Suzi Garner vẽ tranh để cứu voọc Cát Bà

TTCT - Từ ngày 18-1 đến 6-2-2013, cuộc triển lãm mang tên “Con voọc cô đơn” (The Lonely Langur) sẽ diễn ra tại Hà Nội (*). Tác giả triển lãm, họa sĩ Mỹ Suzi Garner, tốt nghiệp đại học ở Mỹ và nhận bằng thạc sĩ của Trường đại học Quốc gia Úc nhưng đã chọn sống và sáng tác ở Việt Nam.

Phóng to
Tác phẩm trong quyển sách Con voọc cô đơn - Ảnh do nhân vật cung cấp

Phóng to
Họa sĩ Suzi Garner - Ảnh do nhân vật cung cấp

1. Suzi kể cô “phải lòng” Việt Nam ngay lần đầu đến Việt Nam năm 1997, lúc đang học đại học. Sau một đêm ở Mai Châu (Hòa Bình), trong khung cảnh thanh bình của làng quê Việt, cô quyết định sẽ thay đổi đời mình để có thể tìm hiểu về văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số và văn hóa nông nghiệp tự cấp tự túc. Trở về Mỹ, cô chuyển trường và bắt đầu học tiếng Việt.

Suzi nói: “Tôi nhận ra rằng tôi đã bị hút hồn bởi sự nồng hậu, thân thiện của văn hóa và con người Việt Nam. Cuộc sống ở Việt Nam, những câu chuyện với người Việt và những trải nghiệm ở đây đã dạy tôi nhiều hơn tất cả những gì tôi đã học từ bất cứ trường lớp nào”.

Nhưng mãi đến năm 2005, Suzi mới “định cư” ở Việt Nam (trước đó mỗi năm cô chỉ đến để thực hiện nghiên cứu một lần). Lúc đầu cô làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển và bảo tồn di sản văn hóa. Nhưng rồi Suzi từ bỏ những công việc này để tập trung việc sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam (trước khi chuyển sang ngành hỗ trợ phát triển và học tiếng Việt, cô từng học về nghệ thuật và nhiếp ảnh). “Việt Nam đã thôi thúc tôi sáng tác ngay từ cái nhìn đầu tiên và tôi đã viết, đã vẽ” - Suzi kể.

2. Quyển sách đầu tiên của cô mang tựa đề Cái chết ở Hà Nội bao gồm những bức vẽ kể về các sinh vật tâm linh đang băng qua cầu Long Biên, vào Hà Nội để đưa linh hồn của một người đã chết trên chuyến hành trình đến thiên đàng. Khi đi, những sinh vật tâm linh này đã giúp tất cả chim chóc ở Hà Nội thoát ra khỏi những chiếc lồng đang giam cầm chúng.

Khi đọc những bài viết về quyển sách Cái chết ở Hà Nội của Suzi, tôi đã liên lạc với cô ấy. Tôi nghĩ “trời ạ, sẽ thật tuyệt nếu cô ấy sáng tác một quyển sách khác tương tự như quyển này, nhưng về loài voọc”. Sau khi được liên hệ, Suzi lập tức chung tay cùng chúng tôi. Tất cả chỉ cần đến sự liên hệ đầu tiên đó thôi và sau đó, cũng giống như một câu ngạn ngữ, những gì còn lại... là lịch sử.

Sau khi Cái chết ở Hà Nội được xuất bản, giám đốc dự án bảo tồn voọc Cát Bà Rick Passaro đã liên hệ và đề nghị Suzi sáng tác về đề tài voọc Cát Bà. Cô hân hoan nhận lời bởi sau khi tìm hiểu, cô biết dự án, với trụ sở đặt tại rừng quốc gia Cát Bà, đã làm được nhiều công việc kỳ diệu như vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, theo dõi và giám sát số voọc còn lại, xây dựng một chương trình giáo dục bảo vệ động vật hoang dã rất hữu ích cho các trường học trên đảo Cát Bà và nâng cao nhận thức của người dân về loài voọc.

Một sự kiện quan trọng khác tạo cảm hứng sáng tác cho cô là việc gần đây, hai con voọc cái đã được di dời từ một hòn đảo hẻo lánh để nhập hội với một nhóm voọc đông hơn trong rừng quốc gia Cát Bà. Việc di dời đảm bảo rằng chúng có cơ hội sinh sản. Suzi cảm thấy xúc động trước những nỗ lực nhằm đảm bảo rằng những con voọc cái sẽ không phải cô đơn nữa.

3. Con voọc cô đơn có kích cỡ bằng một tấm bưu thiếp khổ to, gồm 34 bức họa màu ba chiều, mỗi tác phẩm là một trang của quyển sách. Suzi đã vẽ thủ công trên giấy trước, sau đó cắt tranh ra và xếp chúng ba chiều trên một nền họa. “Công việc tỉ mẩn và mất thời gian lắm, nhưng từ bé tôi đã luôn muốn kể chuyện theo cách này”.

Đặc biệt, cả hai quyển sách đã xuất bản của cô đều không dùng ngôn từ mà chỉ dùng hội họa để thể hiện câu chuyện muốn kể, bởi đó là cách giúp cô tiếp cận với nhiều độc giả hơn, vượt qua những sự ngăn cách của ngôn từ, giúp trẻ em chưa biết đọc cũng có thể hiểu câu chuyện cô muốn kể.

Đến xem triển lãm, khán giả sẽ được thưởng lãm câu chuyện một cách đầy đủ nhất, vì họ sẽ có được những trải nghiệm đặc biệt của kỹ thuật 3D mà không phải kỹ thuật nào cũng có thể hiển thị trên bản in quyển sách. Khách đến dự triển lãm cũng có thể mua bản in của quyển sách để ủng hộ dự án bảo tồn voọc Cát Bà và để góp phần cứu voọc Cát Bà khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

___________

(*): Triển lãm diễn ra tại phòng tranh Manzi Art Space, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận