13/06/2024 12:54 GMT+7

'Sức ép ngược' với ông Zelensky

Số lượng hơn 90 quốc gia xác nhận sẽ tham dự theo công bố của nước chủ nhà Thụy Sĩ cho thấy Hội nghị Hòa bình Ukraine (UPS) lần này chỉ thu hút được gần 60% trong tổng số 160 thư mời ban đầu.

Dải quang phổ miêu tả cường độ ảnh hưởng từ các hội nghị đa phương đến chiến sự Nga - Ukraine

Dải quang phổ miêu tả cường độ ảnh hưởng từ các hội nghị đa phương đến chiến sự Nga - Ukraine

Tuy nhiên chuỗi động thái do dự, hạ bậc hoặc từ chối tham gia của nhóm các nước còn lại dường như đang biểu lộ nhiều chỉ dấu cho thấy một thế trận được gián tiếp thiết lập nhằm kiến tạo áp lực ngược lên chính quyền Tổng thống Ukraine Zelensky.

Gia giảm "Công thức hòa bình 10 điểm"

Được xem như một thành quả quan trọng trong chuỗi động thái vận động ngoại giao tích cực của Kiev kể từ tháng 1-2024, Hội nghị UPS đầu tiên vào ngày 15-6 sẽ thảo luận cụ thể về các yêu cầu từ Ukraine để hướng đến định hình các quy tắc cơ bản cho "nền hòa bình công bằng và lâu dài" - theo tuyên bố từ Bộ Ngoại giao nước chủ nhà Thụy Sĩ.

Trong khi Ukraine liên tục vận động cho sự ủng hộ đa phương đối với "Công thức hòa bình 10 điểm" của ông Zelensky với kỳ vọng sẽ được đa số các nước tham dự thông qua nhằm tạo sức ép tổng lực lên kỳ UPS ngay sau đó với Nga, thì tình hình hiện tại lại cho thấy một kết quả trái với mong đợi vì sự định hình thế trận ba bước như sau:

Đầu tiên các nước ủng hộ Ukraine đã phối hợp cùng nhóm các nước trung lập tổ chức bốn hội nghị cấp cao "tiền trạm" lần lượt tại Đan Mạch (tháng 6-2023), Saudi Arabia (8-2023), Thổ Nhĩ Kỳ (10-2023) và cuối cùng là tại Thụy Sĩ (vào tháng 1-2024) với hơn 80 nước tham dự để bàn về "Công thức hòa bình 10 điểm" theo đúng yêu cầu từ Ukraine.

Sau đó các quốc gia này còn tích cực "lấy lòng" ông Zelensky khi ủng hộ thúc đẩy phần lớn các sáng kiến tập hợp lực lượng đa phương trong dải quang phổ tác động có lợi cho Ukraine như: Nhóm các quốc gia liên hệ phòng thủ cho Ukraine (UDCG), Hội nghị thượng đỉnh về phục hồi Ukraine (URC) cùng với các động thái trừng phạt Nga trong khuôn khổ thượng đỉnh khối G-7 và Liên minh châu Âu (EU).

Trong tuần lễ từ 7 đến 15-6, tất cả các đòi hỏi đơn phương từ Ukraine đều được đáp ứng ở một mức độ cụ thể thông qua một chuỗi các động thái (xem hình 1) như: Ủy ban châu Âu (EC) đồng ý đẩy nhanh xem xét quá trình đàm phán kết nạp Ukraine từ ngày 7-6, thượng đỉnh khối G-7 (từ 13 đến 15-6) dự kiến thông qua thỏa thuận sử dụng tiền lãi từ 280 tỉ USD tài sản của Nga bị phong tỏa, rồi đến Hội nghị URC diễn ra ở Berlin (từ 11 đến 12-6) và thượng đỉnh UPS (từ 15 đến 16-6).

Ngay đúng thời điểm hội tụ được đỉnh cao các lợi ích mong muốn cho Ukraine, chính các quốc gia này lại tuyên bố gia giảm "Công thức hòa bình 10 điểm" cốt lõi của ông Zelensky khi xác nhận chỉ bàn về ba nội dung thuộc nhóm an ninh truyền thống (an ninh hạt nhân), an ninh phi truyền thống (an ninh hàng hải, an ninh lương thực) và an ninh các vấn đề nhân đạo, né tránh hoàn toàn các nội dung về "chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ" mà Ukraine mong muốn.

Triển vọng kiến tạo nền tảng đối thoại trung gian giữa Nga với Ukraine giữa hai kỳ thượng đỉnh UPS sắp tới

Triển vọng kiến tạo nền tảng đối thoại trung gian giữa Nga với Ukraine giữa hai kỳ thượng đỉnh UPS sắp tới

Gắn chặt Ukraine vào nghị sự "có Nga"

Trong đợt tổng kết thành tựu viện trợ quân sự cho Ukraine sau hai năm thành lập nhóm UDCG, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của gói viện trợ an ninh bổ sung trị giá 6 tỉ USD vừa được thông qua vào tháng 4-2024 cho Ukraine.

Kết hợp với thành công của Hội nghị URC lần thứ ba vừa kết thúc ngày 12-6 ở Berlin (Đức), Chính phủ Đức đã xác định "thế đã rồi" của Ukraine khi gắn chặt lợi ích phát triển của nước này với cộng đồng quốc tế bằng tiêu đề "Đoàn kết trong phòng thủ, thống nhất trong phục hồi".

Qua đó Ukraine khó có thể tiếp tục giữ quan điểm ép buộc các nước phải chấp thuận đầy đủ "Công thức hòa bình 10 điểm" nếu không muốn đánh mất những lợi ích kinh tế - quân sự cấp thiết đang có được.

Và cuối cùng, sự "vắng mặt" của một loạt quốc gia có xu hướng thân Nga ở UPS lần này (như Trung Quốc, Brazil, Pakistan, Kyrgyzstan, Saudi Arabia...) cùng với quyết định hạ cấp phái đoàn tham gia (của Nam Phi, Ấn Độ...) tiếp tục tăng cường áp lực đối với quan điểm về một UPS tiếp theo "có Nga tham gia".

Thậm chí lập trường này được khẳng định rõ thông qua đề xuất chung từ phía các quốc gia thân Nga, đại diện là Trung Quốc và Brazil, vào cuối tháng 5-2024.

Nhận diện được cả ba nhóm áp lực này, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak vừa "đánh tiếng" vào ngày 11-6 về việc chấp thuận một kỳ UPS thứ hai có cả Nga và các nước thân thiện với Nga, bất kể thiết kế của kỳ thượng đỉnh tiếp theo sẽ khác hẳn với kế hoạch ban đầu mà Ukraine đề ra từ tháng 8-2023.

Bất chấp các nỗ lực vận động ngoại giao liên lục địa với cường độ cao của chính quyền Tổng thống Zelensky từ châu Âu đến tận châu Phi và mới đây nhất là ở Tây Á (thăm Saudi Arabia và Qatar) và châu Á - Thái Bình Dương (tham dự Đối thoại chiến lược Shangri-La), thượng đỉnh hòa bình cho Ukraine sắp tới sẽ vẫn diễn ra theo đúng quan điểm điều hướng các đòi hỏi đơn phương của Ukraine theo đúng chương trình nghị sự đảm bảo có cả sự tham gia của Nga và Ukraine lẫn các quốc gia Nam Bán cầu.

Ông Zelensky phản pháo ông Putin: Ông Zelensky phản pháo ông Putin: 'Tính hợp pháp của tổng thống do dân Ukraine quyết định'

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết tính hợp pháp của ông chỉ có thể được người dân Ukraine công nhận, bác bỏ việc ông Putin cho rằng ông đã hết nhiệm kỳ và quyền lực tổng thống nên được chuyển sang cho chủ tịch Quốc hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên