21/11/2005 16:54 GMT+7

Sức khỏe tâm lý: Vấn đề chưa được quan tâm

PHAN TƯỜNG (TP.HCM)
PHAN TƯỜNG (TP.HCM)

TTO - Bài viết nêu lên một vấn đề hết sức bức xúc: các rối loạn tâm thần ở học sinh trước sức ép quá nặng của việc học. Đây hoàn toàn không phải là chuyện gì mới, trái lại nó đã được cảnh báo từ lâu, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa được ngành quản lí giáo dục quan tâm đúng mức.

Nhân đọc bài Học quá hóa tâm thần

KfTFQBa0.jpgPhóng to
Học tập là nhằm mục đích cho các em kiến thức làm người và giúp ích cho xã hội

Việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh các cấp mới chỉ dừng lại ở cấp độ các bệnh thông thường như nha khoa, mắt, chiều cao, cân nặng… còn những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm lí thì hầu như vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Điều đáng buồn (và cũng đáng báo động) là nhiều người, thuộc cả ba phía liên quan: cơ quan quản lí giáo dục, các giáo viên và các bậc cha mẹ, vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của nguy cơ ngày càng lan rộng này, sự thờ ơ cộng với tâm lí ham muốn chạy theo thành tích (mà học sinh là một “công cụ”) nên đã không ngừng thúc ép các em trong chuyện học hành. Việc làm đó vô tình đã khiến những tác động xấu của các căn bệnh liên quan đến tâm thần học sinh thêm trầm trọng.

Để có thể hạn chế và từng bước khắc phục tình trạng này, ngành giáo dục cần đưa vấn đề sức khỏe tâm lí học đường thành một chương trình chính trong quá trình chăm sóc sức khỏe học đường nói chung trên phạm vi cả nước. Trong đó đặc biệt chú trọng tại các thành phố lớn, nơi đa số các học sinh đang chịu sức ép quá lớn trong học tập, thời gian và không gian vui chơi giải trí bị thu hẹp.

Giải pháp trực tiếp này kết hợp với các biện pháp gián tiếp khác như tiến hành giảm tải chương trình học, cải thiện cách dạy và học theo hướng tăng cường khả năng sáng tạo, khuyến khích chứ không tạo áp lực sẽ có thể góp phần ngăn chặn hiệu quả căn bệnh nguy hiểm này, một căn bệnh mà hậu quả của nó sẽ là những ảnh hưởng lâu dài đến tương lai mỗi em học sinh.

Nên để con em chúng ta phát triển bình thường!

Đọc bài viết, tôi thật sự lo lắng cho những học trò đang ngồi trên ghế nhà trường hiện nay. Các em đang phải đối mặt với nguy cơ “học quá... hoá tâm thần” vì có nhiều áp lực đang dè nặng lên các em.

Câu chuyện có thật mà bài báo kể về em M.Th. theo tôi đó là một “điển hình” đang dần được “nhân rộng” bởi sự thật của việc các em “phải học vì một ước muốn của ai đó, vì chương trình quá nặng”. Thiết nghĩ việc học tập của con em chúng ta là nhằm mục đích cho các em kiến thức làm người và giúp ích cho xã hội. Hiển nhiên, để đạt được mục tiêu đó các em cần phải cố gắng. Song không phải vì thế mà các bậc phụ huynh đặt ra những chỉ tiêu nằm ngoài thực lực, sức khỏe của các em.

Vấn đề ở đây là các bậc phụ huynh chỉ nên định hướng, nhắc nhở việc học của con chứ đừng nên áp đặt con cái phải làm gì, phải đạt những cái này, cái nọ vì... danh dự của bố, của gia đình. Như vậy sẽ làm cho con cái có áp lực và “hoá tâm thần” là lẽ dễ hiểu. Xin đừng lấy giấc mơ cha mà đè nát cuộc đời con, đừng để sản phẩm của giáo dục lại là những bệnh nhân tâm thần.

Một vấn đề cũng hết sức quan trọng nữa mà BS Lâm Xuân Điền, giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM có nói đó là nên giảm tải chương trình học. Vấn đề này không phải là mới bởi vì nó đã được đưa ra góp ý, bàn thảo ở nhiều diễn đàn về giáo dục. Nhưng sau khi “tiếp thu”, “cải cách” thì chương trình càng trở nên nặng nề hơn, học sinh vất vả hơn. Và từ đầu năm học 2005-2006, Bộ GD-ĐT đã hứa sẽ cho cắt giảm 15% chương trình sách giáo khoa mới ở bậc tiểu học và THCS. Thế nhưng thời gian cứ trôi qua mà bộ vẫn không hướng dẫn cắt giảm như thế nào, cắt giảm ở đâu để giáo viên biết mà thực hiện.

Theo một người quen biết của tôi đang dạy chương trình sách giáo khoa mới ở bậc tiểu học thì vẫn ráng nhồi nhét cho các em, không dám bỏ phần nào cả. Tại sao lời hứa cắt giảm chương trình lại không được thực hiện, để các em phải tiếp tục oằn mình học chương trình nặng nề? Rồi đây sẽ có thêm nhiều con em chúng ta “học quá... hoá tâm thần”. Câu hỏi đặt ra là bao giờ cắt giảm chương trình, bao giờ học sinh mới hết chịu áp lực học hành?

Cuối cùng, tôi mong các bậc phụ huynh và ngành giáo dục nên để con em chúng ta phát triển bình thường, đừng để các em chịu những áp lực mà lẽ ra các em chưa đến lúc phải chịu.

PHAN TƯỜNG (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên