11/07/2018 12:15 GMT+7

Cha mẹ Ireland về Việt Nam tìm người thân cho con

PHẠM VŨ - NGỌC ĐÔNG
PHẠM VŨ - NGỌC ĐÔNG

TTO - Đầu tháng 7, Trung tâm bảo trợ trẻ em Gò Vấp (TP.HCM) đón những vị khách đặc biệt: một gia đình đến từ Ireland. Ông bà David Doran - Suzanne Doran cùng ba con gái mau chóng làm quen với các em nhỏ, nắm tay, chào hỏi.

Cha mẹ Ireland về Việt Nam tìm người thân cho con - Ảnh 1.

Bà Suzanne và con gái nuôi gốc Việt - Ảnh: TỰ TRUNG

Bữa trưa, trung tâm mời khách ở lại với một món đặc trưng miền Nam: bánh canh cua. Cả nhà cùng ăn hết cả tô to, tấm tắc khen ngon.

Đeo vào cổ tay mỗi cô con gái một chuỗi vòng tay, cô Hồ Thanh Loan, giám đốc trung tâm, mỉm cười: "Con gái chúng tôi đây".

Vì tôi là mẹ

13 năm trước, ông David và bà Suzanne đến Trung tâm bảo trợ trẻ em Gò Vấp lần đầu tiên. Từ bốn năm trước đó, đồng thời với việc có con gái đầu lòng, ông bà đã đi dự những hội thảo về việc nhận con nuôi, đã gặp những gia đình nhận con nuôi từ Việt Nam và làm các loại giấy tờ để đăng ký...

Bà Suzanne giải thích lí do nhận con nuôi Việt Nam - Video: Truyền hình Tuổi Trẻ

Chờ đợi suốt 4 năm và bà được báo tin đã có một em bé sẵn sàng để được nhận. Vân khi ấy đang nằm trong nôi, ôm bình sữa. Bé đã bị bỏ lại ngay sau khi vừa được sinh ra tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Sau những nỗ lực xác minh, tìm kiếm bất thành, cô Loan - khi ấy là phó giám đốc trung tâm - đã đến bệnh viện bế em về. Sáu tháng tuổi, Vân được mẹ nuôi bồng lên máy bay. Em trở thành người Ireland từ đấy.

Đây là lần thứ hai Vân được mẹ đưa về thăm Việt Nam. Em là một cô bé da ngăm với mái tóc dài, e thẹn và nép vào mẹ trước người lạ. Sau Vân, mẹ còn nhận nuôi thêm Thiên, một bé gái người dân tộc Thái, từ Lạng Sơn.

Cha mẹ Ireland về Việt Nam tìm người thân cho con - Ảnh 3.

Vân và em gái, cũng là con nuôi gốc Việt - Ảnh: TỰ TRUNG

Vuốt tóc Vân, bà Suzanne mỉm cười: "Tôi có hai cô con gái Việt Nam. Rất hạnh phúc vì các con đều khỏe mạnh, xinh đẹp, thông minh, năng lực học tập rất tốt và biết làm những việc tử tế. Để làm mẹ tốt của chúng, tôi cũng phải học nhiều đấy...".

Bà đã học cách mặc áo dài, để mỗi dịp tết cổ truyền Việt Nam đưa các con gái đến sự kiện Chúc mừng năm mới mà Hội người Việt tại Ireland tổ chức. Bà học cách nấu cơm, phở, bún Việt Nam để thi thoảng trổ tài cho các con biết món ăn quê hương.

Bà đưa con đến lớp học tiếng Việt mỗi tuần để có thể biết giao tiếp chút ít bằng tiếng Việt. Bà mua những CD nhạc, phim Việt Nam, sách ảnh về Việt Nam cho các con xem, treo tranh Việt Nam trên tường để các con biết và nhớ mình từ đâu đến...

Ai đến nhà của gia đình Doran cũng sẽ nhận ra ngay họ có những mối liên hệ mật thiết với Việt Nam. Vậy nên năm nay 13 tuổi, Vân đã tự ngỏ ý với mẹ: "Con muốn biết mẹ ruột của mình là ai". Con nói vậy, cả nhà lại lên đường về Việt Nam.

Cha mẹ Ireland về Việt Nam tìm người thân cho con - Ảnh 4.

Ông bà Doran và con gái nuôi gốc Việt - Ảnh: TỰ TRUNG

Câu chuyện gây thật nhiều ngạc nhiên khi những người nghe xung quanh đều là người Việt. Nhận được nhiều câu hỏi, bà Suzanne mỉm cười: "Chúng tôi không cần phải giải thích cho Vân hay Thiên biết các cháu là con nuôi, dù khi đến với chúng tôi chúng còn chưa nhận thức được. Lớn lên biết soi gương, biết quan sát, tự các con biết mình khác biệt...".

"Đến trường, chúng biết mình là người châu Á, và các bạn châu Á của con cũng không ít người là con nuôi. Câu chuyện về nguồn gốc của các con đến với chúng cũng tự nhiên như tình thương mà chúng nhận được từ chúng tôi.

Tôi mong con cảm nhận được văn hóa Việt, không khí Việt, nói được tiếng Việt và có thể quay về Việt Nam trong tương lai. Điều đó còn phụ thuộc vào chính quyết định của con. Còn giờ đây, chúng tôi chỉ làm những gì có thể để giúp con hạnh phúc với câu chuyện riêng của mình mà thôi...".

Cả gia đình đã hai lần cùng nhau đi Hà Nội, cùng tham quan những thắng cảnh miền Bắc, cùng đến thăm gia đình người Thái của Thiên, cùng đến Sài Gòn và thăm những đứa trẻ ở Trung tâm bảo trợ Gò Vấp... Tình cảm gia đình lớn thêm, Vân và Thiên cũng lớn thêm.

Cha mẹ Ireland về Việt Nam tìm người thân cho con - Ảnh 5.

Ông bà David Doran - Suzanne Doran đưa các con về Trung tâm bảo trợ trẻ em Gò Vấp. Vân là cô bé đứng bên bố - Ảnh: TỰ TRUNG

"Con là người Việt Nam"

Chốc chốc Vân lại quay sang ôm mẹ, hôn và cười e lệ. Cô bé tỏ ra hiểu tường tận câu chuyện "làm mẹ và học làm mẹ hai cô gái Việt" mà bà Suzanne đang kể, hiểu những gì mẹ làm vì mình.

Vân gật đầu khi mẹ nói em mong muốn được gặp lại mẹ ruột của mình. "Em luôn biết mình có cội nguồn khác với cha mẹ, với chị gái. Điều này trong gia đình được coi là chuyện bình thường. Thi thoảng em thấy vui vì mình đặc biệt hơn. Thi thoảng em thấy hạnh phúc hơn vì mình khác biệt nhưng được yêu thương.

Vậy nên em luôn mong được gặp lại mẹ ruột của để biết mình xuất thân từ đâu, có anh chị em nào khác không và bà đang có cuộc sống như thế nào? Ba mẹ em rất đồng ý với ý kiến đó".

Bà Suzanne và ông David nói về việc con mình tìm cha mẹ ruột - Video: Truyền hình Tuổi Trẻ

Amber Doran, chị gái 17 tuổi của Vân, cũng mỉm cười khuyến khích: "Vân muốn tìm lại cha mẹ ruột của mình là rất tốt. Năm 4 tuổi, lần đầu được gặp em tôi đã rất phấn khích, và từ đó đến nay chúng tôi luôn hòa thuận, yêu thương. Tôi nghĩ mọi việc đều sẽ tốt hơn nữa với Vân nếu em biết được nguồn cội của mình...".

Theo các cô bảo mẫu lên thăm các em bé bị bỏ rơi ở Trung tâm bảo trợ trẻ em Gò Vấp, Vân lúc thoải mái, lúc tần ngần. Em tâm sự: "Em không cảm thấy xa lạ, đến đây có cảm giác trở về nhà. Nhìn thấy các bé, em biết mình từng là một trong số đó. Gặp các bạn, em biết mình cũng có thể là một trong số đó nếu không được nhận nuôi.

Em thật quá may mắn khi được đến với gia đình Doran, đến với cha mẹ, chị em. May mắn này em không biết phải làm sao để chia sẻ...".

Cảm nhận thật quá sức với cô bé 13 tuổi. Mẹ Suzanne đã giúp em bằng cách gửi tặng các bé ở trung tâm một thùng quà thật to. Vân được nhận lại một bức tranh cẩn đá vẽ một cô bé tóc dài, mặc váy hoa như em. Bức tranh là sản phẩm của các bạn khuyết tật sống tại trung tâm.

"Chúng tôi sẽ treo trong phòng ngủ của Vân" - cha mẹ em nói. Bức tranh sẽ lại là một ghi dấu nữa với Vân về cội nguồn của mình, trang đầu tiên trong cuốn sách của đời em vẫn còn đang chừa lại chỗ trống.

Tôi biết cuộc đời không phải cổ tích, không phải câu chuyện nào cũng kết thúc có hậu. Chuyện của Vân không phải chuyện của một nàng công chúa, những gì chúng tôi mong muốn và sẽ cố gắng thực hiện là tìm kiếm lại cho con những người ruột thịt

Bà SUZANNE DORAN

Củng cố thêm cho quyết tâm tìm lại cha mẹ ruột cho con, ông David Doran tiếp lời vợ: "Tôi tin rằng một người, dù lớn lên ở nơi đâu, cũng cần phải biết nguồn cội, biết mình từ đâu đến để rồi sẽ biết mình phải làm gì, cần đi đâu, hướng nào trong cuộc sống này".

Bà Suzanne nói về những đứa con Việt Nam - Ảnh: Truyền hình Tuổi Trẻ

Giao lưu "Cội nguồn con ở đâu?"

Mong muốn bước của những người con nuôi gốc Việt, báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình "Con nuôi Việt ", làm cầu nối cho những người con đang trở về quê hương từ bất cứ nơi đâu để tìm lại gia đình.

Buổi giao lưu đầu tiên sẽ được tổ chức vào 13h30 ngày 12-7-2018 tại báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Chương trình chào đón sự tham gia của những người con nuôi gốc Việt đang trở về từ nhiều nước trên thế giới, những trẻ em đang sinh sống ở các mái ấm, những bậc cha mẹ không may thất lạc con, các chuyên gia tâm lý, những vị phụ trách mái ấm và các ban ngành liên quan...

● Vui lòng đăng ký tham gia với chị Tuyết Mai:

[email protected] ✆0909 38 66 29.

Hành trình tìm về nguồn cội của Hiền Munier

TTO - Hiền Munier mang quốc tịch Pháp, sống ở TP.HCM mấy tháng nay, dạy tiếng Pháp, tiếng Anh. Những buổi còn trống trong tuần, cô đến Trung tâm Bảo trợ trẻ em Gò Vấp.

PHẠM VŨ - NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên