05/03/2018 09:11 GMT+7

Sức mạnh khét tiếng của đội tàu sân bay Mỹ

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Trong khi cuộc tranh luận về vai trò hạt nhân của tàu sân bay mới nổ ra gần đây, một cuộc tranh luận khác vẫn đang diễn ra, xoay quanh chuyện bao nhiêu tàu là đủ.

Sức mạnh khét tiếng của đội tàu sân bay Mỹ - Ảnh 1.

Thủy thủ đoàn USS Gerald R. Ford (CVN-78), tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ hiện nay, trước một chuyến đi biển tháng 2-2018 - Ảnh: US NAVY

Tháng 9-2001, những hình ảnh đổ nát của hai tòa tháp Trung tâm thương mại Thế giới ở New York được truyền trực tiếp tới USS Enterprise (CVN-65) - tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Mỹ.  Con tàu khi đó đang ở phía nam Ấn Độ Dương, trên đường trở về cảng nhà ở Norfolk, bang Virginia (Mỹ).

USS Enterprise, theo mô tả của Navy.mil - trang web chính thức của hải quân Mỹ, trước khi kịp nhận lệnh từ cấp chỉ huy cao hơn, đã rẽ ngoặt 180 độ, mở hết tốc lực và hướng thẳng về vùng biển tây nam châu Á. 

Trong vòng vài ngày sau đó, nước Mỹ đã có thêm ít nhất 60 máy bay sẵn sàng dội bom xuống các cứ điểm của khủng bố al Qaeda và lực lượng Taliban ở Afghanistan.

Trong vòng 3 tuần kể từ khi Chiến dịch Tự do bất diệt (Enduring Freedom) được phát động, các máy bay của USS Enterprise đã thực hiện hơn 700 lượt xuất kích, ném hàng trăm tấn bom xuống đầu các nhóm khủng bố.

Khi một biến cố xảy ra ở Washington, câu hỏi đầu tiên bật ra từ miệng của gần như tất cả mọi người sẽ là: tàu sân bay gần nhất đang ở đâu?"

Bill Clinton - Tổng thống thứ 42 của nước Mỹ

Biểu tượng của sức mạnh Mỹ

Sức mạnh khét tiếng của đội tàu sân bay Mỹ - Ảnh 3.

Lễ kỷ niệm 50 năm phục vụ của USS Enterprise (CVN-65). Vào thời điểm nó ra đời, Enterprise là tàu chiến lớn nhất của Mỹ. Biệt danh "E" cũng xuất phát từ đó, dựa trên công thức E= mc2 của nhà bác học Albert Einstein - Ảnh: US NAVY

Các tàu sân bay Mỹ, trong thời gian hoạt động trên vùng biển quốc tế, không cần sự cho phép của bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào khi tiến hành các hoạt động cất và hạ cánh. Nó cũng chẳng cần các căn cứ hậu cần ở đất liền – những thứ có thể dẫn tới các phản ứng chính trị từ nhiều hơn một nước.

Trên boong tàu USS Carl Vinson (CVN-70) - tàu sân bay ghé thăm Đà Nẵng sáng nay (5-3), giữa cái nóng tháng 5-2011 và vị mặn của biển, một chiếc trực thăng lưỡng thể V-22 Osprey nặng nề đáp xuống. 

Chuyến bay đặc biệt từ căn cứ không quân Bagram (Afghanistan), dưới sự hộ tống của hai tiêm kích F/A-18, mang theo một thứ đặc biệt: thi thể của trùm khủng bố Osama bin Laden.

Không một thủy thủ nào chứng kiến quan tài chứa trùm khủng bố được thả xuống biển. Boong tàu sân bay, nơi nước Mỹ giáng trả những đòn trả thù sấm sét, cuối cùng cũng trở thành nơi đền tội của trùm khủng bố. 

Bất chấp các tuyên bố của lãnh đạo quân đội Mỹ, rằng việc thủy táng đã được thực hiện đúng theo phong tục Hồi giáo, không ai tin nước Mỹ sẵn lòng đối xử nhân đạo với người đã khiến hàng ngàn dân thường Mỹ thiệt mạng.

Một tòa án liên bang của Mỹ sau đó đã ra phán quyết cấm tất cả hành vi công bố những hình ảnh cuối cùng của trùm khủng bố.

"Tự do bất diệt" không phải là chiến dịch quân sự duy nhất huy động các tàu sân bay của Mỹ. Không kể trong chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc chiến ở Việt Nam đã trở thành cơ hội thử lửa của gần như tất cả các tàu sân bay thông thường của Mỹ. USS Enterprise là tàu sân bay hạt nhân duy nhất của Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam.

Vậy nên, sự xuất hiện của USS Carl Vinson tại Việt Nam lần này có thể xem là sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ từ sau năm 1975, nhưng trong một tâm thế hoàn toàn khác. 

Điều đó cho thấy, tàu sân bay – những cỗ máy chiến tranh hiện đại nhất hành tinh, đôi khi cũng có trở thành sứ giả, biểu tượng của sự hợp tác hay công cụ ngoại giao của nước Mỹ.

Bao nhiêu cho đủ?

Với việc USS Enterprise (CVN-65) nghỉ hưu và USS George Washington (CVN-73) bắt đầu quá trình bảo dưỡng định kỳ kéo dài 4 năm, hải quân Mỹ hiện chỉ còn 10 tàu sân bay hạt nhân thuộc hai lớp Nimitz và Gerald R. Ford.

Theo kế hoạch 30 năm của hải quân Mỹ, đến năm 2035 Mỹ sẽ có 8 tàu sân bay lớp Nimitz và 3 tàu sân bay lớp Gerald R. Ford. Tuy nhiên, những khó khăn về ngân sách cùng chi phí chế tạo quá cao có thể khiến mọi chuyện khác đi.

Theo báo cáo chi tiêu quốc phòng trong năm tài khóa 2017, Mỹ đã mất gần 13 tỉ USD cho USS Gerald R. Ford (CVN-78), siêu tàu sân bay đầu tiên của lớp cùng tên. Bất chấp những thuyết phục rằng chi phí chế tạo cao là do các công nghệ mới được trang bị trên tàu như máy phóng điện từ, con số hàng chục tỉ USD khiến các nhà lập pháp Mỹ cân nhắc.

Sức mạnh khét tiếng của đội tàu sân bay Mỹ - Ảnh 4.

Chuẩn bị xuất kích trên USS Carl Vinson (CVN-70) - Ảnh: Hải quân Mỹ

Những nghi ngại "đồng tiền không đi liền với bát gạo" của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ được cụ thể hóa bằng yêu cầu Văn phòng nghiên cứu Hải quân Mỹ tìm kiếm các giải pháp giá rẻ thay vì đóng mới các tàu lớp Gerald R. Ford.

Trong khi Trung Quốc đang học theo Mỹ tổ chức nhóm tác chiến tàu sân bay, một cuộc tranh luận khác đang diễn ra trong giới quân sự Mỹ, rằng liệu mô hình đó có còn phù hợp với tình hình hiện tại. Có vẻ như người Mỹ đã bắt đầu nhìn lại tư duy chiến hạm đa nhiệm của Liên Xô (cũ), khi một tàu sân bay vừa công vừa thủ, không cần quá nhiều tàu hộ tống như Washington vẫn đang làm.

Một số chuyên gia cho rằng với giá trị cao như vậy, triển khai các tàu sân bay lớp Gerald R. Ford trong thời chiến sẽ là quyết định liều lĩnh. Trách nhiệm khi đó sẽ không thuộc về các tư lệnh nữa mà sẽ được đẩy lên mức cao nhất – Tổng tư lệnh, cũng là Tổng thống của nước Mỹ.

Các tàu sân bay Mỹ làm gì sau khi "nghỉ hưu"?

Để tiết kiệm chi phí dỡ bỏ, một số tàu sân bay thông thường (ký hiệu CV) được hoán cải trở thành bảo tàng nổi, điển hình như bảo tàng USS Lexington (CV-16) ở Texas, USS Hornet (CV-12) ở Alameda (California) nhưng lớn nhất vẫn là USS Midway (CV-41) ở San Diego, California.

Kém may mắn hơn, các tàu sân bay khác của Mỹ, hoặc bị đánh chìm trong chiến tranh, hoặc trở thành mục tiêu trong một cuộc tập trận bắn đạn thật. Con tàu bị chính quân đội Mỹ đánh chìm ấy là USS America (CV-66).

Trong nỗ lực tiết kiệm ngân sách, thép của USS Enterprise (CVN-65) sẽ được tái sử dụng để đóng mới tàu sân bay cùng tên thuộc lớp Gerald R. Ford là USS Enterprise (CVN-80).

Sức mạnh khét tiếng của đội tàu sân bay Mỹ - Ảnh 5.

Bảo tàng tàu sân bay USS Midway (CV-41) ở San Diego - Ảnh: REUTERS

Xanh đỏ tím vàng trên tàu sân bay Mỹ

Các đoạn video quảng bá hình ảnh sức mạnh quân sự Mỹ thường cho thấy cảnh những người mặc áo màu xanh dương hoặc màu đỏ đi lại trên boong tàu sân bay. Thực chất, màu áo cũng đại diện cho vai trò và trách nhiệm của họ trên tàu sân bay. Họ thường được gọi bằng cái tên thân thương: Biệt đội cầu vồng.

Cụ thể:

Màu tím (biệt danh: Nho): chịu trách nhiệm tiếp nhiên liệu cho các máy bay;

Màu xanh dương: vận hành hệ thống thang máy đưa máy bay từ khoang lên boong, lái xe kéo máy bay về vị trí, chằng buộc càng máy bay trên boong;

Màu xanh lá: được đánh giá là công việc nguy hiểm nhất khi chịu trách nhiệm nối càng máy bay với máy phóng trước khi cất cánh, cũng như thu cáp hãm đà sau khi máy bay đáp xuống;

Màu vàng: hướng dẫn phi công di chuyển máy bay vào vị trí kết nối với máy phóng, vị trí hạ cánh của trực thăng;

Màu đỏ: chuyên gia vũ khí và chất nổ, chịu trách nhiệm lắp tên lửa lên các tiêm kích;

Màu nâu màu trắng: các sĩ quan chịu trách nhiệm an toàn bay.

Sức mạnh khét tiếng của đội tàu sân bay Mỹ - Ảnh 6.

Biệt đội áo xanh trên tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78) - Ảnh: US NAVY

Biệt đội cầu vồng trên boong USS Enterprise (CVN-65) - Nguồn: YouTube

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên