Anh vẫn vượt qua và gánh thêm phần cực nhọc để tạo ra cơ hội cho đứa con đến trường, cho mẹ già an lòng buổi về già, cho em gái có tiền chữa bệnh.
Trách nhiệm và tình yêu đã giúp anh Kỷ có thêm nghị lực gánh vác gia đình - Ảnh: Minh Tâm
Đó là anh Trần Ngọc Kỷ, ấp Nhơn Thọ, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Chịu khó mưu sinh
Căn nhà cũ kỹ nằm hút đồng sâu trong xã quê. Khói từ chái bếp lãng đãng trên những vòm cây. Ăn xong bữa sáng, anh Kỷ cùng con trai Trần Ngọc Toàn, 14 tuổi, đến hai ao cá trước nhà cho cá ăn. Những con cá tai tượng quẫy đuôi đớp mồi.
"Mỗi ngày tôi hoặc thằng con ra các chợ xin rau củ cho cá ăn. Hai ao cá tai tượng này, mỗi năm xuất bán một lần. Tiền tôi để dành cho thằng con học đại học sau này, hoặc phòng những khi mình bệnh hoạn không đi bán được thì có tiền mà xoay", anh Kỷ nói.
Sau khi con trai đạp xe đến trường, anh Kỷ cầm xấp vé số, mang theo cà mèn cơm, vài bộ quần áo, chống nạng bước lên xe ba bánh, chạy khoảng 20km ra trung tâm Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Trưa, anh đến nhà vệ sinh công cộng tắm rửa, rồi ghé vào quán võng, kêu ly cà phê đá, lấy cơm ra ăn.
Nghỉ trưa xong, anh lại tiếp tục đi bán. Thỉnh thoảng anh ghé nhà vệ sinh, bởi ngoài đôi chân teo tóp tật nguyền, chấn thương lúc trước còn khiến anh phải gắn ống thông tiểu ra ngoài, nên anh phải thường vô nhà vệ sinh công cộng thay quần áo để giữ người sạch sẽ.
Chia sẻ về mình, anh không ngại ngần trải lòng: "Lúc đầu tôi trách sao phận rủi cứ đeo bám lấy mình. Hết bị tai nạn khiến thân thành tật nguyền. Đi bán quá cực khổ nhưng cũng bị người ta xem thường. Tuy nhiên nghĩ lại tôi thấy mình rất may mắn.
Tai nạn xảy ra do mình bất cẩn, tưởng đã bị liệt vĩnh viễn, nhưng trời thương nên đã đi đứng được dù phải nhờ đến gậy. Việc mua bán tuy cực nhưng nghề nào mà chẳng vậy, không gặp khó cái này cũng gặp khó cái khác. Miễn nghề mình lương thiện là được rồi. Huống hồ tôi còn được một nhà hảo tâm tặng xe máy ba bánh nữa".
"Cứ tưởng tượng đi du lịch 365 ngày"
Anh Kỷ nhớ lại, 14 năm trước, cú ngã từ giàn giáo khiến anh thợ hồ bị gãy xương sống, nằm một chỗ. Nỗi bi ai càng bị đẩy lên cùng cực khi người bạn đời bỏ đi để mặc chồng với đứa con chỉ hơn 1 tuổi. Để không trở thành kẻ tàn phế, anh tập ngồi, tập bò, tập đứng, và nỗ lực của bản thân đã khiến điều kỳ diệu xảy ra khi anh có thể tự chống nạng đi lại.
Lúc đó mẹ đã già, em gái lại bị bệnh tim. Ngẫm tới tính lui, anh quyết định kiếm sống bằng nghề bán vé số. Lúc đầu, anh thuê xe ôm chạy từ nhà ra tới chợ, nên bất tiện và thu nhập không còn bao nhiêu.
Sau đó, một vị tiểu thương biết được hoàn cảnh nên mua tặng anh xe máy ba bánh dành cho người khuyết tật để anh có phương tiện mưu sinh. Nhờ đó, anh có thể đi bán ở nhiều nơi, nếu hôm nay bán TP Cần Thơ, ngày mai bán Vĩnh Long, mốt bán ở Hậu Giang...
Mỗi ngày anh bán 200 - 250 tờ vé số. Tiền lời đó chia ra: lo bữa ăn hằng ngày cho 4 miệng ăn, chữa bệnh cho mẹ và em gái, chuyện học của đứa con trai học lớp 9.
Cứ vậy, 12 năm nay, anh vắt lực lo cho người thân. Nay sức khỏe anh dần bào mòn ở cái tuổi 46 bởi bệnh tim. Bác sĩ dặn anh nghỉ ngơi nhiều. Nhưng nghỉ làm sao được khi phải lo cho mẹ, em, cùng với việc học hành của con nên phải ráng thôi.
Bù lại, cảm giác ấm cúng mỗi đêm quây quần dưới mái ấm gia đình, bên cạnh người thân đã đủ tái tạo năng lượng cho anh ngày hôm sau tiếp tục rong ruổi mưu sinh.
"Mẹ cho tôi sinh mệnh, em gái giúp tôi lúc hoạn nạn, con trai cho tôi niềm tin và hi vọng nên tôi phải lo chăm sóc cho người thân là lẽ hiển nhiên. Tôi cứ tưởng tượng 365 ngày đi bán là 365 ngày đi du lịch, hết tỉnh này sang tỉnh khác, biết được chỗ này chỗ nọ, như vậy cũng đủ vui lắm rồi" - anh cười hiền lành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận