó, chính quyền tiền nhiệm của ông Trump, dưới thời Barack Obama, đang chuẩn bị can thiệp quân sự thì Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra đề nghị làm trung gian yêu cầu chính quyền Syria giao nộp toàn bộ kho vũ khí hóa học, đổi lấy việc Hoa Kỳ cân nhắc yêu sách thay đổi chế độ Assad. Can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ vào Syria tạm đình lại. Giờ đây, có vẻ “kịch bản Ghouta” đang tái diễn. Lần này, Mỹ đã quá sốt ruột với chính quyền mới, trong bối cảnh tỉ lệ ủng hộ ông Trump trong nước tụt dốc thảm hại chỉ sau một thời gian ngắn nắm quyền, và Washington không đợi kết quả điều tra độc lập nữa. Cuộc tấn công cũng gợi lại cuộc chiến Iraq năm 2003, khi CIA khẳng định Tổng thống Iraq Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, tạo cớ cho Tổng thống George W. Bush can thiệp quân sự và lật đổ ông Hussein. Iraq từ đó trở thành luyện ngục, còn câu chuyện vũ khí hủy diệt hàng loạt đã được chứng minh là dối trá và trôi vào quên lãng. Trong vụ Khan Sheikhoun, khởi đầu là những thông tin từ Internet. Ngày 4-4, xuất hiện các hình ảnh video được cho là thực hiện ở Idlib, ghi lại hậu quả cuộc “tấn công vũ khí hóa học”. Thường dân, trong đó nhiều phụ nữ và đặc biệt trẻ em, sùi bọt mép, ngoi ngóp thở trên sàn nhà. Những hình ảnh được khẳng định là ở Khan Sheikhoun, nhưng chi tiết thì đến tận bây giờ vẫn rất mù mờ. Gần như mọi thông tin và hình ảnh đều từ chỉ hai nguồn: Trung tâm giám sát nhân quyền Syria, do những người Syria lưu vong ở London phụ trách và nhóm Mũ bảo hiểm trắng (về tổ chức này, xin xem thêm TTCT số 2-2017 ngày 8-1-2017). Theo đó, các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học diễn ra từ 6h30 sáng 4-4, với tổng cộng 40 cuộc không kích. Những hình ảnh video rất kịch tính, rõ nét và cực kỳ chi tiết, không khỏi gợi nên nhiều câu hỏi, đặc biệt trong hoàn cảnh rối loạn và nguy hiểm của một vụ “tấn công vũ khí hóa học”. Bản tin EADaily (Nga) chỉ ra những điểm đáng ngờ: trên Facebook, những thông tin đầu tiên về vụ tấn công được Mũ bảo hiểm trắng đưa lên vào 19h14 ngày 3-4, trong khi vụ tấn công được thông tin là nổ ra vào sáng sớm 4-4! EADaily cũng nhắc rằng không thể kiểm chứng các thông tin này vì chỉ có hai tổ chức trên tiếp cận Khan Sheikhoun, các tổ chức cứu trợ quốc tế chính thức cũng như báo chí nước ngoài đều không có mặt tại đây. Khan Sheikhoun nằm dưới sự kiểm soát của tổ chức Al Qaeda Trachir al Sham và các nhóm thuộc phe đối lập ôn hòa được Washington hỗ trợ Al Nousra. Một bài báo khác, của nhà báo, giảng viên Đại học Tây Sydney (Úc) Paul Antonopoulos trên Information Clearing House (ICH) đặt ra một số nghi vấn khác, cả kỹ thuật và chiến lược. Thứ nhất, những hình ảnh trên mạng cho thấy các thành viên Mũ bảo hiểm trắng tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân không găng tay, không bảo hộ, điều tối kỵ với việc xử lý nạn nhân nhiễm độc sarin. Thứ hai, trong một bệnh viện với hàng trăm bệnh nhân nhiễm độc sarin, ai có thời gian thực hiện các đoạn ghi hình và chụp ảnh sắc nét như thế, và rồi phát đi lên mạng gần như ngay lập tức, thậm chí là sớm hơn? Cuối cùng, chính quyền Assad và đồng minh hiện đang nắm ưu thế trên thực địa, đã lấy lại Aleppo và đẩy lùi quân nổi dậy, quyết định tấn công hóa học nhắm vào dân thường lúc này chẳng khác gì tự sát với Damascus. Bối cảnh nhiễu loạn tin tức là mảnh đất màu mỡ cho thuyết âm mưu và những tin đồn thổi. Ngay cả một cuộc điều tra độc lập cũng chưa thể xác quyết được mọi nghi ngờ, chứ đừng nói tình hình hỗn loạn và cáo buộc lẫn nhau như hiện giờ. Trong khi đó thì người dân Syria vẫn đang chịu trận. Nhờ mạng xã hội và cả sự “cả tin” đáng ngờ của không ít hãng tin lớn, những hình ảnh và về vụ “tấn công vũ khí hóa học” đã lan truyền cực nhanh, kéo theo đó là tuyên bố của hàng loạt quốc gia phương Tây, sau Mỹ là Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar... Mà quân bất hí ngôn, đã tuyên bố phải đi kèm với hành động. Từ giả định tới khẳng định Báo chí phương Tây, bị ràng buộc bởi nguyên tắc nghề nghiệp, vẫn đưa vào các bản tin những từ “dường như”, “có thể” trong khi tường thuật, nhưng việc hàng loạt hãng tin lớn đồng thanh tương ứng chỉ ngón tay về phía chính quyền Syria không khỏi gây ra nghi ngờ. Trong khi đó trên truyền thông Nga, những nghi vấn về tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là do Mỹ dựng lên, rồi không kiểm soát được; hay các vụ tấn công hóa học có sự đạo diễn của nước ngoài, đang được đặt ra cũng không phải là thiếu căn cứ. Trên thực địa, Nga, với nhà lãnh đạo đầy sức mạnh Putin, đã can thiệp với các cuộc không kích “theo lời mời” của ông Assad. Còn Mỹ, quốc gia vốn được xây dựng một phần dựa trên nguyên tắc “nghi ngờ thì không buộc tội” (benefit of the doubt), dù là với những hành vi nhỏ nhặt nhất, nay vội vàng trừng phạt chính quyền Assad - dù đó là một chính thể độc tài - với cáo buộc tày đình “tấn công vũ khí hóa học” nhắm vào dân thường khi còn quá nhiều nghi vấn. Lẽ đó, trong khi cuộc phô diễn sức mạnh của những Mig, Su, và Tomahawk thật ấn tượng thì tai họa chủ yếu vẫn chỉ rơi xuống đầu dân thường Syria. Nhưng có lẽ lúc này nói về các nguyên tắc đạo đức là điều quá xa xỉ, khi chiến cuộc đang ngày càng leo thang một cách nguy hiểm. Cuộc chiến tranh ủy nhiệm đang có nguy cơ trở thành chiến tranh thật sự giữa các siêu cường. Từ điển Cambridge định nghĩa chiến tranh ủy nhiệm (proxy war) là “cuộc chiến giữa các nhóm hay các nước nhỏ hơn mà mỗi bên đại diện cho quyền lợi của các nước lớn hơn, đồng thời có thể nhận được sự hỗ trợ từ các nước lớn đó”. Không ai nói ra nhưng thực tế trên đất Syria, cuộc chiến giữa phe đối lập và Chính phủ Assad chính là cuộc so găng giữa Hoa Kỳ, cùng các đồng minh Israel, Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ... ở một bên, còn bên kia là Nga, Iran, Hezbollah... 59 quả tên lửa Tomahawk giội xuống Syria của Mỹ, với lý do ông Assad đã “vượt qua các lằn ranh”, thật trớ trêu, có thể chính là hành động “vượt qua lằn ranh” của cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Cũng không bên nào nói ra, nhưng từ khi cuộc nội chiến bùng nổ 6 năm trước tới nay, các bên đã tôn trọng một thứ luật bất thành văn trên chiến trường: tránh để xảy ra đối đầu trực diện Nga - Mỹ. Luật bất thành văn này được xác nhận lại vào năm 2013, qua quyết định không triển khai bộ binh của tổng thống Obama; qua các cuộc hòa đàm đứt đoạn; và qua cả thỏa thuận thông báo lẫn nhau về hoạt động quân sự của Nga và Mỹ trên thực địa, nay đã đổ vỡ. Vấn đề còn ở chỗ dưới thời Obama, chính sách giảm thiểu và không can thiệp ở nước ngoài khá nhất quán từ đầu chí cuối, nhưng dưới thời Trump, chẳng ai biết Washington sẽ hành động ra sao. Sau khi đắc cử, ông này tỏ ra ôn hòa với Nga, thậm chí bị coi là có quan hệ lợi ích với Kremlin. Ông Trump, với quan điểm dân túy rõ ràng, cũng nói sẽ bớt để Mỹ can dự quốc tế, mà tập trung nguồn lực cho người Mỹ trong nước. Nhưng giờ thì mọi chuyện đã thay đổi 180 độ. Không phải tình cờ, ngay tuần trước khi hạ lệnh bắn tên lửa vào Syria, ông đã gặp các lãnh đạo Saudi Arabia, Ai Cập, Jordan và Israel, và những nước này đề nghị lập liên minh quân sự chống Iran, một quốc gia bảo trợ chính yếu cho chính quyền Assad.■ Tháng 1-2016, OPCW khẳng định thỏa thuận về tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria - như cam kết năm 2013 - đã hoàn tất. Tuyên bố viết: “Veolia, công ty Mỹ được OPCW ký hợp đồng tiêu hủy một phần kho vũ khí hóa học của Syria, đã hoàn tất việc tiêu hủy 75 xi-lanh hydrogen flouride (HF) tại cơ sở của công ty này ở Texas. Việc này đã hoàn tất công tác tiêu hủy tất cả vũ khí hóa học theo tuyên bố của nước Cộng hòa Ả Rập Syria... Bình luận về diễn tiến này, tổng giám đốc OPCW Ahmet Üzümcü nói: “Công tác vừa thực hiện là một chương quan trọng trong việc loại bỏ chương trình vũ khí hóa học ở Syria trong nỗ lực của chúng tôi làm rõ tuyên bố của chính quyền Syria và xử lý việc sử dụng các loại hóa chất độc hại làm vũ khí tại đất nước này”. Nhưng việc thanh tra tiếp tục của OPCW ở những khu vực lực lượng nổi dậy chiếm đóng (bao gồm tỉnh Idlib) chưa thể thực hiện, thì các tin tức mới về vụ tấn công vừa qua xuất hiện. Tags: SyriaChiến tranh ủy nhiệmMỹ dội bom Syria
Phó bí thư thường trực Nguyễn Thanh Nghị: Sẽ chung sức để TP.HCM ngày càng phát triển TIẾN LONG 25/01/2025 Ngay sau khi được trao quyết định, tân Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị phát biểu nhận nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Thanh Nghị làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM VIỄN SỰ 25/01/2025 Ông Nguyễn Thanh Nghị - ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.
Ông Vũ Hồng Văn làm Bí thư Đồng Nai HÀ MI 25/01/2025 Ông Vũ Hồng Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Ngoại trưởng Mỹ: Quan hệ Việt - Mỹ là hình mẫu tiêu biểu trong quan hệ quốc tế DUY LINH 25/01/2025 Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định như vậy trong cuộc điện đàm đầu tiên với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tối 24-1.