21/05/2015 08:25 GMT+7

Suy đoán vô tội là nguyên tắc cơ bản

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - “Mọi hoài nghi về tội của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thể làm sáng tỏ theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì phải xử lý theo hướng có lợi cho họ”.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: Việt Dũng

Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã khẳng định như trên khi trình Quốc hội dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) chiều 20-5.

Dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới so với trước: giảm bảy tội danh có mức án tử hình, kinh doanh trái phép không coi là tội hình sự...

Hỏi cung phải ghi âm, ghi hình

Liên quan đến quyền bào chữa, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết ngoài ba chủ thể có quyền bào chữa như hiện hành, bổ sung thêm người bị bắt cũng được bảo đảm quyền bào chữa và ghi nhận đầy đủ quyền, nghĩa vụ tố tụng của người này.

Đặc biệt, dự luật quy định rõ nguyên tắc: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

“Ngoài quy định phải lập biên bản như hiện nay, cần quy định bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can nhằm phản ánh trung thực quá trình hỏi cung, hạn chế tối đa các trường hợp bức cung, nhục hình.

Đồng thời, đây chính là một trong những căn cứ quan trọng để bảo vệ các cán bộ tư pháp đã tiến hành tố tụng đúng pháp luật” - ông Bình cho biết.

Vẫn theo ông Nguyễn Hòa Bình, dự thảo có những quy định mới rất quan trọng như: ngoài cơ quan tố tụng có quyền thu thập chứng cứ như hiện nay, bổ sung người bị buộc tội và người bào chữa có quyền thu thập, cung cấp chứng cứ;

Quy định người bào chữa có quyền đánh giá chứng cứ do cơ quan tố tụng thu thập; bị can, bị cáo có quyền yêu cầu tòa án thu thập bổ sung chứng cứ nếu đã yêu cầu ở giai đoạn điều tra, truy tố mà không được chấp nhận;

Đổi mới trình tự và trách nhiệm xét hỏi theo hướng việc xét hỏi trước tiên phải thuộc về cơ quan buộc tội; bị cáo có quyền trực tiếp đặt câu hỏi với bị hại, người làm chứng nếu được chủ tọa đồng ý thay vì chỉ có quyền đề nghị chủ tọa hỏi như hiện nay...

Chiều 20-5, trình bày tờ trình dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết quan điểm của Chính phủ là đề nghị bỏ bảy tội danh có hình phạt tử hình, riêng đối với các tội về tham nhũng thì giữ nguyên mức hình phạt này.

Giảm tội danh có mức án tử hình

Trước đó, trình Quốc hội dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi), ông Hà Hùng Cường khẳng định việc “giảm tử hình là một chủ trương lớn của Đảng được thể hiện trong các nghị quyết về cải cách tư pháp và trong thực tiễn lập pháp hình sự nước ta”.  

Theo đó, Chính phủ đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với bảy tội trong số 22 tội danh có quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự hiện hành.

Đó là các tội: cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Riêng với nhóm tội tham nhũng, quan điểm của Chính phủ là: “Hiện nay chúng ta đang nỗ lực đấu tranh không khoan nhượng tệ nạn tham nhũng. Nhiều biện pháp đã được ban hành nhưng chưa có hiệu quả.

Việc đặt vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ - hai tội phạm tham nhũng đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất - là chưa phù hợp, sẽ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với các quan chức tham nhũng”.

“Ngoài ra, đối với các tội danh chưa bỏ tử hình, dự thảo bộ luật cũng bổ sung quy định về việc áp dụng tù chung thân không giảm án đối với trường hợp người bị kết án tử hình được Chủ tịch nước ân giảm xuống tù chung thân nhằm bảo đảm rằng những người này được giữ lại mạng sống nhưng bị cách ly hoàn toàn và vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội” - ông Cường cho hay.

Một trong những điểm đáng chú ý khác trong dự thảo trình Quốc hội là việc phi tội phạm hóa đối với hai tội, gồm: kinh doanh trái phép và tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế.

Đồng thời, cụ thể hóa và bổ sung thêm các tội danh liên quan đến hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể để thay thế cho tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng ngày, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình trình Quốc hội dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi).

Các đạo luật trên đều hết sức quan trọng, có số lượng điều khoản nhiều, phạm vi sửa đổi rộng, tác động lớn đến đời sống xã hội, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian để thảo luận trong thời gian tới.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên