Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Lời kêu gọi toàn dân đi bầu cử ngày 5-1-1946, cách đây tròn 70 năm như vậy.
Ngày ấy, đất nước ta đang ở vào hoàn cảnh gieo neo “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng lúc phải đối mặt với “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”.
Khác với lo ngại của nhiều người về thất bại cuộc bầu cử, lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết tâm tổ chức tổng tuyển cử với niềm tin tuyệt đối vào nhân dân. Kết quả thật trọn vẹn, 89% cử tri trong cả nước đi bầu cử, bầu ra 333 đại biểu Quốc hội đầu tiên của “nước Việt Nam mới”.
Cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, sôi động, hấp dẫn ngay từ khi được chuẩn bị, số ứng cử viên nhiều hơn gấp bốn lần số người cần bầu, đặc biệt như ở Hà Nội có tới 74 ứng cử viên để bầu ra 6 đại biểu (trong đó có đại biểu Hồ Chí Minh).
Lá phiếu của đồng bào cách đây 70 năm hẳn là có giá trị hơn cả những viên đạn, bởi nó cho thấy sức mạnh đoàn kết của quốc dân ta quyết tâm đi trên con đường dân chủ, giúp xác lập tư cách hợp pháp của “nước Việt Nam mới” và Chính phủ lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoạn tuyệt với chế độ phong kiến và khẳng định địa vị công dân cho mỗi đồng bào...
Hiến pháp 1946 - một bản hiến văn chứa đựng tinh hoa dân chủ thời đại, là bản hiến văn dân chủ bậc nhất trong “toàn cõi Á Đông” ngày ấy - đã được Quốc hội thông qua nhưng chưa kịp ban bố để thi hành thì toàn quốc kháng chiến nổ ra (19-12-1946).
Như một định mệnh nghiệt ngã, đất nước phải trải qua hai cuộc chiến tranh đằng đẵng 30 năm trời, cộng thêm 10 năm bao cấp với những vấp váp, sai lầm, đã khiến khát vọng “thần linh pháp quyền” mà người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đặt ra từ những năm 1920 gặp nhiều trở ngại.
Công cuộc xây dựng pháp luật chỉ thật sự được chú trọng, đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả kể từ trên dưới 20 năm nay. Hai chữ “đổi mới” trong hoạt động của Quốc hội, hướng đến một Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp, thường xuyên (như đa số nghị viện trên thế giới) cũng mãi tới gần đây mới trở nên thôi thúc.
Đồng thời những vấn đề tồn tại như “luật ống, luật khung”, “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”, “giám mà không sát, sát thì không giám”..., rồi có những đại biểu bị bãi nhiệm, bị bỏ tù, rồi manh nha biểu hiện vận động hành lang (lobby) thiếu lành mạnh ở nghị trường tuy ít nhưng đã để lại trong lòng nhiều đại biểu, cử tri những bức xúc, day dứt.
Một cuộc bầu cử mới, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp 2016 - 2021 đang đến gần. Nhớ lại cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, với lời dặn dò của Hồ Chủ tịch về sức mạnh của lá phiếu, hẳn mỗi đồng bào sẽ nhận thức sâu sắc hơn về quyền công dân của mình để bỏ những lá phiếu thực chất.
“Dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước. Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào” - Hồ Chí Minh.
Lá phiếu thực chất sẽ bầu cho những người thực tài giúp đất nước tiến lên. Lá phiếu thực chất là lá phiếu tự tay mỗi cử tri bỏ vào thùng (không bầu hộ, bầu thay) trên cơ sở lựa chọn, cân nhắc kỹ càng những người ứng cử, chọn mặt gửi vàng.
Có như thế, mỗi cuộc bầu cử mới thật sự trở thành “ngày hội của non sông”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận