45 năm làm nhà báo ngoài biên chế các tòa soạn, 35 năm được viết báo ở TP.HCM, tôi đã tìm kiếm và phỏng vấn hàng trăm nhân vật mà hôm nay nhìn lại, chợt nhận ra một điểm chung nhất giữa họ: những người Sài Gòn - được hun đúc bởi khí chất Sài Gòn và cùng nhau làm nên Sài Gòn, nên TP.HCM.
Và cả tôi nữa, nghiệp viết bền bỉ đến hôm nay của tôi chính là được sức sống của thành phố năng động nhất nuôi dưỡng mà nên.
"Uống" không khí Sài Gòn
Ký giả Neil Sheehan của The New York Times kể tháng 4-1962, lần đầu đến Sài Gòn để viết về chiến tranh Việt Nam, ông đã lo ngại hải quan không chấp nhận giấy nhập cảnh báo chí vì sợ báo nước ngoài đào xới những chuyện không hay.
25 năm sau, nhà báo Việt Nam chính hiệu là tôi lại chưa có mối lo nào "sang trọng" cho nghề như thế. Do hoàn cảnh tạm chia đôi gia đình, tôi một mình ôm đứa con trai nhỏ 6 tuổi từ Hà Nội vào "làm người Sài Gòn" với nỗi lo khốn khổ nhất ngày đó chỉ là: làm sao "vào được hộ khẩu".
Lúc ấy đã là năm 1987, đất nước vừa bước vào đổi mới, đi lên từ khó khăn muôn trùng của bao vây cấm vận, kinh tế bao cấp, đói nghèo, cơm độn bo bo mà ai đã trải qua sẽ không thể quên.
Công việc tay phải là chuyên viên giúp việc về báo chí cho Thành ủy, tôi may mắn được đi theo một số vị lãnh đạo mỗi khi tiếp phóng viên quốc tế đến nên đã chứng kiến rất nhiều câu hỏi hóc búa.
Họ hỏi về những yếu kém trong quản lý, những tồn tại phức tạp trong chính trị, hiệu quả của chính sách kinh tế mới, nạn ngăn sông cấm chợ, thực trạng những người vượt biển ra đi...
Báo chí thành phố đã có một chặng phát triển thần tốc chói lọi những năm đổi mới ấy. Được tham dự các cuộc họp nội bộ - lãnh đạo thành phố tiếp cận giới báo chí, bên cạnh sự tin tưởng, hy vọng đóng góp của nhà báo vào những bước phát triển là những cọ xát quan điểm nhìn nhận và giải quyết các vấn đề thực tiễn có khi rất gay gắt.
Thời ấy, những tờ báo của thành phố đã may mắn có được người đứng đầu là những nhà báo thật sự xuất sắc và mạnh mẽ: Tô Hòa, Võ Như Lanh, Kim Hạnh, Thế Thanh, Tuất Việt, Dương Trọng Dật, Hằng Nga, Huỳnh Sơn Phước, Lê Văn Nuôi...
Tôi từng "hết hồn" chứng kiến họ tranh luận thẳng thừng với lãnh đạo thành phố và cả trung ương, và lạ hơn nữa là những lãnh đạo như các vị Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ, Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Phan Văn Khải... lại "mê" cánh báo chí chính vì thế.
Trong không khí cởi mở ấy, tôi đã may mắn có được quan hệ rộng với nhiều người, nhiều giới, kể cả tôn giáo là giới được đánh giá "nhạy cảm" trong nhiều thời kỳ, và may mắn hơn nữa là tôi đã thấm được chất phóng khoáng, chấp nhận khác biệt của Sài Gòn trong không khí của TP.HCM.
Tôi phỏng vấn các vị chức sắc tôn giáo nổi tiếng như Đức cha Bùi Tuần, Trương Bá Cần, Trương Đình Hòe từ Pháp về.
Tôi lắng nghe và tìm được tình cảm tin cậy chân thật với cả những người thường có ý kiến phản biện chính quyền và bị cho là "có vấn đề", những nhân vật mà nếu không được làm báo ở TP.HCM, chắc tôi đã sợ hãi mà không dám giao lưu.
Không khí đổi mới, lòng tin yêu con người của thành phố này thật có những nét đẹp riêng.
Tôi chứng kiến giai đoạn "bùng nổ" của báo chí thành phố. Tuổi Trẻ là tờ báo hấp dẫn nhiều người đọc nhất nước.
Họ luôn có những phóng sự điều tra nóng bỏng, can đảm và thao thức nhạy bén nhất với những gì gắn bó mật thiết đến đời sống, lại cũng có những bài báo lay động, nắn sửa được chính sách, rút ngắn khoảng cách chính quyền - nhân dân.
Những cây bút lớn của nghề báo xuất hiện nhiều nhất là ở Tuổi Trẻ.
Đặc biệt nhất, báo chí làm rất sớm - với cả tấm lòng - những chương trình sau mặt báo kiểu "Học bổng vì ngày mai phát triển" (Tuổi Trẻ), "Tiếng hát truyền hình" (HTV), "Hàng Việt Nam chất lượng cao" (SGTT), "Giải Mai Vàng" (báo Người Lao Động) mà chẳng đợi sự dẫn đường nào của lý thuyết mà thời hiện đại ngày nay gọi tên học thuật là trách nhiệm xã hội.
Sức sống thành phố, tấm lòng người thành phố - những độc giả của báo chí - được huy động và thể hiện rất lớn trong những chương trình này.
Những người làm nên Sài Gòn
Một lần tôi hỏi nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: "Ai là người Sài Gòn?", và ông đã dành cả buổi để liệt kê và phân tích những đặc trưng của con người xứ này, những kết quả nhiều năm nghiên cứu của ông.
Chọn làm một nhà báo tự do ngoài giờ hành chính, tôi mê mải đi tìm những gương mặt Sài Gòn, những người đã góp phần mình vào một Sài Gòn năng động, cởi mở, luôn mới mẻ, luôn rộng lòng.
Những người ấy có thể không tên tuổi rạng rỡ, không sự nghiệp lẫy lừng, lại cũng có thể không sinh ra ở Sài Gòn... Từ khắp nơi, mỗi người một hoàn cảnh, họ chọn đến xây ước mơ, sự nghiệp, hạnh phúc của mình ở thành phố này, như chính tôi chẳng hạn.
Ông chủ cà phê Trung Nguyên khởi nghiệp từ một sinh viên nghèo bỏ mối cà phê đến một thương hiệu "Go global" ra với thế giới và "The café King" như báo chí nước ngoài gọi.
Tôi từng bám theo anh lên thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột để lắng nghe từ chuyện làm nên nghiệp lớn cho tới những phát ngôn cá tính và lấy câu anh trả lời làm tít bài phỏng vấn của mình: "Mọi công dân đều có quyền nghĩ lớn".
Ông Minh Long dắt tôi đến xem từng phân xưởng gốm sứ và những tìm tòi phát kiến của ông với vô vàn những câu chuyện hay.
Bà "vua sữa" Mai Kiều Liên, nữ tướng của Vinamilk, trả lời rất thẳng thắn. Câu hỏi cuối: "Sau tất cả, bà được gì mất gì?", bà trả lời: "Chẳng mất gì cả". Sự thẳng thắn có sao nói vậy kiểu Sài Gòn lại chính là những điểm chốt hay nhất trong các bài phỏng vấn, trao đổi.
Còn biết bao nhiêu người nữa.
Các thầy thuốc nổi tiếng như bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Đỗ Hồng Ngọc, các kiến trúc sư, nhà báo, các văn nghệ sĩ "kinh điển" Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Quang Sáng, và cả nhiều "Tây" đến thành phố này sinh sống như một ông người Ý thất bại dưới miền Tây lên kinh doanh bánh pizza đã thốt lên với tôi: "Dù... lên bờ xuống ruộng, tôi vẫn ở lại Việt Nam".
Lại một tít bài đắt giá!
Nhiều Việt kiều xa xứ trở về hồi hương, làm việc hay chỉ thăm quê, lại cũng vẫn là những người đóng góp cách này cách kia, trực tiếp hay gián tiếp cho thành phố, cho đất nước, kể cả khi họ đồng tình hay phản biện, như giáo sư Trần Hữu Dũng vừa mất chẳng hạn.
Ông là chủ trang một diễn đàn quen thuộc của giới trí thức, lại là con trai bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, người đã được đặt tên cho một đường phố ở huyện Bình Chánh, người đầu tiên đã đưa ra ý tưởng đổi tên Sài Gòn thành TP.HCM từ năm 1946.
Không ai có thể nói mình đã gặp đủ nói đủ về những người làm nên cuộc sống năng động của thành phố này. Mãi tới mấy chục năm sau, vừa trước đại dịch thôi - quận 5 kết hợp với Hội Nhà văn thành phố mở cuộc thi Bút ký - đã cho tôi giải nhất khi viết về ông Ba Toàn (Lâm Tư Quang), vị giám đốc Xí nghiệp Cầu Tre, đã tiên phong tìm mối hàng với tư sản bên ngoài để xuất khẩu thủy hải sản, được các lãnh đạo Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh sát cánh tạo điều kiện làm việc...
Cố làm hạt muối
Ngoài những nhân vật trong công việc, chất Sài Gòn còn có thể học hỏi và cảm nhận thêm rất nhiều từ những con người không tên tuổi, thí dụ gần nhất là cháu Dũng chạy xe ôm, "tài xế riêng" của tôi.
Anh là "tay lái lụa" len lỏi khắp các hẻm hóc nên có thể thoát ra nhanh chóng những đám đông kẹt cứng. Anh kể chuyện đời mà anh cho là rủi tệ: lẽ ra cả nhà đã đi Mỹ diện HO theo cha, ai ngờ đang chờ hoàn tất thủ tục thì cha đau bệnh mất.
Rồi sau nhiều năm bươn chải, nghe có người bảo: "Có phúc mới được sống ở Sài Gòn đó" thì tôi và cả anh đều gật đầu. Mấy năm nay, đại dịch và các hình thức kinh doanh khác như taxi, Grab đã làm anh phải trở về nhà làm việc khác nhưng tình thân chúng tôi vẫn giữ ngày lễ Tết.
Anh cười, nói đùa: "Chẳng có nhà báo nào đi xe ôm hành nghề như bà. Nay bà yếu, đi ít nên cháu đành thất nghiệp".
Phải cố sống xứng đáng với nơi đã cưu mang mình, đó là ý nghĩ của nhiều người như tôi. Đất nước có lịch sử đặc biệt tạo nên những kiểu di dân đặc biệt.
Cuộc di cư lớn hàng triệu người Bắc năm 1954, rồi 1975 hàng triệu người lại đi xa hơn nữa, bao năm đau đáu nhớ thương quê hương. Và mỗi ngày lại thêm rất nhiều di dân như lẽ thường của các gia đình do công việc, sinh sống, học hành, lấy chồng lấy vợ. Đến TP.HCM là nhiều nhất, và thành phố cứ nở ra ôm chứa.
Ai cũng cố gắng sống theo phong cách Sài Gòn, năng động sáng tạo hiền hòa. Chẳng ai bảo mà hình thành triết lý "Thôi kệ" dễ chấp nhận khác biệt.
Sức sống năng động và nhất là sự chinh phục của tính cách Sài Gòn trong tất cả giai đoạn lịch sử của nó - điều đó đã nuôi dưỡng và hình thành nên con đường của tôi - một nhà báo tự do.
Ở thành phố này, các con cháu tôi cũng trưởng thành - vừa giỏi giang lại vừa tư cách tử tế và ngay thẳng. Con gọi tôi là "Mama lead the way", còn phần thưởng nào lớn hơn cho một người mẹ.
"Thành phố làm ăn, ít bàn tán dòm ngó" còn cho tôi có thêm nghề nhà giáo, giảng dạy môn báo chí ở một số trường đại học.
Khó có ở đâu mà một người thường lại mời được các nghệ sĩ lớn tên tuổi như Trần Văn Khê, Kim Cương, Thành Lộc, Thanh Thanh Tâm, Nguyễn Văn Tý; các nhà báo như Lê Huyền Ái Mỹ, Trường Sơn, Kim Hạnh, Thế Thanh, họa sĩ Chóe... vào làm nhân vật cho sinh viên của mình tập phỏng vấn họ miễn phí.
Chuyện còn lớn hơn "chỉ có ở Sài Gòn", đó là tôi dám mời cả chủ tịch thành phố, ông Sáu Tường Nguyễn Vĩnh Nghiệp. Lời mời: "Thưa anh, con em nhân dân cả nước đến học ở TP.HCM, đâu có nhiều dịp để tự mình tiếp xúc với các vị... quan lớn". Thế là ông cười vui nhận lời.
Là muối thì phải mặn
Đó là con đường của một nhà báo, nhà văn viết bền bỉ gần 50 năm không ở biên chế tòa báo nào.
Nhờ nghề nghiệp và tình yêu ấy, tôi đã đeo bám, vượt lên nỗi sợ trước bao thách thức, và được nhiều người thương mến kể lại cuộc đời của họ cho nghe để viết được loạt sách chân dung nhân vật lớn ghi dấu chặng đường lịch sử.
Trong đó có các nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, Trần Quốc Hương, Mai Chí Thọ, Hoàng Đạo... và nhiều con người đang sống và xây dựng thành phố năng động này.
Thành phố đã giúp con người sống đúng với sức lực và tình yêu của mình - như lời nhà văn Nguyễn Khải dẫn Kinh Thánh trả lời tôi khi phỏng vấn ông lần cuối: "Mi là muối thì mi phải mặn".
* Nguyễn Thị Ngọc Hải: Nghe câu chuyện nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn đã cứu trùm mật vụ Trần Kim Tuyến của Việt Nam Cộng hòa thoát khỏi Sài Gòn trước ngày 30-4-1975, rất nhiều người thắc mắc. Ông giải thích sao về việc này?
* Đại tướng Mai Chí Thọ: Ẩn cứu Tuyến, đó là biểu hiện rất đặc biệt. Con người trung hậu như vậy tất thành công trong sự nghiệp. Đó gần như là luật nhân quả.
Trong một lần trò chuyện, ông Phạm Xuân Ẩn đã đúc kết về cách sống của mình: "Ở đời có hai cái: thứ nhất là quan tâm đến người khác; thứ hai là phải tranh thủ chơi với những người bạn tốt... Phải làm một người bạn thật tình đến suốt đời. Đời thành công nhờ hai cái đó".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận