Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn đang thúc đẩy phát triển du lịch tại nhiều địa phương - Ảnh: T.L.
Tại hội thảo Bất động sản Việt Nam 2021 và sự trỗi dậy của những thị trường mới vừa được tổ chức, ông Nguyễn Văn Đính - phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản VN - nhận định đang có sự dịch chuyển đầu tư từ các thị trường lớn Hà Nội, TP.HCM để tới với các thị trường bất động sản mới nổi tại nhiều địa phương có tiềm năng về bất động sản nghỉ dưỡng.
Nguyên nhân bởi sản phẩm tại hai thị trường Hà Nội, TP.HCM ngày càng khan hiến, giá bán cao. Chẳng hạn, tại Hà Nội giá nhà chung cư gần như đạt đỉnh, khả năng đầu tư sinh lời là không có, nếu mua lướt sóng thì không thể có lãi. Phần lớn người mua hiện nay là mua để ở, đáp ứng nhu cầu thực tế.
Tương tự, tại TP.HCM trong 2 năm trở lại đây không có dự án mới, giá đang có sự tăng khá mạnh, bình quân giá tăng 5 - 7%, thậm chí có khu vực tăng giá trên 10%.
"Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đang chọn cách rót vốn vào các thị trường có khả năng sinh lời tốt, giá còn ở ngưỡng thấp. Đó chính là những thị trường bắt đầu có sự phát triển mạnh về kinh tế, trong đó có lợi thế phát triển công nghiệp, kinh tế du lịch, đó là địa phương mới có nhiều tiềm năng, lợi thế trong tương lai", ông Nguyễn Văn Đính nhận định.
Cũng theo ông Đính, những thị trường mới nổi có nhiều lợi thế như: địa phương có chính sách cởi mở, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn đến thực hiện các dự án phát triển công nghiệp, hạ tầng, kinh tế du lịch. Bên cạnh đó, giá bất động sản ở các địa phương này còn đang ở ngưỡng thấp, đất đai chỉ dao động ở giá trên dưới 10 triệu là những con số ấn tượng, thu hút nhiều người ta quan tâm.
Thực tế tại thị trường Quy Nhơn, năm 2018, giá bán tại các dự án bất động sản vùng ven chỉ trên dưới 10 triệu đồng/m2, nhưng đầu năm 2019 giá đã đẩy lên 15 - 17 triệu đồng/m2, một số dự án thì cục bộ tăng trên 20 triệu đồng/m2.
Hạ tầng giao thông kết nối tốt đang có sức hút cho bất động sản ở nhiều thị trường mới nổi - Ảnh: T.L
Nhận định về xu hướng đầu tư bất động sản năm 2021, TS Võ Trí Thành - nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - lại cho rằng tính hấp dẫn của bất động sản trong những năm trở lại đây đều gắn với sự dịch chuyển.
"Đó là xu thế, xu hướng. Xu thế rất quan trọng là dịch chuyển thị trường theo vùng miền. Các địa phương như Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh..., đang nổi lên. Điều này thấy rõ trong 2 - 3 năm nay. Đây là xu hướng dịch chuyển tích cực, gắn với địa lý vùng miền. Nhà đầu tư có thể phát triển ở đâu cũng được, đó là sự đòi hỏi mới về lối sống mới, cách sống, tiêu dùng mới" - TS Võ Trí Thành khẳng định.
Về khả năng thu hút đầu tư vào các thị trường mới nổi, theo TS Võ Trí Thành, có 3 yếu tố tiên quyết cho sự thành công, đó là: sự kết nối, không chỉ hạ tầng mà là kết nối công nghệ; sự quyết liệt của chính quyền địa phương và vai trò của nhà đầu tư chiến lược.
Đặc biệt, những nhà đầu tư tiên phong, nhà đầu tư chiến lược phải định hướng được những gì hình thành cho tương lai để tạo ra được sự dẫn dắt, hài hòa cho thị trường.
Cùng quan điểm này, TS Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - chia sẻ câu chuyện FLC đầu tư vào Quy Nhơn từ nhiều năm trước khi cả vùng đất vẫn là cát trắng. Sự mạnh dạn đầu tư rót vốn của nhà đầu tư đã khiến diện mạo của Quy Nhơn thay đổi rõ rệt.
"Ông bà xưa đã có câu thóc đến đâu, bồ câu đến đó, chính các dự án bất động sản đầu tư quy mô lớn đã mở ra cơ hội cho nhiều nhà đầu tư. Điều đó cho thấy thị trường mới nổi không thể nổi được nếu như không có dự án, không có nhà đầu tư tiên phong", ông Lịch nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận