10/07/2024 19:33 GMT+7

Sững sờ với cảnh cả đoàn xe máy lao trên vỉa hè

Người đi bộ ám ảnh bởi những đoàn xe máy nối đuôi nhau trên vỉa hè. Trong khi đó, nhiều tài xế xe máy biện minh họ làm vậy vì muốn nhanh chóng thoát khỏi nơi tắc đường.

Xe máy lao lên vỉa hè, dàn thành hàng 2-3 ở đường vành đai 3 (Hà Nội) - Ảnh: HỒNG QUANG

Xe máy lao lên vỉa hè, dàn thành hàng 2-3 ở đường vành đai 3 (Hà Nội) - Ảnh: HỒNG QUANG

"Tránh đường, cho nhờ chút…", tiếng la hét từ một người đàn ông phía sau khiến Phương Vy (19 tuổi) hốt hoảng. Cô dạt mình vào một gốc cây để né chiếc xe máy đang phóng tới, ngay trên vỉa hè đường Trường Chinh, đoạn gần Ngã Tư Sở (Hà Nội).

Cùng lúc dưới lòng đường, dòng xe nườm nượp tiếp tục đổ dồn về nút giao vốn đã kẹt cứng. Nhịp đèn đỏ vừa dứt, xe phía trước chưa kịp di chuyển, nhiều xe máy phía sau lại tiếp tục trèo lên vỉa hè. Gặp vật cản, dòng xe này bất đắc dĩ phải trở lại lòng đường, len lỏi cắt ngang dòng phương tiện phía dưới rồi nhanh chóng thoát khỏi khu vực.

Ám ảnh vì xe máy chạy lên vỉa hè

Ngã Tư Sở hơn nửa năm sau phương án phân luồng mới, tình trạng ùn tắc đã quay trở lại.

Quãng đường từ nhà tới trung tâm học tiếng Anh dịp hè chưa đầy 600m, Phương Vy lựa chọn đi bộ hằng ngày. Con đường đi học của cô gái luôn gắn với cảnh tượng quen thuộc: hàng chục xe máy lao vun vút lên vỉa hè trên đường Trường Chinh (hướng đi đường Láng, Tây Sơn).

"Đi trên vỉa hè, tôi luôn phải nép vào trong và ám ảnh thường trực rằng phải né xe máy", Vy kể.

Sững sờ với cảnh cả đoàn xe máy lao trên vỉa hè- Ảnh 2.
Sững sờ với cảnh cả đoàn xe máy lao trên vỉa hè- Ảnh 3.
Sững sờ với cảnh cả đoàn xe máy lao trên vỉa hè- Ảnh 4.
Sững sờ với cảnh cả đoàn xe máy lao trên vỉa hè- Ảnh 5.

Không khó để bắt gặp xe máy leo lên vỉa hè để đi ở Hà Nội - Ảnh: HỒNG QUANG

Trong khi đó, Đ.D.T. (22 tuổi) có hành trình mỗi ngày từ một trường đại học trên đường Nghiêm Xuân Yêm (quận Hoàng Mai) về căn hộ trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân). "Khổ ải" mỗi ngày cậu trải qua là đoạn ùn tắc tại nút giao Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi.

"Tắc đường quá, không còn cách nào mình mới phải đi lên vỉa hè", T. nói. Anh cho biết thêm nếu không đi lên vỉa hè, anh sẽ mất khoảng 25 phút cho đoạn đường gần 300m.

Tình trạng xe máy đi lên vỉa hè xuất hiện phổ biến ở Hà Nội, đặc biệt với tần suất cao hơn tại những nút giao, con đường là điểm nóng về ùn tắc.

Hoàng Đạt Phương (24 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay nhiều dịp đi chơi chung, anh dễ dàng gặp cảnh những người bạn trong nhóm leo lên vỉa hè để nhanh chóng thoát khỏi khu vực kẹt xe.

"Mọi người thường có tâm lý nóng vội, số khác thì lại muốn thể hiện mình có thể vượt qua các chướng ngại trên vỉa hè dễ dàng. Vì thế, mọi người thường leo lên vỉa hè để đi, đặc biệt là khi gặp tắc đường", Đạt Phương nói.

Xây dựng văn hóa giao thông cho người trẻ là cốt lõi

TS Khương Kim Tạo (nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) đánh giá áp lực giao thông tại các thành phố như Hà Nội, TP.HCM… đang rất lớn, trong khi hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển. Điều này khiến một bộ phận người đi xe máy tìm cách nhanh chóng thoát khỏi khu vực ùn tắc bằng nhiều cách, trong đó có đi lên vỉa hè.

"Vậy cần đặt ra câu hỏi, vì sao những vi phạm này thường xảy ra nhiều hơn ở xe máy?", vị chuyên gia nêu ra vấn đề.

Ông Tạo cũng cho rằng nói như vậy không đồng nghĩa với việc người lái ô tô thì có ý thức tốt hơn, mà cơ chế quản lý hiện nay không cho họ cơ hội phạm lỗi dễ dàng như xe máy.

Đưa ra giải pháp, nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm đối với các vi phạm của xe máy, trong đó có việc đi lên vỉa hè. Điều này trong thời gian tới sẽ thuận lợi hơn khi công an có sự đồng hành của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Về lâu dài, để có giải pháp căn cơ, việc phạt nguội đối với xe máy ở các thành phố lớn cũng là giải pháp cần nhanh chóng áp dụng, tạo tính răn đe, xử lý triệt để vi phạm, theo ông Tạo.

Xe máy đi lên khiến tình trạng vỉa hè bong tróc thêm nghiêm trọng - Ảnh: HỒNG QUANG

Xe máy đi lên khiến tình trạng vỉa hè bong tróc thêm nghiêm trọng - Ảnh: HỒNG QUANG

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Cảnh Thìn (phó viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết không khó để bắt gặp nhiều tài xế mang tính vụ lợi cá nhân khi lái xe, gây bức xúc cho người đi đường. Đây là phạm trù liên quan tới xây dựng văn hóa giao thông.

"Những người này chỉ cần thấy thuận cho mình thì làm, không cần biết xã hội ra sao. Để được việc cho mình, họ sẽ làm ngay, không quan tâm tới người khác", ông Thìn nói, đồng thời lấy dẫn chứng về những hành vi như đi lên vỉa hè, chen ngang lấn làn, vượt đèn đỏ...

Nêu giải pháp, PGS.TS Nguyễn Cảnh Thìn cho rằng cần đưa văn hóa giao thông trở thành nếp sống gắn với giáo dục từ nhỏ, biến đây thành ý thức, nhận thức của mỗi người, đặc biệt là trong giới trẻ.

"Khi được giáo dục bài bản, mỗi người sẽ tự giác chấp hành luật để giảm thiểu rủi ro cho chính mình và cộng đồng", ông Thìn nói thêm.

Theo khoản 3 điều 6 nghị định 100/2019 được sửa đổi, bổ sung tại nghị định 123/2021: Với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy leo lề, vỉa hè sẽ bị xử phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, trừ trường hợp lái xe đi qua hè phố để vào nhà.

Bạn có từng thấy cảnh hàng loạt xe máy chạy trên vỉa hè ở các thành phố khác, hay quốc gia khác? Theo bạn, còn những hành vi xấu nào ảnh hưởng đến an toàn giao thông đang phổ biến hiện nay? Mời bạn chia sẻ câu chuyện, hình ảnh về hòm thư [email protected]. Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để tòa soạn gửi nhuận bút nếu bài được đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Xe khách vượt đèn đỏ, tông lật xe tải rồi bỏ điXe khách vượt đèn đỏ, tông lật xe tải rồi bỏ đi

Chiếc xe khách vượt đèn đỏ rồi tông lật một ô tô tải trên phố Hà Nội. Sau khi xảy ra sự việc, tài xế xe khách đã đánh lái rồi nhanh chóng rời đi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên