13/09/2016 09:07 GMT+7

Sức khỏe bà Clinton: không thể "phớt Ănglê"

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Sự cố sức khỏe xảy đến với bà Hillary Clinton sáng 11-9 trở thành câu chuyện vô cùng nhạy cảm khi chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa, người dân Mỹ chính thức đi bỏ phiếu chọn người điều hành đất nước trong bốn năm tới đây.

Bà Hillary Clinton rời nhà con gái Chelsea ở khu Manhattan, New York sau khi nghỉ ngơi vì mệt - Ảnh: Reuters
Bà Hillary Clinton rời nhà con gái Chelsea ở khu Manhattan, New York sau khi nghỉ ngơi vì mệt - Ảnh: Reuters

Trong thông báo sau sự việc, người phát ngôn của bà Clinton, ông Nick Merrill, cho biết: “Bà Clinton tham dự lễ tưởng niệm sự kiện 11-9 trong một tiếng rưỡi sáng nay để chào hỏi và bày tỏ lòng trân trọng tới các gia đình của những người đã ngã xuống. Trong buổi lễ bà cảm thấy quá nóng bức nên đã tới căn hộ của con gái bà và hiện đã tốt hơn nhiều”.

Thời điểm bất lợi

Điều mà báo giới Mỹ thắc mắc là thông báo này chỉ được đưa ra 90 phút sau khi bà đã rời khỏi sự kiện và không một phóng viên nào được phép theo bà Clinton sau khi bà gặp sự cố sức khỏe. Sau đó, bác sĩ của bà cho rằng sự cố đó là do ảnh hưởng của chứng viêm phổi mà bác sĩ đã chẩn đoán và kê kháng sinh cho bà từ ngày 9-9. Do sự cố sức khỏe, bà Hillary đã hủy bỏ chuyến đi vận động gây quỹ tại bang California. Ông Nick Merrill cho biết bà sẽ không tới California trong hai ngày 12 và 13-9.

Sự cố sức khỏe này xảy ra vào một thời điểm bất lợi đối với chiến dịch tranh cử của bà Clinton, nhất là khi Đảng Cộng hòa thời gian qua liên tục đào xới những tin đồn thất thiệt và thậm chí công khai cho rằng sức khỏe của bà không đảm bảo để giữ cương vị điều hành đất nước.

Lần mới đây nhất là việc đồng minh của ông Trump, ông Rudy Giuliani, xới lên dư luận về những cơn ho của bà Clinton khi đang tham gia tuần hành trong Ngày lễ lao động (Labor Day) 5-9 tại Cleveland, bang Ohio. Ông Rudy Giuliani phát biểu trên Đài MSNBC: “Kể từ tháng 1 tôi đã chứng kiến tám lần trên mạng bà ấy bị những đợt ho nặng mà không thể hoàn thành được bài phát biểu của mình”. Tuy nhiên, ông Giuliani lại không nêu được những ví dụ cụ thể chứng minh cho điều đó.

Chuyện ho hắng hay mệt mỏi xét trong bối cảnh thông thường đương nhiên không phải là dấu hiệu của bất cứ căn bệnh trầm kha nào mà bà Clinton đang che giấu. Tuy nhiên, hai sự cố xảy ra chỉ trong vòng sáu ngày với một nữ ứng cử viên tổng thống đã 68 tuổi, với những người theo thuyết âm mưu thì đó có vẻ như không còn là chuyện tầm phào nữa.

Không thể “phớt Ănglê”

Tờ Marketwatch ví von nếu bà Hillary Clinton là một người đam mê thể thao, 45 tuổi và sức khỏe không có vấn đề gì, sự cố sáng 11-9 sẽ chỉ là “bão táp trong chén trà”. Nhưng bà đã 68 tuổi và đối thủ của bà chỉ hơn hai tuổi, bất chấp hơn một năm không ngừng đi lại và xuất hiện trước công chúng, ông Trump dường như vẫn đang quá sung sức.

Nếu như trước đây bà Clinton và chiến dịch tranh cử của bà có thể cười nhạo những câu hỏi về vấn đề sức khỏe thì sau sự cố ngày 11-9, họ gần như không thể “phớt Ănglê” được nữa. Vì sự việc không chỉ xảy ra giữa lúc dư luận đang ồn ào mà nó lại xảy ra ngay tại sự kiện tưởng niệm ngày 11-9, lúc có vô số phóng viên và đủ loại ống kính camera đang hướng về bà.

Nhà báo Adam Nagourney của New York Times nêu quan điểm riêng trên tài khoản Twitter cho rằng lúc này có lẽ là thời điểm tốt đẹp để bà Clinton công bố hồ sơ sức khỏe toàn diện hơn của bà. Tờ Washington Post nhận định: “Buổi sáng chủ nhật đã làm thay đổi cuộc tranh luận trong cuộc tranh cử về vấn đề sức khỏe của bà Clinton. Hay đúng hơn là nó sẽ buộc bà Clinton phải có một cuộc trao đổi về sức khỏe của bà trong cuộc đua vào Nhà Trắng”.

Năm 2012, trong lúc bị nhiễm một loại virút ở dạ dày, bà Hillary Clinton bị choáng, va đập vào đầu dẫn tới chấn thương và có một cục máu đông trong não. Tuy nhiên lần kiểm tra sức khỏe năm sau đó cho thấy cục máu đông đã biến mất. Sau đó dư luận ồn lên với việc xuất hiện một bức thư từ ông Bardack là bác sĩ của bà Clinton, trong thư ông nói bệnh nhân của ông bị mất trí và co giật.

Tuy nhiên, vị bác sĩ này sau đó lên tiếng phản hồi rằng bức thư không phải do ông viết và “không dựa trên bất cứ thực tiễn y học nào”. Ông cũng lặp lại quan điểm từng khẳng định trong đánh giá trước đó là "bà Clinton đang trong điều kiện sức khỏe tuyệt vời và hoàn toàn phù hợp để trở thành tổng thống nước Mỹ".

Sức khỏe ứng cử viên tổng thống Mỹ bị soi kỹ

Bà Clinton và ông Trump không phải những ứng cử viên tổng thống Mỹ đầu tiên phải đối đầu với những lời đồn đại về tình trạng sức khỏe của họ.

Ông Franklin D. Roosevelt, người bị liệt từ phần thắt lưng trở xuống vì bệnh bại liệt, đã cẩn trọng trong việc xuất hiện trên truyền thông để tránh bị chụp ảnh khi đang ngồi trong xe lăn.

Ông Thomas F. Eagleton đã từ bỏ vị trí được đề cử là phó tổng thống của Đảng Dân chủ sau khi bị buộc thừa nhận ông từng phải điều trị trầm cảm.

Kể từ khi ông Reagan được đề cử năm 1980 ở tuổi 69, vấn đề sức khỏe của các ứng cử viên tổng thống đều bị điều tra ngày càng kỹ lưỡng hơn.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên