Nôm na thì Brain Fog như thể một thoáng bộ não của bạn ngang xương “bỏ việc”.
Mơ mơ hồ hồ
Brain fog, như cái tên, tựa như màn sương phủ lên sự mơ hồ cho những gì mà bạn sắp thực hiện, bạn biết nhưng không thể nhớ ra đó là gì. Màn “hơi nước” này còn làm mờ cả sự diễn đạt suy nghĩ của bạn, cả khi bạn có một kho ngôn từ “thiên kinh vạn quyển” trong đầu.
Lãng chứ không lẫn
Xin trấn an ngay, dù đầy vẻ hứa hẹn một ca lú lẩn hay alzheimer tương lai nhưng “sương mù não” không đáng sợ đến vậy. Mọi thứ cơ bản vẫn ổn, chỉ là bạn hơi... mất thời gian hơn trong việc xử lý tâm trí của mình.
Bức tranh Brain Fog
Phác họa Brain Fog dễ hình dung là thế này: bạn thi thoảng ra khỏi nhà và bóp ổ khóa lại mới nhớ chìa khóa vẫn còn nằm bên trong. Bạn gặp lại người quen nhưng không tài nào nhớ ra là ai. Bạn làm rơi ví tiền nhưng không thể truy vết lại được hành trình để tìm lại. Tệ hơn hết, bạn thậm chí quên béng những gì mới “ba điều bốn chuyện” với bạn bè cách đó ít phút...
Chẩn đoán phân biệt
Thật ra, thứ đoán phân biệt từ đầu “sương mù trí não” với bệnh lú lẫn, mất trí nhớ của các cụ là tuổi tác.
Bị ai đó mắng “còn trẻ mà đầu óc để đâu đâu”, chẳng khác là lời chẩn đoán Brain Fog dành cho bạn. Thêm nữa “sương mù não” khác với lỗi thần hồn nát thần tính quen thuộc. Chẳng hạn, bạn vừa buôn điện thoại vừa lướt “phây” thì việc bạn chẳng nhớ nổi đầu dây bên kia nói gì là do bạn xén nửa tâm trí cho cả hai việc, trong khi Brain Fog thì không cần phải thế.
Thứ gì khiến trí não “sương khói mờ nhân ảnh”?
Mơ hồ như chính nó, người ta không rõ thứ gì thực sự gây ra Brain Fog. Vòng vo vẫn là mấy nghi phạm quen thuộc stress (cortisol), thiếu ngủ, mất nước, biến động nội tiết (kinh nguyệt, mang thai), chế độ ăn (carb thấp, thiếu chất béo, vitamin B12...), trầm cảm, tiểu đường, migraine, vấn đề tuyến giáp, và đặc biệt môi trường ô nhiễm (hóa chất, bụi mịn...). Ngẫu nhiên bụi mịn gây sương mù độc ngoài trời cũng chính là tác giả của “sương mù não”!
Brain Fog hậu... Covid-19
Thời sự có thông tin một ngôi sao Hollywood sau khi khỏi Covid-19 lại mắc hội chứng “sương mù não”. Thật ra, Brain Fog còn xuất hiện ở nhiều ca bệnh, chẳng hạn viêm gan siêu vi...
Làm thế nào đẩy lùi “sương mù não”?
Brain Fog thường thoáng qua nhưng dai dẳng và không nguy hiểm, nhưng khó tránh gây phiền hà, nhất là khi người ta trẻ. Không phải là bệnh nên người ta chỉ dùng từ “đẩy lùi” thay vì “chữa trị” Brain Fog. Mấy “chiêu thức” sau có thể giúp bạn đối phó với sương mù não:
- Chế độ ăn “Địa Trung Hải” luôn được nhắc đến đầu bảng trong các cố gắng lấy lại “trời quang mây tạnh” cho trí não. Cái tên thể hiện chủ đề, hạt nhân là cá biển kèm rau quả, chất béo lành mạnh, hạn chế đồ ngọt và thịt đỏ (carb thấp, giàu omega-3, vitamin B12, chất chống oxy hóa, protein).
Người ăn theo menu Địa Trung Hải thường đạt số điểm cao trong các bài kiểm tra trí nhớ và sự chú ý.
- Uống đủ nước, ngủ đủ giấc, kể cả ngủ trưa, vận động thể chất đều đặn, sử dụng tinh dầu thiên nhiên... là những “bài” rất căn cơ để “trấn” chứng sương mù não.
Đừng chủ quan với sương mù não!
Tinh thần là sương mù não không nguy hiểm, thể hiện như một thoáng lơ đễnh, chểnh mảng của tâm trí thì có gì phải được đặt thành vấn đề?
Coi vậy mà không phải vậy. Thứ nhất, Brain Fog không thật sự đã dọa bạn, nhưng nếu chúng xảy ra thường xuyên với bạn, có nghĩa bạn đang dính sâu vào một mối nguy cơ, chẳng hạn bụi mịn, và “sương mù não” lúc này như hồi chuông sớm hơn nhiều các bệnh trạng hô hấp, thúc bách bạn tránh xa đám bụi nanomet này.
Thứ hai, tiếng là Brain Fog thi thoảng mới làm bạn “đầu óc đâu đâu”, nhưng hoàn toàn có thể đánh hỏng... cuộc đời bạn. Bạn có nghĩ sếp của bạn tin bạn đang bị “sương mù não”, hay cho rằng bạn chẳng coi ra gờram gì về lời giao việc cho bạn còn chưa ráo mực trước đó?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận