Phóng to |
Ông Ngọc với quả chuông bom K500 - Ảnh: N.Hậu |
Đầu tiên, đập vào mắt chúng tôi là một quả bom được treo lủng lẳng trên giá, đó là vỏ quả bom K500 LBS còn nguyên đã được lấy thuốc nổ và toàn bộ thiết bị. “Điều đặc biệt của quả bom đó là khi gõ vào nó phát ra tiếng vang ngân nga kéo dài như tiếng chuông đồng. Trong tất cả vỏ quả bom tôi từng tiếp xúc, chưa có vỏ bom nào tạo tiếng chuông ngân như vậy. Đây là loại chuông bom quý giá của tôi” - ông Ngọc nói.
Bên cạnh K500 lbs là những quả tên lửa DKP của Nga, cánh quạt máy bay trực thăng VH của Mỹ, pháo 175 li được ví là “vua chiến trường” của Mỹ, nhiều loại súng ống và các ngòi nổ của bom bi, M16A1 của Mỹ, MB-5 của Nga, mìn KP2 của Trung Quốc, mìn K58, KPM82... Xế bên góc phòng khác là một máy ảnh từng dùng chụp hình trận chiến 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội được một chuyên gia phòng không học ở Nga tặng, nằm cạnh đó là một chiếc bóng bán dẫn của tên lửa Sao Mai.
Ngoài vũ khí chiến tranh, ông sưu tầm các quân trang quân dụng và hệ thống thông tin liên lạc, trinh sát... của Đức, Nga, Mỹ trong thời chiến. “Bảo tàng” của ông cũng lưu giữ quân trang quân dụng, chén muỗng, biđông nước của các chiến sĩ bộ đội ta và cả của lính Mỹ và lính chế độ cũ.
Trong bộ sưu tập của ông, đáng chú ý là các bộ tác phẩm nghệ thuật từ vũ khí mà ông rất trân trọng giữ gìn như báu vật và có tên gọi hẳn hoi. Điển hình như bộ “Hoa của chiến tranh” là một đầu pháo 105 li đã nổ có vỏ xòe ra như những cánh hoa rồi đính một trái đạn M79 lên làm nhụy hoa. Hay bộ “Vũ điệu” là trái đạn B40 bắn vào xe tăng phát nổ mà vỏ của nó tua ra như những người phụ nữ đang múa, được mang từ chiến trường Campuchia về.
Trong số kỷ vật, hiện vật được lưu giữ, ông Ngọc quý nhất là những cuốn sổ ghi chép của đại đội trưởng quân giải phóng Nguyễn Xuân Luyến, quê xã Nam Quan, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Hà (nay là tỉnh Nam Định). Tài liệu bao gồm hai cuốn sổ ghi chép các bộ mật mã sử dụng trong thông tin liên lạc; một tập thống kê quân số và khí tài của đơn vị trong năm 1969; một tập giấy ghi bài học và các quy định về công tác Đảng như mười nhiệm vụ đảng viên, đạo đức cách mạng... Cuối tháng 7, kỷ vật của đại đội trưởng Luyến đã quay về với chủ cũ sau hơn 40 năm thất lạc lúc ông này đã hơn 80 tuổi.
Rất nhiều cựu binh Mỹ tìm đến nhà ông để xem các kỷ vật chiến tranh. Năm 2011, một thẩm phán người Mỹ là cựu binh hết sức bất ngờ khi thấy được tấm thẻ bài của mình trong bộ sưu tập của ông Ngọc.
“Những hiện vật của tôi không thể tính bằng tiền vì trong đó là tâm huyết sưu tầm mấy chục năm của mình. Khi về hưu, khu vực nhà tôi sẽ mở nhà trưng bày miễn phí” - ông Ngọc nói.
Trong nhà ông, hầu như chỗ nào cũng có tủ đựng các kỷ vật chiến tranh sưu tầm được. Tổng cộng ông có hơn 4.000 hiện vật được trưng bày trong 68 tủ gỗ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận