26/10/2021 11:23 GMT+7

Sức khỏe không chỉ dành cho người giàu

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Năm 2009, Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới (WHS) lần thứ nhất được tổ chức ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và dưới cái bóng của đại dịch H1N1. 12 năm sau, WHS diễn ra dưới bóng đen của đại dịch COVID-19.

Sức khỏe không chỉ dành cho người giàu - Ảnh 1.

Một số hình ảnh được ghi nhận tại Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới năm 2021 - Ảnh: WHS

Được tổ chức tại thủ đô Berlin (Đức) từ ngày 24 đến 26-10 theo hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến, WHS lần 13 quy tụ khoảng 380 diễn giả bao gồm lãnh đạo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên Hiệp Quốc (LHQ), châu Âu và 6.000 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới.

Đã có công cụ dập dịch, nhưng...

"Đại dịch COVID-19 đã cho thấy sức khỏe không phải là món hàng xa xỉ dành cho người giàu. Sức khỏe là quyền cơ bản của con người và là cơ sở của sự ổn định xã hội, kinh tế và chính trị" - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị WHS vào hôm 24-10.

Khi nào đại dịch COVID-19 kết thúc là một trong những câu hỏi mà lãnh đạo WHO cho biết ông thường nhận được nhất. 

"COVID-19 sẽ kết thúc khi thế giới "chọn" cách kết liễu đại dịch này. Điều đó nằm trong tay chúng ta. Chúng ta sở hữu mọi công cụ mà mình cần: các công cụ y tế hiệu quả. Nhưng thế giới chưa tận dụng tốt những công cụ này" - ông Tedros nêu.

Với gần 50.000 người chết do COVID-19 mỗi tuần, tổng giám đốc WHO nhận định "đại dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc".

Hiện nay, WHO đặt mục tiêu tiêm vắc xin COVID-19 cho 40% dân số của mọi quốc gia trên thế giới tính đến cuối năm nay. Tại WHS, ông Tedros cho rằng có thể đạt được mục tiêu này nếu "các quốc gia và công ty kiểm soát nguồn cung vắc xin hành động đúng như các tuyên bố của họ".

Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi phân phối công bằng vắc xin COVID-19 trong bài phát biểu trước WHS: "Chủ nghĩa dân tộc về vắc xin và tình trạng tích trữ vắc xin đang khiến tất cả chúng ta gặp rủi ro".

Ông Guterres kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) huy động và đóng góp khoảng 8 tỉ USD để giúp đảm bảo phân phối công bằng vắc xin COVID-19 trên toàn cầu.

Những bài học rút ra

Hội nghị WHS năm nay bàn về nhiều chủ đề như các chiến lược toàn cầu để kiểm soát và ngăn chặn đại dịch; vai trò của Đức, châu Âu và WHO đối với sức khỏe toàn cầu, phân phối công bằng vắc xin... 

Ngay sau buổi khai mạc vào tối 24-10, thông cáo báo chí của WHS cho biết "những bài học rút ra từ đại dịch COVID-19" là chủ đề chiếm ưu thế tại hội nghị.

Giáo sư tiến sĩ Heyo Kroemer, hiện là giám đốc điều hành Charité - Đại học Y khoa Berlin (bệnh viện kiêm trường y), đã kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực y tế toàn cầu: "Đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đã cho thấy cần phải phối hợp hành động và trao đổi kiến thức, chuyên môn một cách tự do".

Trong buổi khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng nhấn mạnh hợp tác quốc tế là điều rất quan trọng. "Các mối đe dọa y tế xuyên biên giới đòi hỏi cần có những phản ứng xuyên biên giới" - bà Leyen phát biểu.

WHO từng cho biết trong đại dịch COVID-19, các giá trị như công bằng, đoàn kết và hợp tác đã được công nhận đóng vai trò trung tâm đối với sự phục hồi và cần thiết để thúc đẩy phản ứng hiệu quả với đại dịch, dựa trên cơ sở "không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn".

Theo tổng giám đốc WHO, hiện nay những quốc gia nào đã đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số, bao gồm tất cả các nước G20, phải chia sẻ nhiều hơn nữa vắc xin COVID-19 cho chương trình phân phối công bằng vắc xin COVAX do LHQ hậu thuẫn và Quỹ vắc xin châu Phi của Liên minh châu Phi.

Đồng thời, các nhà sản xuất vắc xin "phải chia sẻ phương pháp, công nghệ và giấy phép cũng như từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ".

4,96 triệu người chết

Theo trang Worldometers, tính đến 18h ngày 25-10, trên toàn cầu đã có hơn 244 triệu ca nhiễm và 4,96 triệu ca tử vong do COVID-19. Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm (hơn 46 triệu) và ca tử vong (hơn 756.000) cao nhất thế giới. Các vùng dịch lớn tiếp theo sau Mỹ là Ấn Độ, Brazil, Anh, Nga.

Cảnh báo thảm họa đạo đức

Tuần trước, tại một cuộc họp báo của WHO, ông Gordon Brown, cựu thủ tướng Anh và hiện là đại sứ WHO về tài trợ y tế toàn cầu, đã cảnh báo việc các nước giàu không chia sẻ vắc xin COVID-19 sẽ là một "thảm họa đạo đức lịch sử".

Ông Brown giải thích tình trạng bất bình đẳng về vắc xin sẽ "gây sốc cho các thế hệ tương lai". Ông cho rằng khoảng 5 triệu sinh mạng có thể rơi vào tình trạng nguy ngập, phụ thuộc vào việc các nước G20 có cam kết tặng ngay số liều vắc xin dư thừa cho các nước thiếu thốn hay không.

Bệnh nhi COVID-19 ở Mỹ tăng cao kỷ lục, chuyên gia cảnh báo rủi ro sức khỏe Bệnh nhi COVID-19 ở Mỹ tăng cao kỷ lục, chuyên gia cảnh báo rủi ro sức khỏe

TTO - Ngày 14-8, số trẻ em nhập viện vì COVID-19 ở Mỹ tăng lên 1.902 trường hợp. Các bệnh viện khắp miền nam nước Mỹ phải căng sức chống lại đợt bùng phát do biến thể Delta.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên