22/09/2020 05:29 GMT+7

Suýt bỏ cuộc sau 10 lần mổ, nữ bệnh nhân vượt qua bệnh 'khó nói' tìm lại cuộc đời

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Ngay thời điểm quyết định bỏ cuộc sau gần 10 lần mổ thất bại chứng phình đại tràng và rò trực tràng - âm đạo tại nhiều bệnh viện ở TP.HCM, người phụ nữ 32 tuổi tưởng đã tuyệt vọng bất ngờ tin vào phác đồ điều trị của bệnh viện cuối.

Suýt bỏ cuộc sau 10 lần mổ, nữ bệnh nhân vượt qua bệnh khó nói tìm lại cuộc đời - Ảnh 1.

“Đó tưởng chừng như là giấc mơ không bao giờ thành hiện thực nếu tôi không dũng cảm tiếp tục chữa trị, không gặp được bác sĩ Tuấn ngay thời điểm mất hết hi vọng” - chị Vân tâm sự - Ảnh: BVCC

Khoảnh khắc đó đã giúp cuộc đời chị sang trang mới.

"Tôi từng tự ti, tủi thân đến mức không muốn sống nữa vì căn bệnh này. Tại sao sinh ra mình cũng bình thường như mọi người mà việc đại tiện lại khó khăn đến vậy (phân ra từ âm đạo). Nhưng vì con gái và gia đình, tôi phải tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Nhờ bác sĩ Lê Đức Tuấn động viên, hết mình cứu chữa, căn bệnh kinh niên của tôi được điều trị thành công" - chị Lý Bích Vân (32 tuổi, ngụ quận 11, TP.HCM) chia sẻ.

Kiệt sức nhưng không bỏ cuộc

Từ khi sinh ra, phần ruột của chị Lý Bích Vân dài hơn bình thường, khiến việc đại tiện vô cùng khó khăn. Dù đã chữa trị nhiều nơi, tốn nhiều thời gian, tiền bạc nhưng bệnh lại càng trầm trọng. Từ đó, chị rơi vào trầm cảm, không tin tưởng bất kỳ phương pháp chữa trị nào.

Chị Vân nhớ lại khoảng thời gian mang thai đứa con gái đầu lòng vào năm 2015, chị ăn rất ít, chủ yếu là uống sữa qua ngày. Một phần là chị ăn không nổi, phần còn lại chị nghĩ rằng ăn ít sẽ hạn chế việc đi đại tiện. Khi thai được 8 tháng tuổi, chị Vân không thể đi đại tiện.

Bụng trương khiến thai nhi ngộp, tim thai ngừng. Tức tốc, các bác sĩ mổ lấy thai để bảo vệ tính mạng cả mẹ và bé. Sau sinh, đại tràng của chị Vân lại tiếp tục phình, phải uống thuốc hỗ trợ suốt một năm vì không thể phẫu thuật sau sinh.

Từ đầu năm 2017 đến cuối năm 2018, chị Vân phải trải qua gần 10 lần phẫu thuật tại một số bệnh viện ở TP.HCM. Trong đó có đến ba lần mổ cắt nối đại tràng, hai lần mổ đưa ruột ra da làm hậu môn nhân tạo và hai lần mổ đóng lại hậu môn nhân tạo.

Tuy nhiên sau phẫu thuật, tình trạng đại tiện vẫn không cải thiện, hơn nữa chị Vân còn phát hiện có phân trong âm đạo. Từ đó chị không còn đại tiện được bằng đường hậu môn và phải mang tã thường xuyên do phân đi ra qua âm đạo không kiểm soát.

Hành trình chữa bệnh quá trắc trở đã làm chị Vân kiệt sức, không còn nghị lực để tiếp tục chữa bệnh. Nằm trên giường bệnh với phác đồ điều trị dang dở, chị Vân định bỏ cuộc, để bệnh tới đâu hay tới đó.

"Lúc ấy, tôi nhờ chị ruột nuôi giúp đứa con của mình. Chị ấy bảo chị sẵn sàng giúp để tôi chuyên tâm điều trị. Nhìn con gái và người thân khóc, tôi nghĩ mình cần dũng cảm hơn vì con gái và gia đình cần tôi" - chị Vân nhớ lại thời khắc thay đổi quyết định.

Một cuộc đời mới không còn mặc cảm

BS Lê Đức Tuấn (khoa ngoại tổng quát Bệnh viện FV) - người trực tiếp điều trị cho chị Vân - cho biết trước đó vào tháng 4-2019, bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng âm đạo viêm nhiễm rất nặng, người gầy guộc, xanh xao. Đáng lo ngại nhất là tâm lý bệnh nhân không ổn định, mất niềm tin với tất cả các phương pháp cứu chữa.

Qua thăm khám, chị Vân được chẩn đoán hẹp miệng nối trực tràng và rò trực tràng - âm đạo. Trước tư vấn của BS Tuấn rằng phác đồ điều trị cần trải qua nhiều lần mổ, tốn nhiều thời gian nhưng tỉ lệ thành công không đảm bảo tuyệt đối, chị Vân và gia đình từ chối điều trị. Tuy nhiên, chính sự tận tâm tư vấn kế hoạch điều trị của BS Tuấn sau đó đã giúp chị Vân và gia đình đồng ý.

"Vì bệnh nhân đã nhiều lần chữa trị thất bại nên khi tìm đến chúng tôi, họ muốn phải chữa thành công. Khi đó, vùng kín bệnh nhân viêm nhiễm rất nặng. Đây là thử thách vô cùng lớn nhưng tôi không được thất bại trong ca phẫu thuật này" - BS Tuấn nói.

BS Tuấn cho hay trong bước đầu phác đồ điều trị, chị Vân được nong chỗ hẹp miệng nối đại tràng, trực tràng định kỳ mỗi tuần một lần. Thế nhưng mỗi lần nong, chỗ hẹp chỉ giãn chưa đến 1mm và lần nong kế tiếp vẫn còn hẹp.

Sau 4 tháng kiên nhẫn, chỗ hẹp đã giãn đủ rộng, thích hợp để tiến hành phẫu thuật hậu môn nhân tạo và chuẩn bị cho việc vá chỗ rò bằng phương pháp Martius Flap, cụ thể là dùng vạt mô mỡ tự thân ở môi lớn có cuống mạch máu nuôi chuyển vào vùng bị khuyết mô gây rò. Vạt mô này sẽ tiếp tục tự phát triển và lấp đầy.

Đây là ưu điểm mà mảnh ghép nhân tạo không thể có được. Phương pháp này lại khiến chị Vân ám ảnh vì phải tiếp tục mang túi phân bên mình. Chị đề nghị không làm hậu môn nhân tạo, nếu bị rò thì chị đồng ý mổ lại. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, BS Tuấn thuyết phục bệnh nhân đeo hậu môn nhân tạo trong thời gian ngắn và chị Vân dũng cảm đồng ý.

Đến cuối tháng 8-2019, ca mổ diễn ra thành công ngoài mong đợi. Kỹ thuật lấy mô mỡ ở môi lớn và bảo tồn nguyên vẹn cuống mạch máu để nuôi sống mô mỡ này là điểm then chốt và là một thách thức rất lớn cho êkip mổ.

Chỉ cần một động tác sai, làm đứt cuống mạch máu nuôi chưa đầy 1mm đường kính này là tất cả những cố gắng sẽ đổ sông đổ biển, xảy ra nhiễm trùng, nguy cơ bệnh nhân tử vong rất cao.

Ngoài thành công về mặt y khoa thì thẩm mỹ cũng là yếu tố quan trọng trong điều trị bệnh lý này vì nó ảnh hưởng rất nhiều lên tâm lý của bệnh nhân. Trong trường hợp của chị Vân, mô mỡ được lấy đi ở môi lớn cũng đã phát triển trở lại và âm đạo vẫn nguyên vẹn giúp bệnh nhân thoát khỏi gánh nặng tâm lý.

Đến cuối năm 2019, bác sĩ quyết định đóng hậu môn nhân tạo và chị Vân được đi đại tiện bình thường. Sau 5 tháng xuất viện, tình trạng chị Vân tiến triển rất tốt, hiện tượng rò phân hoàn toàn biến mất, xóa bỏ sự tự ti chị đã chịu đựng suốt hơn 30 năm. Giờ đây, chị Vân đã thật sự tìm lại cuộc sống mới của chính mình.

Phẫu thuật phức tạp

Bác sĩ Tuấn cho biết bệnh lý rò trực tràng - âm đạo không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, công việc, "chuyện" vợ chồng mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bởi vì nguy cơ viêm nhiễm cơ quan sinh dục sinh sản nếu tình trạng này diễn biến kéo dài. Phẫu thuật điều trị bệnh rò trực tràng - âm đạo rất phức tạp, nhiều người đã phải đối mặt với nguy cơ phẫu thuật lặp đi lặp lại nhiều lần, thậm chí nếu không thành công thì phải mang hậu môn nhân tạo suốt đời.

Chuyên gia hướng dẫn phòng và trị Chuyên gia hướng dẫn phòng và trị 'bệnh khó nói'

Bệnh trĩ đang được coi là bệnh thời đại, gặp ở cả nam và nữ, trẻ tuổi và lớn tuổi do thói quen ăn uống ít chất xơ, ít vận động thể lực. Hay gặp, nhưng bệnh tế nhị nên nhiều người e ngại, cứ âm thầm chịu đựng mà không biết có thể trị dễ dàng.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên