Cảng Tanjung Priok, cảng biển nhộn nhịp nhất của Indonesia - Ảnh: REUTERS
"Một cuộc suy thoái đang đến"
Các nhà kinh tế dự báo EU sẽ đối mặt với mùa đông khốc liệt sắp tới. Lạm phát gia tăng trên toàn khối và khủng hoảng năng lượng do chiến sự Ukraine khiến chi tiêu của người dân và doanh nghiệp tăng cao.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt có khả năng sẽ làm giảm tiêu dùng. Hầu hết các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế châu Âu sẽ suy giảm trong năm nay, trong đó Ngân hàng JPMorgan Chase dự đoán nền kinh tế khu vực dùng đồng euro sẽ giảm 2% trong quý 4.
"Một cuộc suy thoái đang đến", tạp chí The Economist giật tít vào tuần trước.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 từ 3,6% xuống 3,2% và 2,9% cho năm 2023.
Vào tháng 7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã sửa đổi dự báo tăng trưởng GDP với khu vực đang phát triển ở châu Á, bao gồm phần lớn các nước Đông Nam Á, giảm từ 5,2% xuống còn 4,6% vào năm 2022 và từ 5,3% xuống 5,2% vào năm 2023.
Đối với các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), suy thoái ở EU đồng nghĩa với cả rủi ro và cơ hội.
Bà Tamara Henderson, nhà kinh tế ASEAN của Bloomberg, cho biết suy thoái của EU sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến xuất khẩu hàng hóa, du lịch và đầu tư của Đông Nam Á.
Theo số liệu của EU, các nước ASEAN xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá khoảng 136 tỉ euro sang EU trong năm 2021, tăng từ 120 tỉ euro của một năm trước. Còn theo số liệu thống kê của ASEAN, các quốc gia EU chiếm khoảng 15% tổng vốn đầu tư vào khu vực này năm ngoái.
Khách du lịch châu Âu chỉ chiếm 5% tổng số du khách đến khối ASEAN vào năm 2019, thời điểm đại dịch. Nhưng du khách châu Âu có xu hướng chi tiêu nhiều hơn so với khách du lịch từ các nước Đông Nam Á khác hoặc từ Trung Quốc.
ASEAN và EU ngày càng gắn kết với nhau về mặt kinh tế - Ảnh: AFP
Một số nước Đông Nam Á có thể hưởng lợi
James Villafuerte - nhà kinh tế cấp cao của ADB - chỉ ra rằng tác động của suy thoái sẽ khác nhau theo từng quốc gia. Theo số liệu của EU, khối này đã mua 1/5 lượng hàng xuất khẩu của Campuchia trong năm ngoái nhưng chỉ mua 9% lượng hàng xuất khẩu của Indonesia.
EU chiếm khoảng 11% xuất khẩu của Việt Nam và khoảng 10% của Malaysia. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng gần 45% trong nửa đầu năm nay, so với cùng kỳ năm 2021, theo số liệu của Chính phủ Việt Nam.
Các nhà phân tích nói với Đài DW của Đức rằng suy thoái ở EU sẽ không khiến các nền kinh tế Đông Nam Á gặp khó khăn, nhưng chắc chắn sẽ làm suy yếu các ngành công nghiệp chủ chốt, nhất là khi ASEAN đang tăng trưởng sau đại dịch.
Tình hình sẽ tệ hơn nếu kinh tế Mỹ cũng suy thoái vào cuối năm nay và kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu, đặc biệt nếu chính sách "Zero-COVID" vẫn được áp dụng.
"Suy thoái ở EU chắc chắn sẽ gây hại cho xuất khẩu của ASEAN sang khối này nhưng có khả năng không ảnh hưởng đáng kể về tăng trưởng xuất khẩu nói chung", Miguel Chanco - nhà kinh tế châu Á tại hãng tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics (Anh) - cho biết.
Trong khi đó, ASEAN không phụ thuộc vào nhập khẩu từ lục địa già, vốn chỉ nhập lượng hàng hóa trị giá 80 tỉ euro cho toàn khu vực ASEAN vào năm ngoái, chưa bằng 1/5 nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mặt khác, một số nước Đông Nam Á thậm chí có thể hưởng lợi từ những thách thức của EU. Indonesia là nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới và xuất khẩu năng lượng của nước này sẽ tăng cao trong mùa đông tới, trong trường hợp cuộc chiến giữa Ukraine và Nga vẫn chưa có lối ra.
Indonesia cũng là nước xuất khẩu than lớn, dù nước này đã cấm xuất khẩu than để bảo vệ nguồn cung trong nước. Lệnh cấm này có thể thay đổi vào cuối năm, nhất là sau khi EU áp đặt lệnh cấm nhập khẩu than của Nga.
Ông Filippo Bortoletti - giám đốc quốc gia phụ trách Việt Nam của Công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates - lưu ý rằng suy thoái kinh tế của EU thậm chí có thể khiến nhiều doanh nghiệp từ khối này cân nhắc đầu tư và chuyển đến Đông Nam Á.
"Các thương hiệu châu Âu có thể tìm thấy thị trường và cơ hội phát triển mới bằng cách đầu tư vào một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận