Phóng to |
Nụ cười từ bóng đá “sạch” - ước muốn của các ông bầu - Ảnh: S.H. |
Đây là cái nhìn của họ về Super League VN:
* Ông VÕ QUỐC THẮNG (chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An):
Tôi ghét thứ bóng đá gian dối và lừa gạt khán giả nên rất ủng hộ ý tưởng thành lập giải đấu Super League VN của anh Kiên. Theo đó, sẽ thuê trọng tài nước ngoài điều hành giải đấu này. 7-8 đội đá với nhau có thể có ít trận đấu nhưng nó là giải đấu trong sạch. Tôi nghĩ nếu VFF không thay đổi cách làm của mình, chúng tôi sẽ đứng ra thành lập giải đấu như thế. Với những gì đã thể hiện trong mùa giải vừa qua, nếu không làm cuộc cách mạng, bóng đá VN sẽ còn rất lâu mới bắt kịp với trình độ châu Á.
* Ông VÕ ĐỒNG LẬP (giám đốc điều hành CLB Kienlongbank Kiên Giang):
Ý tưởng thành lập một giải đấu mới mà anh Kiên đại diện cho những ông bầu làm bóng đá khác cho thấy các anh ấy rất bức xúc với những tồn tại lẫn cách điều hành giải của VFF. Nó nhắc nhở VFF phải cải tổ bộ máy cho tốt để không phải dẫn đến một số đội bóng “ly khai” tổ chức ra một giải đấu riêng như ý tưởng của anh Kiên. Kienlongbank Kiên Giang vừa giành quyền thăng hạng V-League nên cần phải nghiên cứu thêm để có thể nói rằng có ủng hộ cho ý tưởng thành lập giải đấu Super League VN hay không. Nhưng chúng tôi ủng hộ bóng đá sạch, vì có như thế bóng đá VN mới tiến lên được.
* Ông NGUYỄN VĨNH THỌ (chủ tịch CLB Navibank Sài Gòn):
Mỗi người có một quan điểm về cách làm bóng đá. Do đó, ý kiến của anh Kiên về việc thành lập một giải đấu khác cho phép tôi không bình luận gì. Chúng tôi chỉ mới làm bóng đá được hai mùa giải nên vẫn còn phải học hỏi thêm về kinh nghiệm làm bóng đá. Nhưng bóng đá sạch là điều cần phải được ủng hộ.
* Ông QUỐC HÙNG (giám đốc điều hành Khatoco Khánh Hòa):
Chúng tôi không được mời dự giải này. Nhưng nếu có được mời, chúng tôi cũng không thể tham dự vì giải này không thể và không được phép mang tên giải vô địch quốc gia. Nói cách khác, đó chỉ là ý tưởng để dẫn tới một giải đấu giao hữu quy tụ nhiều đội mạnh của V-League mà thôi.
* Ông ĐOÀN NGUYÊN ĐỨC (chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai):
Hoàng Anh Gia Lai chưa nhận được lời mời tham gia giải đấu này. Tôi sẽ cân nhắc cẩn thận với lời mời ấy (nếu có). Dù vậy, tôi cho rằng thật khó mà xem đó là giải đấu mang tầm cỡ quốc gia hay đại diện cho một giải vô địch quốc gia.
* Ông NGUYỄN MINH SƠN (chủ tịch CLB Becamex Bình Dương):
Theo tôi, việc tách ra thi đấu Super League VN là không phù hợp bởi nếu muốn, chúng tôi có thể nâng tầm Cúp truyền hình Bình Dương lên cao hơn, quy tụ nhiều CLB mạnh ở V-League tham dự. Nhưng làm thế thì không giải quyết được việc gì cả.
Chúng ta đang làm bóng đá theo kiểu dùng tiền nhiều để đè đội khác và chỉ nhăm nhăm tới chức vô địch V-League rồi dừng lại. Bằng chứng là lâu nay nhiều đội đã tự “buông” ở AFC Cup. Tại sao không nghĩ phải đưa CLB của mình vươn ra tầm châu lục, cụ thể là Champions League hay AFC Cup, mà chỉ quanh quẩn trong nước. Phát triển thương hiệu, làm nở mặt nở mày bóng đá VN là phải ở nước ngoài chứ nào phải chỉ với V-League.
Giải bóng đá “ly khai” Indonesia Premier League Bất mãn với tình trạng đi xuống của bóng đá nước nhà mà nguyên nhân chính nằm ở sự trì trệ và hoạt động thiếu hiệu quả của LĐBĐ Indonesia (PSSI), lãnh đạo các CLB đã đưa ra sáng kiến thành lập Giải Indonesia Premier League hoạt động hoàn toàn độc lập với PSSI và cạnh tranh với giải Indonesia Super League (giải VĐQG Indonesia do PSSI quản lý và được FIFA công nhận). Indonesia Premier League ra đời với mục tiêu “cải thiện nền bóng đá Indonesia cả về tài chính, chất lượng chuyên môn và tạo môi trường chuyên nghiệp cho các CLB” dưới sự hậu thuẫn về tài chính của tỉ phú dầu mỏ Arifin Panigoro. Mùa giải đầu tiên, Indonesia Premier League 2011 (khởi tranh vào tháng 1 và kết thúc vào tháng 11-2011) có sự tham dự của 19 CLB. Trong đó có ba CLB “ly khai” từ Giải Indonesia Super League. Đáng chú ý trong đó có PSM Makassar - CLB từng nhiều lần thi đấu ở đấu trường AFC Champions League. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận