Anh mất hôm 9-9, lễ truy điệu diễn ra vào sáng nay, hưởng thọ 83 tuổi.
Đã gần 50 năm kể từ ngày tôi gặp anh Mười Hải ở căn cứ Củ Chi. Lúc đó anh là bí thư Khu Đoàn thanh niên. Người bí thư Khu Đoàn thanh niên năm ấy 36 tuổi, nhiệt huyết và sức sống luôn tràn ngập trong nụ cười, lời nói và hành động. Anh Mười là người đã thể hiện rất sắc sảo tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Cục vào thời điểm chúng ta phải chuẩn bị đánh thắng chiến tranh cục bộ của Mỹ.
Mậu Thân 1968, anh thâm nhập nội đô chuẩn bị cho chiến dịch. Nhưng anh bị lộ, bị địch bắt. Anh đã trải qua hơn 5 năm tù, chịu cảnh thừa sống thiếu chết trong chuồng cọp Côn Đảo. Sau giải phóng anh được phân công làm giám đốc Sở Nhà đất. Anh tận tâm lo nhà cửa cho mọi diện chính sách, nhưng cũng không khỏi có tiếng nói ra nói vào. Anh thường tâm sự với bạn bè thân: “Mình làm cách mạng đã nguyện hi sinh, xem cái chết như không. Chẳng lẽ bây giờ lại chết vì vũng nước trâu đằm? Quan trọng nhất là không bao giờ thấy thẹn với lương tâm người cộng sản”.
Anh nghỉ hưu và làm phó chủ tịch thường trực Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố. Qua gần 20 năm lo cho bệnh nhân nghèo, cái đọng lại trong anh là tấm gương trong sáng, hết lòng vì người khác. Anh cùng anh Nguyễn Vĩnh Nghiệp, lúc sinh thời, thường trao đổi trong ban lãnh đạo hội: “Mình làm từ thiện là trả nghĩa cho đồng bào, cho dân tộc đã đùm bọc, bảo dưỡng mình và nuôi nguồn cảm hứng cho mình khi hoạt động cách mạng, cứu nước. Đừng bao giờ nghĩ là mình ban ơn”. Riêng anh thì hay tâm sự với tôi: “Cái quý nhất trong đời là thấy được ánh mắt sáng ngời hạnh phúc trên gương mặt người bệnh nghèo. Đó là điều không dễ gì làm nên được một sớm một chiều đối với một hội từ thiện”.
Anh Mười Hải đã nằm xuống nhưng tấm lòng luôn nghĩ đến người khác, hết lòng vì bạn bè, đồng chí, đồng đội và nhất là vì đồng bào nghèo. Với nhiều người, anh vẫn mãi là tấm gương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận