04/03/2013 07:10 GMT+7

Sức mạnh của "tâm hồn cao thượng"

TRẦM HƯƠNG
TRẦM HƯƠNG

TT - Kỳ này, “Quyển sách thay đổi cuộc đời” đăng bài của Trầm Hương về một cuốn sách mà tác giả được đọc từ năm học lớp 3.

tp2rrfiL.jpgPhóng to
Rất nhiều trẻ em được ông bà, cha mẹ đưa tới Đường sách TP.HCM trong dịp tết vừa qua - Ảnh: Lam Điền

Cuối năm lớp 3 tôi nhận được phần thưởng. Phần thưởng của tôi là tập vở, đồ dùng học sinh đủ thứ nhưng không biết run rủi thế nào cậu bạn cùng lớp lại đưa nhầm phần thưởng của mình - một chồng sách - cho tôi. Những quyển sách với tên tuổi nước ngoài xa lạ đập vào mắt tôi. Tôi cầm lên quyển sách Tâm hồn cao thượng, tác giả Edmond De Amicis - người Ý - dịch giả Hà Mai Anh. Và rồi tôi không thể buông quyển sách.

Thấy mình trong cuốn sách

Sách - điều kỳ diệu

Thật kỳ diệu, tôi đã đi qua những trớ trêu số phận, những năm tháng khó khăn nhất của đời người nhờ vào lòng đa cảm, tin yêu con người, như những nhân vật mà tôi được cảm nhận từ quyển sách Tâm hồn cao thượng. Cơ duyên nào tôi - một cô bé lớp 3 mặt mũi tèm hem, trong bộ quần áo rách rưới, nơi trường tiểu học tồi tàn, ở một ngôi làng xa xôi, tỉnh Bến Tre lại được tiếp cận với nhà văn nổi tiếng người Ý, khi về tuổi tác ông cách tôi đến 127 năm? Ấy chính là nhờ vào sự kỳ diệu của sách.

Thế giới đầy màu sắc đang mở ra trước mắt tôi. Mỗi câu chuyện giản dị là bài học sâu sắc về công ơn cha mẹ, về lòng yêu nước, nghĩa thầy trò, tình bạn, những con người lạc quan, biết vượt qua số phận, những bất hạnh con người phải đối mặt và lòng can đảm... Tôi thấy mình gần gũi biết bao với lớp học của Enricô với hơn 50 bạn, mỗi bạn là một tính cách. Tôi nhìn thấy tôi qua nỗi sợ của bạn Prêcôtxi - con người thợ khóa bị cha đánh đập luôn thành ra người nhút nhát, nét mặt lúc nào cũng buồn rầu, sợ sệt. Vượt qua thiếu thốn, bất hạnh, đáng quý thay, Prêcôtxi luôn ham học và cố học. Trên thế giới này còn có biết bao những đứa trẻ bị người thân bạo hành như Prêcôtxi, mà như tác giả công bằng nhận xét thì: “Nếu sự học của anh được đầy đủ, được săn sóc như ở các gia đình khác thì anh đã ngồi đầu lớp tự bao giờ. Đáng tiếc cho anh!”.

Tôi nhìn thấy tôi qua cậu học trò nghèo Côretti vừa cưa củi, vừa học bài, vừa chăm mẹ. Tôi cảm phục cậu bé Rôbetti - con trai một viên quan ba pháo binh vì lao ra đường cứu đứa bé bị xe cán nát chân. Khi liên tưởng đến những “hiệp sĩ” nhỏ tuổi dám lao xuống dòng nước xiết cứu bạn, tôi tự hào vì đất nước tôi cũng có những tấm lòng can đảm như Rôbetti. Từ thời Edmond De Amicis đã có những đứa trẻ vô cảm như Phranti: “Nói xong, bà bưng mặt sụt sùi khóc, Phranti vẫn thản nhiên”. Xã hội của chúng ta ngày nay có quá nhiều bà mẹ của Phranti trong dáng dấp đau khổ, bất hạnh như nhà văn đã miêu tả.

Tôi đã rơi nước mắt vì xúc động trước một người tù làm chiếc lọ mực khắc chạm tỉ mỉ trong đề lao để tặng cho người thầy giáo. Sợ con tổn thương, ông đã giấu con thời gian sáu năm tù, nói mình đi làm thuê ở châu Mỹ. Người tù ấy là cha của Crôtxi - con trai bà bán hoa quả. Khi những người bạn Crôtxi biết được sự thật đã xử sự rất cao thượng: “Hồi tòa kết án, anh Crôtxi còn bé không biết nên mẹ anh cố ý giấu chuyện ấy. Vậy ta không nên đả động việc ấy nữa và phải trọng sự không biết của anh”.

Tôi nhìn thấy tôi trong cảm xúc chân thành của cậu bé Enricô, khi sau kỳ nghỉ hè dài trở lại trường, “lấy sự đi học làm ngại” để cha cậu gửi cho con lá thư về ý nghĩa “Học đường”, động viên hàng triệu trẻ em trên thế giới về lòng hiếu học, với đoạn văn một thời tôi thuộc làu: “Cố lên! Tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia! Cố lên! Con ơi! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cừu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát”.

Sống đẹp

Tôi nhận ra sự tương đồng về tình yêu con cái của những bậc cha mẹ, khi cậu bé Enricô bị bệnh, khi người cha luôn nuốt lại nỗi buồn cho nụ cười của con, qua hình ảnh mẹ tôi lấy gạo đong chữ, khi sáng tinh mơ buốt lạnh mẹ đã ra đồng gặt lúa, đôi chân nứt nẻ tứa máu bước trên bờ ruộng mấp mô, bàn tay nứt ra vì bệnh tê thấp bị những lá lúa nhám bén cứa vào. Tình yêu thương qua hình ảnh đời thường giản dị ấy nhắc những đứa trẻ khắp nơi trên trái đất này phải biết hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương người thân, bởi “lòng hiếu thảo là một bổn phận thiêng liêng của con người. Kẻ nào dày xéo lên chữ hiếu là kẻ khốn nạn”.

Quyển sách đã dạy cho tôi lòng biết ơn và trắc ẩn, dạy tôi nỗ lực vượt qua số phận; dạy tôi lòng can đảm bởi khi cần chỉ có con đường tiến về phía trước. Quyển sách dạy tôi lòng hào hiệp, sự bao dung, tha thứ, dạy tôi biết khiêm nhường, tôn trọng giá trị những người xung quanh. Cách nay mấy trăm năm, cách sống đẹp của cậu bé trong cơn đắm tàu, sẵn sàng nhường cho cô bạn xuống xuồng cứu nạn vì “Em còn cha còn mẹ. Anh chỉ có một mình. Anh nhường chỗ cho em” vẫn theo đuổi tôi trên đường đời, để đôi lúc tự vấn, điều chỉnh mình, bởi ai trên đời cũng từng có “một ý định cao thượng qua nét mặt” như cậu bé Mariô, nhưng không phải ai cũng dám hi sinh bản thân mình như em, cho người khác được sống.

Quyển sách dạy tôi biết tôn trọng, vinh danh những giá trị thật, bởi tổ quốc đẹp giàu hơn là nhờ những con người lao động chân chính, đổ mồ hôi, nước mắt trên công trường, ruộng đồng, xưởng máy. Quyển sách giúp tôi có thêm bản lĩnh biến những điều bất lợi thành có lợi, không nản lòng trước nghịch cảnh. Và rất giản dị là lòng biết ơn, bởi những gì tôi được như ngày hôm nay cũng là nhờ ở nhiều người.

“Quyển sách thay đổi cuộc đời” là dự án do Công ty Ðiện tử Samsung phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ và Công ty văn hóa Phương Nam thực hiện, là một phần của dự án “Thư viện thông minh” được Samsung tổ chức, xây dựng tủ sách ở các trường học, nhằm cổ động giới trẻ và cả cộng đồng đọc sách.

TRẦM HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên