Các đại biểu cho rằng cần tính toán, đánh giá kỹ lưỡng suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: Quochoi.vn
Chiều 6-1, Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất làm thêm 729km, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỉ đồng.
Cho rằng Việt Nam đang thiếu đường cao tốc nên đầu tư là cần thiết, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường tính toán với suất đầu tư cho mỗi kilômet đường cao tốc 200 tỉ đồng là "hơi cao", nên cần xem xét lại cách tính.
Đồng tình, ông Hoàng Thanh Tùng - đoàn đại biểu Sóc Trăng, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cũng nhắc tới ý kiến của Kiểm toán Nhà nước.
Theo đó, cơ quan kiểm toán đã tính toán lại tổng mức đầu tư thì giảm 16.330 tỉ đồng so với tờ trình của Chính phủ. Như vậy bình quân là 152,9 tỉ đồng/km (không bao gồm giải phóng mặt bằng).
Trong khi đó, theo phương án của Chính phủ, bình quân mỗi kilômet đường dự án cao tốc Bắc - Nam là 175,4 tỉ đồng (không tính chi phí giải phóng mặt bằng. "Tính ra trung bình với con số là 175,4 tỉ đồng thì đã thực sự phù hợp hay chưa?", ông Tùng đặt vấn đề
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng tổng mức đầu tư mới là khái toán, chứ chưa lập dự án, chưa lập dự toán, chưa tính phương án đền bù nên chưa thể nói mức đầu tư cao hay thấp.
"Mức bình quân đầu tư đường cao tốc hiện nay là 200 tỉ/km, nhưng còn tùy vào nền đường vì nền đường mỗi vùng khác nhau. Khi lập dự toán, phê duyệt dự án, Bộ Giao thông vận tải phải chịu trách nhiệm về mức độ chính xác của tổng mức đầu tư, thiết kế dự toán", ông Phớc nói và cho hay tổng dự toán bao giờ cũng nhỏ hơn tổng mức đầu tư và theo lý thuyết thì quyết toán nhỏ hơn dự toán.
Đối với việc đấu thầu trạm thu phí và thu hồi vốn sau 5-7 năm, ông Phớc cho biết Bộ Giao thông vận tải đưa ra phương án đầu tư bằng phương thức BOT, thu phí trong 15 năm. Tuy nhiên, khi tính toán lại sẽ đặt 4 trạm, tổ chức đấu thầu, giao tư nhân quản lý, thì hiệu quả hơn nhiều khi thời gian thu phí chỉ còn 5-7 năm, giúp Nhà nước sớm thu hồi vốn.
Cho ý kiến tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ chủ trương đầu tư tuyến đường này bằng ngân sách nhà nước, song để đảm bảo tiến độ cần tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư.
Chỉ ra thực tế là ở nước ta, do giải phóng mặt bằng nên công tác đầu tư gấp gáp, quá trình thi công kéo dài. Do đó, Chủ tịch nước đề nghị công tác giải phóng mặt bằng nên giao cho địa phương đảm nhận, đảm bảo quyền lợi người dân trong dự án.
Ông cũng lưu ý, phải làm tốt hơn nữa công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra; không để gây thất thoát, lãng phí trong quá trình thi công dự án.
"Mong rằng Quốc hội sẽ thông qua với cơ chế giám sát rất cụ thể. Chúng ta tạo sự chủ động, nhanh hơn nhưng cũng phải tăng cường giám sát để chống thất thoát, lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Có Luật PPP nhưng đầu tư lớn đều xin đầu tư bằng ngân sách
Đại biểu Trịnh Xuân An, ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - an ninh, cho rằng việc chuyển đổi mô hình đầu tư từ đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công cho thấy có vấn đề lớn về hiệu lực, hiệu quả của Luật PPP.
“Luật ra đời với mục đích cao cả nhưng lại đang chết dần đi khi cái gì đầu tư lớn cũng đều xin đầu tư bằng ngân sách”, ông An nói và cho rằng nếu không có cách thức huy động nguồn lực tham gia, mãi đi theo con đường đầu tư công cho nhanh thì “không ổn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận