18/04/2013 15:41 GMT+7

Sừng tê giác đắt đỏ nhưng không phải cứu tinh của bệnh ung thư

TTO thực hiện
TTO thực hiện

TTO - Muốn tránh bệnh ung thư, cần đi khám định kỳ ngay khi không thấy biểu hiện bệnh tật gì - đó là lời dặn của BS chuyên khoa ung bướu dành cho bạn đọc trong chương trình tư vấn trực tuyến "Làm thế nào phòng chống ung thư hiệu quả" do Tuổi Trẻ online tổ chức chiều 18-4.

7Hb9XVFO.jpgPhóng to
Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh trả lời các câu hỏi của bạn đọc tại buổi giao lưu trực tuyến - Ảnh: Thanh Đạm

Khách mời buổi tư vấn gồm

- Bác sĩ Lưu Văn Minh - Trưởng khoa xạ 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh - Phó khoa ngoại 4 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM

NỘI DUNG GIAO LƯU:

* Xin hỏi ở TP.HCM, nếu tôi muốn tầm soát ung thư thì nên đến bệnh viện nào? Nói ra sao để khám? Vì nhiều khi giai đoạn đầu, bệnh ung thư không có triệu chứng rõ ràng, khám sợ không phát hiện ra sớm được. (Lan Nhu, 25 tuổi, Nva_07e@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh - Phó khoa Ngoại 4 BV Ung bướu TP.HCM:

Nếu muốn tầm soát ung thư, bạn nên đến bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Bệnh viện Ung bướu có khoa tầm soát ung thư và bạn nên đi khám định kỳ cho dù chưa có triệu chứng gì.

* Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam còn rất kém. Có nhiều vụ dùng chất cấm trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản. Các quán ăn, nhà hàng cũng dùng nhiều chất cấm, thực phẩm kém chất lượng. Tuy nhiên, số trường hợp vi phạm bị phát giác là rất nhỏ. Đây có phải là 1 trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng bệnh ung thư tăng cao? Cách phòng tránh như thế nào trong khi tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra ở khắp mọi nơi? (Nam Lê, 17 tuổi, lhnam94@...)

- Bác sĩ Lưu Văn Minh - Trưởng khoa Xạ 2 BV Ung bướu TP.HCM: Hiện nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu không chỉ của người dân mà còn là của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể như: Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn…

K84U4ruR.jpgPhóng toBác sĩ Lưu Văn Minh - Trưởng khoa xạ 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tham gia giao lưu trực tuyến - Ảnh: Thanh Đạm

Các cơ quan chức năng đã ban hành những quy chế bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt và cụ thể. Tuy nhiên trong thực tế đúng như bạn hỏi việc sử dụng các chất phụ gia, bảo quản ngoài quy định còn phổ biến. Những chất này đôi lúc có tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, trong đó không tránh khỏi có những chất có khả năng gây ung thư. <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Để phòng tránh tình trạng nêu trên và giữ gìn sức khỏe cho gia đình và bản thân, chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng những thực phẩm đã được kiểm định bởi các cơ quan chức năng (ví dụ: rau an toàn, thực phẩm sử dụng các chất phụ gia được cấp phép…)

* Bệnh nhân ung thư vú sau điều trị nên ăn những thực phẩm nào để phòng chống tái phát? Rau diếp cá có nên ăn không? Tôi đọc báo thấy nói đường, sữa nuôi tế bào ung thư vậy sữa prosure có nên uống lâu dài? (Nguyễn Thị Huyền, 43 tuổi, teresahuyen70@...)

Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Chế độ ăn để phòng ngừa ung thư được khuyến cáo là ăn chay, nhiều rau cải, trái cây, hạt, đậu, hạn chế thịt đỏ, sản phẩm từ sữa, mỡ động vật, đường số lượng nhiều.

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Chế độ ăn để phòng ngừa ung thư được khuyến cáo là ăn chay, nhiều rau cải, trái cây, hạt, đậu, hạn chế thịt đỏ, sản phẩm từ sữa, mỡ động vật, đường số lượng nhiều. Có thể dùng rau diếp cá, tuy nhiên chưa thấy bằng chứng rau diếp cá phòng ngừa hay trị bệnh ung thư. Sữa Prosure chỉ nên uống trong thời kỳ dưỡng bệnh hay hồi sức, còn khi đã ổn định, ăn uống bình thường thì không cần thiết phải dùng nữa.

* Có phải hiện tượng thường xuyên viêm ở một vị trí nào đó sẽ dễ dẫn đến ung thư hay không? Em rất hay bị viêm họng, trung bình 2 lần/tháng. (Lê Tự Thức, 25 tuổi, thucthql@...)

- Bác sĩ Lưu Văn Minh: Viêm là một hiện tượng bệnh lý cơ thể phản ứng để kháng lại với tác nhân gây bệnh bên ngoài (ví dụ: vi trùng, siêu vi trùng hoặc là những tác nhân lý hóa khác). Như vậy, viêm không là nguyên nhân gây ra ung thư dù bất cứ cơ quan nào.

Bạn hay bị viêm họng cũng là một bệnh thường gặp trong cộng đồng, vì thế không cần phải quá lo lắng về bệnh có thể dẫn đến ung thư. Việc cần thiết là nên vệ sinh vùng họng, miệng thật tốt để tránh bệnh trở thành mãn tính (ví dụ: vệ sinh răng miệng bằng những dung dịch sát khuẩn có trên thị trường nhiều lần trong ngày, đeo khẩu trang khi đi đường…)

* Mẹ tôi bị ung thư vú đã mổ cách đây 12 năm. Thời gian đầu sau khi mổ mẹ tôi cũng thường xuyên đi tái khám nhưng khoảng 4 năm trở lại đây bà không chịu đi khám nữa. Hiện tại bà đang bình thường. Vậy mẹ tôi đã khỏi bệnh chưa và bệnh có khả năng tái phát không? Khả năng tái phát là bao nhiêu % và mức độ có khó chữa hơn trước không?(Thanh Que, 39 tuổi, thanhque_75@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Khi bệnh nhân bị ung thư, sau khi kết thúc điều trị vẫn phải theo dõi tái khám định kỳ ít nhất 1 lần 1 năm. Tuy nhiên khoảng thời gian 12 năm cho thấy bệnh đã ổn định và khả năng tái phát, di căn là rất thấp. Bạn nên khuyên mẹ đi khám lại định kỳ ở bệnh viện Ung bướu, nếu bệnh có tái phát hay di căn thì tùy theo vị trí và mức độ mới có phác đồ điều trị thích hợp.

ZuQIMMge.jpgPhóng to
BS Huỳnh Hồng Hạnh và BS Lưu Văn Minh trao đổi chuyên môn để tư vấn cho bệnh nhân - Ảnh: Thanh Đạm

* Bệnh nhân ung thư đại tràng đã di căn, hóa trị có thể hy vọng lành hẳn hay không hay chỉ có thể kéo dài sự sống cho bệnh nhân thêm vài tháng, vài năm? (Đặng Ngọc Trân, 44 tuổi, dangtran1888@...)

- Bác sĩ Lưu Văn Minh: Ung thư đại tràng còn gọi là ung thư ruột già. Việc điều trị ung đại tràng thường được kết hợp nhiều phương pháp hay còn gọi là vũ khí điều trị như phẫu trị, hóa trị hoặc xạ trị. Việc sử dụng loại vũ khí điều trị nào tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh, tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân.

Khi ung thư đại tràng đã có di căn có nghĩa là bệnh không còn khu trú tại ruột mà đã lan qua cơ quan khác, vì thế bác sĩ sẽ chọn phương pháp hóa trị toàn thân là phù hợp với tình trạng bệnh của bạn. Ngày nay khoa học có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực hóa trị và nhiều loại thuốc mới đã được đưa vào sử dụng.

Như vậy, hóa trị trong trường hợp của bạn vẫn có thể cho những kết quả rất tốt. Chúng tôi khuyên bạn nên tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ đang điều trị cho bạn.

* Mẹ em bị ung thư vú giai đoạn 2 và đã hóa trị, xạ trị, vậy có thể uống nấm linh chi được không? Sau khi hóa trị, xạ trị mẹ em vẫn đi làm bình thường, vậy có được không? (Nguyễn Thị Chín, 26 tuổi, hongtham2212@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Nấm linh chi hiện tại chưa có tài liệu chứng tỏ hiệu quả đối với điều trị ung thư. Sau khi kết thúc điều trị, bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường, không ảnh hưởng gì đến khả năng tái phát di căn. Tuy nhiên có một số khuyến cáo đối với từng loại phẫu thuật như sau: phẫu thuật đoạn nhũ, nạo hạch nách, bệnh nhân không được xách nặng quá 5kg đối với tay bên bệnh, không lấy máu, đo huyết áp, cố gắng giữ không bị trầy xước. Nếu may vá thì phải mang dụng cụ bảo vệ đầu ngón tay, không chạy xe gắn máy đường dài...

* Tôi được biết khám sức khỏe định kỳ rất quan trọng để phát hiện sớm ung thư. Xin hỏi khi khám sức khỏe cần làm các xét nghiệm gì, khám các hạng mục gì có liên quan để phát hiện sớm ung thư cho nam và nữ? (Đỗ Thị Hà, 45 tuổi, doha2406@...)

- Bác sĩ Lưu Văn Minh: Đúng như bạn nói việc khám sức khỏe định kỳ rất quan trọng để phát hiện sớm các bệnh ung thư.

Đối với nam giới, khi khám sức khỏe định kỳ các bác sĩ thăm khám và cho làm một số xét nghiệm tầm soát các bệnh ung thư phổ biến như: thử máu để xem có gì bất thường, chụp X-quang phổi để tầm soát ung thư phổi, thăm khám trực tràng để tầm soát ung thư vùng đại trực tràng, tiền liệt tuyến…

Đối với nữ giới thì việc khám phụ khoa định kỳ làm phết tế bào cổ tử cung âm đạo (còn gọi là Pap’s smear) để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung; siêu âm hoặc chụp nhũ ảnh để tầm soát ung thư vú…

Trên đây là một số bệnh lý ung thư thường gặp ở nam và nữ giới cần phải khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nếu có bệnh.

* Ung thư tụy di căn sang gan có thể chữa được không? (Nguyen Duc Luc, 53 tuổi, LucND@...)

- Bác sĩ Lưu Văn Minh: Ung thư tụy đã di căn qua gan có nghĩa là bệnh đã không còn khu trú tại chỗ. Việc điều trị bao gồm tiêu diệt tế bào ung thư đồng thời giảm nhẹ các biến chứng của bệnh như: đau nhức, biếng ăn… Thường ở giai đoạn này các bác sĩ sẽ sử dụng hóa trị kết hợp với nâng đỡ tổng trạng giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.

* Xin BS cho biết những nguyên nhân chính dẫn đến ung thư là gì? (Nguyễn Tuấn Anh, 25 tuổi, nguyentuananhk07501@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư chưa rõ, có thể liên quan đến đột biến gen. Hiện tại chỉ giới hạn ở mức giảm yếu tố nguy cơ để phòng tránh và phát hiện sớm ung thư mà thôi.

* Thưa bác sĩ, thói quen ăn uống ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ mắc bệnh ung thư? Em 22 tuổi, chưa lập gia đình, có cần phải chích ngừa ung thư tử cung không? (Lê Khánh Huyên, 22 tuổi, huyen.lekhanh@...)

- Bác sĩ Lưu Văn Minh: Việc ăn uống nhầm cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể hoạt động và phát triển. Để phòng tránh bệnh ung thư các chuyên gia khuyên nên sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật, hạn chế nhiều thịt đỏ, chất béo và hạn chế các đồ uống có cồn.

Tránh xa những thực phẩm được bảo quản bởi phụ gia và hóa chất độc hại. Việc chế biến thực phẩm cũng góp phần hạn chế sinh ra những chất trung gian gây ung thư như: tránh dùng cá muối vì có nhiều chất nitrosamine gây ung thư, hạn chế những thực phẩm nướng hoặc chiên dưới nhiệt độ cao sẽ tạo nên những chất trung gian sinh ung thư…

Bạn 22 tuổi, đây là lứa tuổi rất tốt để chích ngừa vắcxin ngừa HPV gây ung thư cổ tử cung. Bạn có thể đến bất cứ trung tâm y tế dự phòng quận, huyện nơi bạn đang ở để tiêm chủng.

* Tôi đang sống trong vùng nước nhiễm phèn. Hiện tại, tôi dùng nước để tắm giặt. Xin cho biết trong môi trường sống như vậy có nguy cơ nào gây ung thư hay không? (Phan Minh Tâm, 28 tuổi, tamphan.pu@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Bạn nên lấy mẫu nước mang đến viện Pasteur để xét nghiệm phân chất xem có phù hợp với tiêu chuẩn nước sạch mà Bộ y tế đề ra hay không. Nếu trong mức độ an toàn thì bạn vẫn dùng được.

* Tôi đã cắt phần ung thư thanh quản 1 năm, không phải xạ trị. Đã 5 lần tái khám đều ổn và không thấy dấu hiệu tái phát. Hiện nay giọng nói còn khó nghe, nhỏ và nhiều đờm trong cổ. Tôi xin phác đồ điều trị tiếp theo để tăng cường độ chuẩn, độ lớn âm thanh và cách phòng tránh tái phát trong thời gian tiếp theo. Xin cám ơn. (Trần Ninh, 55 tuổi, tranninh196@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Quá trình hồi phục giọng nói sau phẫu thuật ung thư thanh quản là một quá trình kéo dài và cần sự hợp tác của bệnh nhân. Ở bệnh viện tai mũi họng có khoa thanh học chuyên về huấn luyện giọng nói, bạn có thể liên hệ ở đây hoặc khoa ngoại 3, ngoại 5 của bệnh viện Ung bướu để được giúp đỡ.

Để phòng tránh tái phát, bạn nên đi khám, theo dõi định kỳ và có chế độ ăn, sinh hoạt phù hợp:

- Không hút thuốc

- Chế độ ăn lành mạnh:

- Ăn nhiều rau, trái cây

- Ăn ít chất béo, đặc biệt chất béo nguồn gốc động vật vì sẽ tăng nguy cơ béo phì, gây ung thư.

- Không nên uống rượu, nếu phải uống thì uống rượu ít (không quá 1 lon bia 330ml). Uống rượu nhiều sẽ làm tăng nguy cơ ung thư miệng, ung thư thực quản, hầu thanh quản, ung thư đại trực tràng, ung thư gan, buồng trứng... Càng uống rượu nhiều và đều đặn, càng tăng nguy cơ ung thư.

- Giữ cân nặng vừa phải và tập thể dục. Nên tập thể dục 30 phút/ ngày

- Bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời. Tránh ánh nắng từ 10g sáng đến 4g chiều. Che chắn cơ thể khi phải ra nắng.

- Chích ngừa viêm gan siêu vi B để giảm nguy cơ gây ung thư gan. HPV đối với phụ nữ 26 tuổi trở xuống

- Tránh thói quen có hại, an toàn khi quan hệ tình dục.

- Không dùng chung kim tiêm.

- Khám sức khỏe định kỳ. Tự khám và đi tầm soát định kỳ với một loại ung thư như ung thư da, ung thư ruột già, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư cổ tử cung, ung thư vú,.. để tăng cơ may phát hiện sớm và tăng thành công trong điều trị.

* Trường hợp khi bác sĩ cho tiểu phẫu thì có mấy phần trăm lành tính? Khi bị u vú ác tính có trị hết không? (Tuyết, 27 tuổi, tuyet.cy@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Khi mổ tiểu phẫu xong, bác sĩ luôn luôn thông báo về kết quả lành hay ác. Khi bị u vú ác tính thì tùy theo giai đoạn bệnh để xử lý. Nếu ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi rất cao.

* Làm sao để phát hiện bệnh ung thư cổ tử cung? (Đoàn Thị Thanh Trúc, 33 tuổi, thanhtrucdt80@...)

- Bác sĩ Lưu Văn Minh: ung thư cổ tử cung là bệnh lý thường gặp trong ung thư phụ khoa. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 500.000 trường hợp ung thư cổ tử cung mới được phát hiện. Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 6.000 ca mới. Triệu chứng thường gặp của ung thư cổ tử cung là: xuất huyết âm đạo bất thường sau mãn kinh, sau giao hợp; rong kinh hoặc rong huyết; huyết trắng âm đạo bất thường.

Tuy nhiên khi phát hiện những triệu chứng này đôi lúc bệnh đã ở giai đoạn trễ. Chúng tôi khuyên bạn nên khám phụ khoa định kỳ mỗi năm một lần để các bác sĩ làm phết tế bào cổ tử cung âm đạo. Đây là phương pháp tấm soát phát hiện bệnh ở những giai đoạn sớm nhất và có khả năng trị khỏi 100%.

* Thưa bác sĩ, mẹ tôi bị ung thư vú giai đoạn 1 đã phẫu thuật (bảo tồn vú), hóa trị, xạ trị và đang uống thuốc Novadex 5 năm. Vậy nguy cơ tái phát có cao hơn người đoạn nhũ? Mẹ tôi thường ăn dầu ôliu có tốt không?(Lưu Mỹ Ngọc, 24 tuổi, luungoc2201@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Phẫu thuật bảo tồn cũng như phẫu thuật đoạn nhũ đều an toàn về mặt ung thư và tỉ lệ tái phát như nhau. Dầu oliu tốt cho sức khỏe, mẹ bạn nên hạn chế dùng mỡ động vật.

* Gần đây tôi có nghe liệu pháp ăn kiêng hoặc nhịn ăn để chữa ung thư. Vậy đối với bệnh nhân ung thư nên sống vui vẻ, lạc quan, ăn uống bổ dưỡng để át lại bệnh tật hay phải thực hiện chế độ ăn kiêng ngặt nghèo hoặc nhịn ăn? (Pham Anh, 39 tuổi, pta_nguyen@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Đối với bệnh ung thư, chỉ cần có chế độ ăn và sinh hoạt phù hợp, không cần thiết phải ăn kiêng hay nhịn ăn. Sống lạc quan, vui vẻ rất cần thiết. Những bệnh nhân của chúng tôi ổn định vài chục năm đều là những bệnh nhân lạc quan và có khát vọng sống rất cao, khi đã xác định mục đích sống vì người thân thì sẽ giúp bệnh nhân vượt qua những trở ngại khi điều trị.

* Nếu có nghi ngờ mình bị ung thư thì đến đâu khám để có kết quả chính xác, đáng tin cậy? (Nguyễn Thanh Minh Hằng, 25 tuổi, nguyenhangtdg@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Em nên đến khoa tầm soát ung thư bệnh viện Ung bướu. Ngoài ra hầu hết các bệnh viện đều có nhận tầm soát ung thư.

* Xin cho biết trong nấu nướng có phải nhiệt độ cao có thể tăng nguy cơ gây ung thư từ thức ăn? Thức ăn được ủ lâu ngày hay lên men, như nước mắm, các loại khô mắm, chao, tương hột có làm tăng nguy cơ ung thư không (người Việt sử dụng các thực phẩm này rất nhiều trong bữa ăn).

Tôi nghe nói huyết áp thấp, cũng có thể là tác nhân gây ung thư do máu không thể nuôi đủ tế bào và các tế bào này chuyển thành tế bào ung thư, không biết bác sĩ theo quan điểm chuyên môn, nghĩ sao về nhận định này? (nhan nguyen, 22 tuổi, thanhnhan2032009@...)

- Bác sĩ Lưu Văn Minh: nhiệt độ cao trong nấu nướng thức ăn, đặc biệt là chế biến các loại thịt động vật bằng cách chiên hoặc nướng sẽ tạo ra những chất trung gian có khả năng sinh ung thư. Các loại thực phẩm lên men như: nước nắm, chao, tương hột chưa có bằng chứng cho thấy làm tăng nguy cơ ung thư.

Huyết áp thấp chỉ có thể làm bạn chóng mặt khi thay đổi tư thế (ví dụ: từ ngồi sang đứng), không phải là nguyên nhân gây ra ung thư.

* Mấy năm gần đây tôi có đi khám ngực và phát hiện có khối u, siêu âm thì BS nói là bị nang tuyến vú, mổi khi gần đến ngày hành kinh thì tôi lại đau nhức. Xin hỏi nếu bị nang như vậy thì có bị ung thư không? Tôi cũng lo sợ vì dùng thuốc nội tiết nhiều vì tôi đang chữa hiếm muộn, đã dùng thuốc kích trứng 2 lần và chuyển phôi tất cả là 5 lân. Tôi nghe nói dùng thuốc nội tiết nhiều dể bị ung thư vú? (Quỳnh Như, 39 tuổi, nhudoan@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Bạn bị nang trong vú là do rối loạn về nột tiết, dạng này thường không gây ra ung thư, tuy nhiên đau vú sẽ gây ra một số khó chịu khi sinh hoạt. Tùy theo số lượng nang và kích thước nang cũng như khả năng tái lập sau khi chọc hút, chúng tôi sẽ có cách điều trị thích hợp. Ví dụ như đối với nang có chồi đặc thì nên phẫu thuật lấy ra.

Dùng nội tiết thay thế có khả năng thấp đưa đến ung thư vú, tuy nhiên bằng chứng chưa rõ ràng.

Bác sĩ Lưu Văn Minh: Việc thức khuya học tập, làm việc lâu ngày đôi khi là một nhu cầu thực tế. Đây không phải là nguyên nhân gây ra ung thư.

* Xin hỏi các bác sĩ nếu thức khuya học tập, làm việc lâu ngày có mắc bệnh ung thư? (Nguyễn Phương Nhi, 17 tuổi, novellove_ofyouandmy@...)

- Bác sĩ Lưu Văn Minh: Việc thức khuya học tập, làm việc lâu ngày đôi khi là một nhu cầu thực tế. Đây không phải là nguyên nhân gây ra ung thư. Thiếu ngủ sẽ làm ảnh hưởng sức khỏe chung của bạn như: mệt mỏi, thiếu tập trung… Vì thế chúng tôi khuyên bạn nếu phải thức khuya học tập, làm việc thì nên bảo đảm nhu cầu ngủ từ 7-8 giờ/ngày để cơ thể tái tạo lại sức khỏe.

* Trong khi đi kiểm tra sức khỏe tổng quát thì các BS cũng chỉ cho xét nghiệm máu, X.quang, siêu âm. Vậy với những thủ thuật đó thì có khả năng phát hiện ung thư sớm không? Hay là cần làm những kiểm tra mang tính chuyên sâu hơn để có thể phát hiện ung thư trong giai đoạn đầu? (Nguyễn Minh Quân, 30 tuổi, yahu_com_vn@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Đối với từng loại ung thư sẽ có cách tầm soát thích hợp, tuy nhiên chỉ tiến hành tầm soát đối với những ung thư thường gặp như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư ruột già...

Đối với ung thư vú sẽ tiến hành tầm soát bằng nhũ ảnh với phụ nữ từ 50 tuổi trở đi và làm định kỳ 2 năm 1 lần. Đối với ung thư cổ tử cung sẽ làm phết tế bào cổ tử cung 1 năm 1 lần. Tuy nhiên ở Việt Nam chưa tiến hành chương trình tầm soát quốc gia nào. Trong khi chờ đợi chương trình này, chúng ta có thể tự đến bệnh viện để làm các xét nghiệm như trên.

- Bác sĩ Lưu Văn Minh: Sừng tê giác hoàn toàn không có giá trị chữa bất cứ bệnh ung thư nào. Đây là những lời đồn đoán không có cơ sở khoa học, trái lại việc sử dụng sừng tê giác đã đánh mất khá nhiều thời gian để các bác sĩ có thể trị khỏi cho người bệnh; chưa kể là sự hao tốn về tiền bạc vì sừng tê giác có giá rất mắc.

* Sừng tê giác không có giá trị chữa bệnh ung thư? Rất nhiều người đồn đại về công dụng của thần dược sừng tê giác nên người bệnh nào có khả năng tài chính thường cố gắng thử mua để uống, vừa bị lừa với đồ giả vừa góp phần hủy hoại loài tê giác. (Nguyễn Văn Tuấn, 55 tuổi, nguyentuan20109@...)

- Bác sĩ Lưu Văn Minh: Sừng tê giác hoàn toàn không có giá trị chữa bất cứ bệnh ung thư nào. Đây là những lời đồn đoán không có cơ sở khoa học, trái lại việc sử dụng sừng tê giác đã đánh mất khá nhiều thời gian để các bác sĩ có thể trị khỏi cho người bệnh; chưa kể là sự hao tốn về tiền bạc vì sừng tê giác có giá rất mắc.

* Có cần thực hiện chụp CT để phát hiện sớm ung thư không. Đi khám thông thường như siêu âm không thấy được bệnh, đến khi phát hiện bệnh thì không điều trị được. (Nguyễn Văn Nguyên, 35 tuổi, binhnguyen247@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Xét nghiệm CT không sử dụng để phát hiện sớm ung thư. Đây là một xét nghiệm đắt tiền và chỉ áp dụng với những trường hợp đặc biệt. Tầm soát nhằm mục đích phát hiện sớm ung thư trước khi có triệu chứng và phải cân nhắc giữa chi phí bỏ ra và lợi ích đạt được nên những xét nghiệm được chọn lựa khi tầm soát phải vừa rẻ tiền vừa mang lại hiệu quả cao. Chúng ta nên tập thói quen đi khám bệnh định kỳ cho dù không có triệu chứng gì cả, như vậy mới tăng khả năng phát hiện sớm bệnh ung thư và cơ may trị khỏi cao hơn.

* Ông bà, cha mẹ bên nội và ngoại không ai bệnh ung thư. Chẳng may con gái tôi 10 tuổi bị ung thư xương (đã mất}. Vậy có di truyền cho em gái của nó không? (Nguyễn Đạt Luân, 54 tuổi, nhutranluan@...)

- Bác sĩ Lưu Văn Minh: Ung thư xương ở trẻ em là một bệnh lý hiếm gặp và không có khả năng di truyền. Do đó, em gái của con bạn không có khả năng ung thư xương, tuy nhiên chúng tôi cũng khuyên bạn nên dẫn cháu đến bệnh viện khám để tầm soát sức khỏe cho cháu.

* Tôi bị ung thư bàng quang giai đoạn 1 cách đây 3 năm, đã điều trị ổn định (cắt đốt nội soi, bơm hóa chất). Tôi đã nội soi kiểm tra lại 3 lần không thấy tái phát. Bác sĩ yêu cầu tôi mỗi năm kiểm tra 1 lần. Xin hỏi sau 3 năm bệnh tôi có khỏi hẳn chưa, có cần kiểm tra mỗi năm, tôi có nguy cơ bị ung thư cơ quan khác không? Xin cảm ơn bác sĩ.(Triệu Kiệt Long, 50 tuổi, trieukietlong@...)

- Bác sĩ Lưu Văn Minh: Ung thư bàng quang giai đoạn 1 là giai đoạn đầu, việc điều trị bằng cắt đốt nội soi và hóa trị sau 3 năm ổn định, như vậy diễn tiến bệnh của bạn rất khả quan việc tái khám sau điều trị ung thư nói chung là điều bắt buộc để phát hiện sớm những bất thường nếu có xảy ra.

Tiêu chuẩn đánh giá khỏi bệnh ung thư là sau 5 năm không có tái phát. Việc có bị ung thư ở cơ quan khác hay không hoàn toàn không do ung thư bàng quang gây ra, bạn cần tái khám định kỳ và tầm soát ung thư các cơ quan khác theo chỉ dẫn của bác sĩ.

* Chế độ ăn uống và tập luyện để phòng và chống các loại ung thư hiệu quả. Đối với ung thư bao tử thì chế độ ăn uống và luyện tập như thế nào là tốt nhất? (Nguyễn Thành Nam, 34 tuổi, namvt.dlta@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Bạn xem thêm câu trả lời của tôi ở các câu trên nhé. Đối với ung thư bao tử, sau khi mổ phải chia nhỏ bữa ăn, ăn nhẹ, dễ tiêu, hạn chế thức ăn nóng hay lạnh quá, chua hay cay quá, không uống bia rượu hay hút thuốc lá, có chế độ nghỉ ngơi điều độ, hợp lý, hạn chế lo lắng, stress,...

Luyện tập, tập thể dục thể thao đều đặn. Hạn chế thịt ít hơn 15% lượng calo trong ngày (tốt nhất là 10%). Không ăn da gà, hạn chế thịt chế biến như xúc xích, khoai tây chiên, bánh ngọt, bánh quy, bơ, trứng, thịt muối,.. không nấu ở nhiệt độ cao (trên 2400 C)

* Bố tôi bị khối u ở phổi tháng 8-2012 đã cắt bỏ khối u tại bệnh viện. Sau đó bố tôi có đi khám lại, bác sĩ nói là không sao. Đến tháng 3-2013 thấy mệt, bố tôi chụp cắp lớp lại, bác sĩ nói là khối u đã di căn phải xạ trị. Tôi muốn hỏi việc xạ trị như vậy có đem lại kết quả cao không? Kéo dài được bao lâu? Bố tôi 73 tuổi. (Vết mổ cũ: phanh ngực, khối u cắt bỏ dài 10 cao 5, rộng 8 cm) (Nguyễn Thị Hằng, 35 tuổi, hangacc2008@...)

- Bác sĩ Lưu Văn Minh: Ung thư phổi là một trong những ung thư thường gặp ở nam giới. Việc điều trị ung thư phổi thường phải kết hợp phẫu thuật cắt thùy phổi, sau đó hóa trị hỗ trợ hoặc xạ trị bổ túc. Tiên lượng điều trị ung thư phổi thường là xấu.

Bố của bạn sau 7 tháng điều trị bác sĩ kết luận đã di căn cho thấy bệnh đã tiến triển khá nhanh, việc xạ trị tiếp theo nhằm giảm nhẹ các triệu chứng gây khó chịu. Tuy nhiên kết quả thường không cao và mang tính chất kéo dài khoảng 1 năm.

* Tôi ở Bình Thuận, cho tôi hỏi bệnh ung thư có di truyền không? Bà nội tôi chết vì ung thư thận, ba tôi chết vì ung thư gan. Tôi hay bị nhức đầu, đau lưng, tôi nên khám chuyên khoa nào? (anthai, 35 tuổi, sptthai78@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Đa số bệnh ung thư không di truyền, cá biệt đối với ung thư vú có ít hơn 10% liên quan tới đi truyền. Tuy nhiên muốn khảo sát gen đột biến BRCA1 và BRCA2 gây ra ung thư vú thì phải làm xét nghiệm. Ở Việt Nam bước đầu đã làm được xét nghiệm này. Bạn hay bị nhức đầu, đau lưng nên đi khám ở khoa nội thần kinh và xương khớp ở các bệnh viện.

* Tôi từng xét nghiệm tầm soát ung thư DR 70 cho kết quả dương tính. Như thế, có phải tôi sẽ bị ung thư? Tôi phải làm gì tiếp theo khi khám sức khỏe chưa phát hiện gì? (Nguyễn Trần, 31 tuổi, bankhoagiao@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Xét nghiệm này chỉ là xét nghiệm bước đầu khảo sát về những bất thường trong cơ thể chứ không phải kết luận ung thư. Bạn cần làm thêm các xét nghiệm chuyên biệt để chẩn đoán xác định. Nói chung không nên quá lo lắng khi xét nghiệm DR70 dương tính.

Mục đích khám sức khỏe là để phát hiện bệnh sớm, nếu kết quả chưa phát hiện ra bệnh thì bạn vẫn tiếp tục sống yêu đời.

* Tôi bị hạch cổ di căn không rõ nguyên nhân. Sau khi tái khám (2 tháng sau khi xuất viện) phát hiện khối u mạc treo hông trái. Xin bác sĩ cho biết khối u đó có phải do di căn không? Và căn bệnh của tôi có phải là dạng ung thư không? Khả năng trị hết bệnh không?(Vương Văn Tân, 57 tuổi, vuongvantanhb.angiang@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Thường thì hạch cổ di căn không rõ nguyên nhân sẽ có nguồn gốc nguyên phát từ vùng đầu mặt cổ, chẳng qua chúng ta chưa tìm ra vị trí nguyên phát mà thôi. Về nguyên tắc hạch cổ và khối u mạc treo thường không liên quan. Tuy nhiên bạn cần làm thêm các xét nghiệm để khảo sát khối u ác tính ở các vị trí khác cũng như phải sinh thiết để có kết quả giải phẫu bệnh lý, qua đó có các điều trị thích hợp.

* Làm sao để nhận biết ung thư đại tràng. Tôi đi khám bác sĩ cách đây 3 năm chẩn đoán viêm đại tràng mãn tính. (Tran Van Truong, 40 tuổi, vantruong661@...)

- Bác sĩ Lưu Văn Minh: Ung thư đại tràng là một bệnh thường gặp ở nam giới, nam giới trên 40 tuổi nên khám sức khỏe tầm soát ung thư đại tràng, nhất là khi có những biểu hiện rối loạn đường đại tiện như: tiêu chảy xen kẽ táo bón. Khi tầm soát ung thư đại tràng bác sĩ sẽ cho bạn làm các xét nghiệm như: tìm máu trong phân, chụp X-quang khung đại tràng có cản quang, nội soi đại tràng…

Viêm đại tràng mạn tính cũng gây những triệu chứng rối loạn tiêu hóa như vừa kể, chúng tôi khuyên bạn tiếp tục điều trị viêm đại tràng mãn, đồng thời nên đề nghị bác sĩ cho bạn làm các xét nghiệm như vừa kể trên.

* Em bị thay đổi sợi bọc tuyến vú từ 16 tuổi, đã mổ 10 năm, nhưng vẫn còn khối u nhỏ. Xin hỏi, thay đổi sợi bọc có chuyển thành ung thư vú không?(Lê Hoàng Ngọc, 30 tuổi, lehoangnt21@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Có 1 tỷ lệ nhỏ tăng sản không điển hình có nguy cơ đưa đến ung thư vú, còn ngoài ra thay đổi sợi bọc nói chung không chuyển thành ung thư vú. Tuy nhiên bạn cần cảnh giác với những thay đổi sợi bọc biểu hiện thành khôi u vì đễ lầm lẫn với ung thư và nên được phẫu thuật lấy ra. Bạn nên làm thêm siêu âm vú và xét nghiệm tế bào.

* Như BS Minh có nói vacxin ngừa HPV gây ung thư cổ tử cung. Tôi 40 tuổi muốn đi tiêm vacxin này có được không? Giá có đắt không? Có cần giấy chỉ định của BS mới được tiêm không? (Lê Hoàng Thơ, 40 tuổi tuổi, tultn05@...)

- Bác sĩ Lưu Văn Minh: Vacxin ngừa HPV gây ung thư cổ tử cung được đưa vào sử dụng trên thế giới từ năm 2006, tại Việt Nam vacxin này đã được Bộ Y tế sử dụng từ năm 2008. Bộ Y tế quy định lứa tuổi được phép tiêm chủng là nữ giới từ 9,10 tuổi đến 25,26 tuổi; tiêm 3 mũi trong vòng 6 tháng.

Giá thành mỗi mũi tiêm khoảng 1 triệu đồng. Năm nay bạn 40 tuổi như vậy là ngoài độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. Còn một phương pháp khác giúp bạn phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm Pap mỗi năm một lần.

* Chào bác sĩ, sau diều tri ung thư vú được 5 năm tôi có một lần bị viêm phù nề tay trái. Bác sĩ cho thuốc và mang vớ tay, nay đã ổn định. Xin hỏi BS phải mang vớ tay bao lâu nữa? (Hong Hanh, 46 tuổi, doandungus@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Chế độ ăn và sinh hoạt sau điều trị cần được áp dụng suốt đời. Nếu đã ổn định phù nề tay, bạn không cần mang vớ tay nữa. Bạn xem thêm các câu tôi đã trả lời trên để phòng ngừa tái phát cũng như phù nề tay.

* Làm sao phát hiện bệnh ung thư máu ở trẻ em? (Đoàn Thị Thanh Trúc, 33 tuổi, thanhtrucdt80@...)

- Bác sĩ Lưu Văn Minh: Ung thư máu còn gọi là ung thư hệ tạo huyết, có sự gia tăng bất thường của các dòng tế bào máu như: bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu... bên cạnh đó trẻ em bị ung thư máu thường có biểu hiện mệt mỏi, xanh xao. Để phát hiện bệnh ung thư máu thường bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm huyết đồ để khảo sát các dòng tế bào máu tìm sự bất thường về số lượng cũng như chất lượng của máu.

* Tôi thường đi ngoài phân đen, không có khuôn, bụng của tôi vào ban đêm (chỉ khi đi ngủ) hay sôi"rột rẹt", tôi ăn uống bình thường. Mong bác sĩ tư vấn có phải tôi có dấu hiệu ung thư dạ dày hay đại tràng không? (Nguyen Thanh Son, 52 tuổi, thanhson2000@...)

- Bác sĩ Lưu Văn Minh: Đi cầu phân đen thường là triệu chứng cho thấy có máu trong phân, phân không có khuôn và hay sôi bụng cho thấy ruột bị kích thích. Như vậy, các dấu hiệu mà bạn mô tả cho thấy có bất thường ở hệ tiêu hóa có thể do các nguyên nhân sau đây: xuất huyết dạ dày do viêm loét hoặc một bệnh lý ác tính; xuất huyết đại tràng do viêm đại tràng hoặc ung thư. Muốn chẩn đoán chính xác bạn cần phải đến bác sĩ chuyên khoa ung thư để khám và làm các xét nghiệm cần thiết như: chụp X-quang dạ dày, đại tràng có cản quang, nội soi dạ dày, nội soi đại tràng, tìm máu trong phân.

Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Chắc chắn bạn có vấn đề về đường tiêu hóa. Bạn cần đến bệnh viện để thử máu trong phân, chụp X quang, nội soi để chẩn đoán bệnh.

* Bệnh ung thư có chữa trị được không? Tại sao người bệnh bị bệnh ung thư ở nước ta không sớm thì muộn cũng phải ra đi, các bác sĩ đều bó tay. Không có bác sĩ nào dám cam đoan chữa trị cho bệnh nhân khỏi. Có cách nào tầm soát bệnh này hiệu quả nhất và tránh được bệnh? (Tạ Thụy Hường, 54 tuổi, huongthuy86@...)

- Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh: Bệnh ung thư nếu ở giai đoạn sớm thì điều trị rất hiệu quả. Tôi có rất nhiều bệnh nhân điều trị ổn định trên 10 năm và vẫn sống vui, sống khỏe. Đối với bệnh ung thư vú, ở giai đoạn sớm tỉ lệ chữa khỏi có thể lên đến 70-80%. Quan trọng là người dân phải được tầm soát định kỳ để phát hiện sớm ung thư, có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý vì 30-40% ung thư có liên quan tới ăn uống.

*Em bị ung thư vú đã phẫu thuật tháng 7-2009, hóa trị, cắt buồng trứng, đang dùng thuốc Tamifine nhưng em luôn cảm thấy mệt mỏi, kém ăn, lúc nóng, lạnh, nóng bừng mặt, ngứa âm hộ, tiết dịch nhiều... Em nên dùng thuốc gì để hạn chế những hiện tượng trên? Em đã dùng tamifine được hơn 3 năm, em có thể dùng thuốc khác được không? Phải ăn uống như thế nào để có kết quả tốt nhất? (Trần Hải Anh, 31 tuổi).

- Bác sĩ Lưu Văn Minh: Sau phẫu thuật điều trị ung thư vú bạn được tiếp tục hóa trị và điều trị nội tiết (cắt buồng trứng và dùng thuốc Tamifine) nhằm mục đích ngừa tái phát và di căn sang cơ quan khác. Việc điều trị nội tiết sẽ gây những tác dụng phụ nhất định như: mệt mỏi, chán ăn, cảm giác nóng bừng, tiết dịch âm đạo...

Việc thay đổi thuốc cần có chỉ định của bác sĩ đang điều trị trực tiếp cho bạn nhằm đảm bảo kết quả tốt nhất. Bạn nên ăn uống nhiều vitamin khoáng chất như rau quả, trái cây và những thức ăn dễ tiêu hóa. Không cần phải kiêng cử nhiều. Nên tập thể dục nhẹ để giúp cơ thể phục hồi tốt hơn.

* Mẹ tôi 71 tuổi, vừa mổ u vú giai đoạn 1 khoảng 1 tháng tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nạo hết hạch vú nhưng không xạ trị, chỉ cho uống thuốc đặc trị và tái khám định kỳ. Vậy cho tôi hỏi không xạ trị thì sau này có nguy cơ tái phát không? (Lê Hoàng Thơ, 40 tuổi, tultn05@...)

- BS Huỳnh Hồng Hạnh: Không phải tất cả bệnh nhân đều phải xạ trị, đối với bệnh nhân trên 70 tuổi, nếu xét nghiệm thấy phù hợp để uống thuốc thì không cần phải hóa trị hay xạ trị sau phẫu thuật mà vẫn mang lại hiệu quả tương đương. Bạn không cần phải lo lắng quá, chỉ cần đi khám định kỳ và uống thuốc đều đặn là đủ.

* Chương trình giao lưu đã kết thúc, TTO chân thành cám ơn bạn đọc đã theo dõi và đặt câu hỏi cho các bác sĩ.

TTO thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên