Sinh viên ở TP.HCM dùng thử một sản phẩm ứng dụng công nghệ cảm ứng đa điểm chạm tại triển lãm “Sáng tạo Thụy Điển” khai mạc ngày 10-11 - Ảnh: Ngọc Đông |
Đó là ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, viện trưởng Viện Khoa học công nghệ phát biểu tại hội thảo “Tinh thần sáng tạo” tổ chức ở Đại học Hoa Sen, TP.HCM sáng 11-11.
Ðất nước nào chỉ có 9,5 triệu dân nhưng có đến 2.288 đơn xin cấp bằng phát minh sáng chế chỉ trong năm 2012, có 9.473 bài báo xuất bản trên các tạp chí khoa học kỹ thuật trong năm 2011?
Những con số biết nói đó đủ chứng minh Thụy Ðiển là một trong những quốc gia hàng đầu về sức mạnh sáng tạo ở nhiều lĩnh vực.
Theo báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2014 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố mới đây, Thụy Ðiển đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Thụy Sĩ và Vương quốc Anh.
Bí mật của sức sáng tạo không ngừng đó nằm ở đâu?
Giáo dục: chìa khóa thành công
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Camilla Mellander, đại sứ Thụy Ðiển tại Việt Nam, khẳng định bên cạnh các yếu tố khác, giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực sáng tạo của đất nước hiện đang có tỉ lệ tăng nhanh thứ hai trên thế giới về số bằng phát minh sáng chế/đầu người.
Ở Thụy Ðiển, vai trò của người trẻ trong sự phát triển về sáng tạo rất được xem trọng. Vì lẽ đó, trẻ em được giáo dục ý thức và tinh thần sáng tạo từ rất sớm thông qua các gương sáng, các ví dụ điển hình về những thành tựu Thụy Ðiển đạt được trong suốt lịch sử 100 năm qua, trong đó có nhà khoa học nổi tiếng Alfred Nobel.
“Trẻ em được khuyến khích để tự tin nói lên suy nghĩ của mình, được thoải mái suy nghĩ sáng tạo và có tư duy thoát khỏi khuôn khổ định sẵn” - bà đại sứ Camilla cho biết.
Ðối với người Thụy Ðiển, tư duy sáng tạo không nhất thiết phải là những phát minh có tầm thế giới, nhà sáng tạo không phải lúc nào cũng là người có học vị cao, bằng cấp nhiều mà có thể là học sinh, sinh viên với những sáng kiến rất nhỏ nhưng mang tính mới mẻ và đột phá.
“Ðừng bao giờ xem sáng tạo này quan trọng hơn sáng tạo khác - bà Ava Ekasson, hiệu trưởng Trường đại học Uppsala nơi có tám nhà khoa học đoạt giải Nobel, nhấn mạnh - Chúng ta không biết được trong tương lai, ý tưởng, kiến thức mới nào sẽ tạo ra những sản phẩm vĩ đại có ý nghĩa trong việc phát triển xã hội”.
Vì thế ở cấp độ đại học, các trường liên kết với các doanh nghiệp tạo thành môi trường khuyến khích sinh viên trình bày các sáng kiến, phát minh của mình để doanh nghiệp có thể cùng sinh viên thảo luận và nghiên cứu về tính khả thi, nhằm tạo ra các sản phẩm sáng tạo.
Thêm vào đó, Thụy Ðiển cũng được biết đến là một quốc gia có sự đầu tư mạnh mẽ của chính phủ trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, bà đại sứ Thụy Ðiển cho biết. Chẳng hạn năm 2012, đất nước Bắc Âu này chi đến 3,41% GDP cho nghiên cứu và phát triển và tỉ lệ này đang tiến dần lên mức 4%.
Một số yếu tố khác góp phần tạo nên một Thụy Ðiển với sức mạnh sáng tạo nổi tiếng, theo Viện trưởng Viện Thụy Ðiển Annika Rembe, là đa dạng và bình đẳng giới, các ngành công nghiệp, hoạt động giao thương với các nước khác, hệ thống thông tin liên lạc và cơ sở hạ tầng trong nước.
Sáng tạo xanh
Một điều đáng kể khác là từ hàng chục năm nay, các phát minh sáng chế ở Thụy Ðiển đang chỉnh hướng vào giải pháp công nghệ sạch và môi trường nhắm đến phát triển bền vững.
Năm 2014, Thụy Ðiển đứng thứ tư trong danh sách 10 quốc gia có tiềm năng nhất cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ sạch, theo báo cáo chỉ số sáng tạo công nghệ sạch toàn cầu do Tổ chức Công nghệ sạch (Cleantech Group) thực hiện.
Một trong những sản phẩm nổi tiếng của Thụy Ðiển là máy lọc nước bằng năng lượng mặt trời Solvatten rất gọn nhẹ. Sản phẩm này có khả năng lọc thành nước sạch và đun nước nóng với mức 11-44 lít/ngày.
Nó đặc biệt hữu dụng ở các khu vực khô hạn như châu Phi, giúp giảm chi phí đun nấu, giúp bảo vệ rừng và ngăn ngừa các bệnh phát sinh do sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn.
Tại hội thảo “Ðổi mới sáng tạo của Thụy Ðiển thúc đẩy công nghệ sạch toàn cầu” diễn ra ở Ðại học Hoa Sen (TP.HCM) ngày 11-11, ông David Wadstrom, đại diện Công ty Solvatten, cho biết 120.000 máy lọc nước của công ty (mức công suất sản xuất mỗi năm) có thể giúp hạn chế đốn hạ 1,2 triệu cây xanh (tương đương 4.200ha rừng) dùng cho việc đun nước trong một năm. So sánh theo cách đun nấu nước thông thường, sản phẩm nhỏ gọn như chiếc vali này còn giúp tiết kiệm hơn 11,5 triệu USD chi phí và 81 triệu giờ đun nấu.
Bà Annika Rembe cho biết đất nước Bắc Âu này có nhiều phát minh thân thiện với môi trường là do có thế mạnh về sáng tạo công nghệ kỹ thuật, cùng với mối quan tâm đặc biệt của người dân đối với môi trường.
“Việc tìm ra những sáng tạo để giải quyết tình trạng thiếu hụt tài nguyên, phát triển bền vững về môi trường là cơ sở cho sự phát triển thịnh vượng” - bà Annika giải thích.
Chính vì thế, ngay từ mẫu giáo trẻ em Thụy Ðiển đã được giáo dục ý thức trách nhiệm với môi trường và làm thế nào để giảm thiểu lãng phí tài nguyên nước vì một tương lai tốt hơn cho thế hệ sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận