15/06/2017 19:12 GMT+7

Sức hút kỳ lạ của Triều Tiên với du khách Mỹ

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Được trả tự do trong tình trạng hôn mê, trường hợp của sinh viên người Mỹ Otto Warmbier cho thấy Triều Tiên vẫn tiềm tàng ít nhiều rủi ro cho du khách phương Tây. Nhưng họ vẫn cứ tìm đến.

Ảnh chụp hai bức tượng của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành (trái) và Kim Chính Nhật ở Bình Nhưỡng hồi tháng 4 - ảnh: Reuters
Ảnh chụp hai bức tượng của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành (trái) và Kim Chính Nhật ở Bình Nhưỡng hồi tháng 4 - Ảnh: Reuters

Triều Tiên tuy bị cấm vận bao vây nhưng không hoàn toàn cô lập. Du lịch là một trong những cách giúp quốc gia này duy trì mối liên hệ với thế giới bên ngoài.

Dân phương Tây tò mò với Triều Tiên

Căng thẳng quốc tế liên quan đến chương trình vũ khí của Triều Tiên có ảnh hưởng đến du lịch nhưng không nhiều, theo ông Simon Cockerell, quản lý hãng lữ hành Koryo Tours có trụ sở ở Bắc Kinh. Công ty này chuyên đưa khách đến thăm Triều Tiên từ năm 1993.

Các hãng lữ hành ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc chuyên cung cấp dịch vụ “tour lạ” mọc lên như nấm những năm gần đây đề đáp ứng nhu cầu của du khách với sở thích khác thường. Hầu hết các tour đến Triều Tiên kéo dài từ 3 ngày đến 2 tuần, bao gồm các hoạt động như như di chuyển bằng tàu, trượt tuyết, lướt ván…

Khách du lịch đến Triều Tiên thường không được phép tự do đi lại mà phải di chuyển theo nhóm với sự tháp tùng của đại diện chính quyền sở tại.

Ông Brian Sayler, một sĩ quan cảnh sát ở Pensylvania (Mỹ), nhận xét chuyến du lịch Triều Tiên tháng 5 vừa qua giúp ông “mở mang tầm mắt” về một quốc gia thường xuyên bị tô vẽ xấu xí bởi truyền thông phương Tây.

“Một khi anh đã đặt chân đến đó và nhìn xung quanh, anh sẽ thay đổi ý kiến và cách nhìn. Khi anh nhận ra những con người bằng xương bằng thịt đang sinh sống ở đó, nó phần nào nhân tính hóa vùng đất đó”- ông Sayler phát biểu cảm nghĩ.

Số lượng du khách phương Tây đến Triều Tiên đạt nhiều nhất là 6.000 người hồi năm 2013, sau đó giảm nhẹ xuống khoảng 5.000 những năm gần đây. Người Mỹ chiếm khoảng 1/5 tổng số du khách phương Tây, tương đương 1.000 người.

Ngoài ra, ở Triều Tiên luôn hiện diện khoảng “vài trăm” nhân viên người Mỹ hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo và giáo dục. Ông Robert King, đặc phái viên về nhân quyền Triều Tiên dưới thời Tổng thống Barack Obama, đồng tình về con số ước lượng trên. Ông cũng cho biết Washington không giữ con số thống kê chính xác.

Một tiết mục múa tập thể kỳ niệm sinh nhật thứ 105 của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng ngày 15-4 - ảnh: Reuters
Một tiết mục múa tập thể kỳ niệm sinh nhật thứ 105 của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng ngày 15-4 - Ảnh: Reuters

Mỹ vẫn còn tranh cãi

Trong 10 năm qua, một số lượng nhất định công dân Mỹ cứ đều đặn bị bắt giữ ở Triều Tiên. Điều này dẫn đến hai luồng ý kiến: một bên kêu gọi ban hành lệnh cấm đi đến Triều Triên để giữ an toàn cho người Mỹ đồng thời cắt đứt một nguồn thu nhỏ (nhưng ổn định) của Bình Nhưỡng vì số tiền này có thể dùng cho phát triển tên lửa và hạt nhân; phe còn lại cho rằng Chính phủ Mỹ không nên giới hạn tự do đi lại của người dân.

Hạ viện Mỹ hồi tháng 5 cũng đã thông qua một dự luật cấm người dân du lịch đến Triều Tiên và yêu cầu bất cứ ai muốn tham gia hoạt động nhân đạo tại quốc gia này phải xin giấy phép. Tỉ lệ ủng hộ dự luật lên đến 419 phiếu thuận, chỉ 1 phiếu chống. Thượng viện Mỹ chưa xem xét dự luật này.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trình bày trước Quốc hội hôm thứ tư (14-6) rằng chính phủ đang cân nhắc lệnh cấm đi đến Triều Tiên nhưng chưa đi đến quyết định cuối cùng.

Cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman đến sân bay Bình Nhưỡng ngày 13-6. Ông này lại rất được trọng vọng ở Triều Tiên vì là bạn của lãnh đạo Kim Jong Un - Ảnh: Reuters
Cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman đến sân bay Bình Nhưỡng ngày 13-6. Ông này lại rất được trọng vọng ở Triều Tiên vì là bạn của lãnh đạo Kim Jong Un - Ảnh: Reuters

Có rất nhiều lý do để nhà chức trách Triều Tiên bắt giữ người Mỹ. Như anh sinh viên Otto Warmbier bị kết án 15 năm khổ sai vì phá hoại một tấm áp phích tuyên truyền khi đang đi du lịch Triều Tiên.

Ông Jeffrey Fowle, một công nhân ở Ohio, thì bị bắt vì tội bỏ lại một cuốn Kinh thánh trong phòng tắm một hộp đêm trong chuyến tham quan năm 2014. Ông này được thả sau vài tháng giam giữ.

Matthew Miller, một khách du lịch khác, lại bị bắt vì tội xé nát tờ thị thực khi đặt chân đến Triều Tiên năm 2014.

Một số khách du lịch chỉ được thả sau chuyến thăm của một phái đoàn cấp cao từ Mỹ.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên