Mỗi ngày Công ty Khải Thành cung cấp khoảng 2.500 suất ăn cho các nơi đặt hàng - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Thông tin trên được ông Đặng Hồng Thạch - giám đốc Công ty Khải Thành (Q.Tân Phú) đưa ra tại buổi làm việc với Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM ngày 18-9.
Nạn bớt, xén làm bữa ăn công nhân thêm teo tóp
Theo ông Thạch, mỗi ngày công ty của ông cung cấp khoảng 2.500 suất ăn trưa cho năm công ty và trường học.
Dù giá tối thiểu được nâng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/suất, nhưng với vật giá như hiện nay, theo ông Thạch, "chỉ bao no, bao chất xơ, còn thịt, cá thì khiêm tốn".
Đồng quan điểm này, bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cho rằng dinh dưỡng trong bữa ăn của công nhân ở Việt Nam hiện tại còn khá thấp. Thậm chí, có tình trạng "bớt, xén" tiền chi trả cho suất ăn công nhân.
“Doanh nghiệp đặt suất ăn với giá thành cao nhưng qua nhiều khâu trung gian đã 'bớt, xén' bằng cách tìm nguồn thực phẩm giá rẻ thay thế. Có nơi đặt giá rất cao nhưng cơm tới tay công nhân giá trị thực chỉ còn 12.000-13.000 đồng" - bà Lan khẳng định.
Đại diện một đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp thừa nhận "khó kéo chất lượng bữa ăn lên" do đối tác không chịu chia sẻ.
"Để lên đơn giá suất ăn phải thu thập đầy đủ từ lương nhân viên, giá xăng dầu... cộng tất cả để so sánh năm này và năm khác. Từ đó, phân tích ra để đề xuất giá hợp lý lên các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ các công ty nhận thức tốt về tầm quan trọng của sức khỏe công nhân thì mới hiểu và tăng giá" - một vị khẳng định.
Bắt buộc nguồn thực phẩm vào bếp ăn phải đạt chuẩn
Theo bà Phong Lan, trước mắt là khuyến khích nhưng tương lai là bắt buộc việc nguồn thực phẩm vào bếp ăn công nghiệp hay nhà hàng, khách sạn phải đạt chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, giống như quy định thực phẩm cho các bếp ăn trường học phải đạt chuẩn, có thương hiệu hiện được TP thí điểm tại 6 quận.
Phải 20.000 đồng mới đủ
Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp chịu nâng mức giá từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/suất ăn cho công nhân. Tuy nhiên, việc đưa ra mức giá suất ăn do các công ty "tự quyết" và không quy định nào cấm.
Trong khi đó, theo nhiều doanh nghiệp cung cấp suất ăn, các đối tác bao giờ cũng muốn giá tiền cho suất ăn công nhân giảm đến mức thấp, không quan tâm đến sự an toàn hay đủ chất cho công nhân làm việc.
"Để công nhân có bữa ăn đủ chất theo thời giá hiện nay thì phải ở mức 20.000 đồng/suất", đại diện một đơn vị khẳng định.
Theo ông Thạch, các đơn vị lắng nghe, chia sẻ được sức khỏe của công nhân thì dễ tăng giá cho suất ăn. Còn lại các đơn vị nào không chịu thì công ty phải ngưng hợp đồng vì bữa ăn giá thấp thường gặp nhiều rủi ro về an toàn thực phẩm.
Nói về vấn đề này, bà Lan thừa nhận cần phải đưa chuẩn chung thay vì dựa vào ý thức doanh nghiệp. "Chúng tôi đang kiến nghị Quốc hội để có mức giá sàn tối thiểu cho bữa ăn công nhân, và chuẩn về dinh dưỡng. Bữa ăn không chỉ no, an toàn mà còn hướng đến tiêu chí đủ dinh dưỡng cho người lao động" - bà Lan khẳng định.
Theo bà Lan, hiện TP có 467 bếp ăn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và ngoài khu công nghiệp là 468. Do các doanh nghiệp cung cấp suất ăn, bếp ăn tập thể mỗi ngày đều phục vụ hàng ngàn suất ăn, nếu để xảy ra tình trạng ngộ độc thì hậu quả rất lớn.
Phạt rất nặng các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm
Thông tin từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm tại bếp ăn luôn bị phạt nặng. Cụ thể, đơn vị đã phạt nhiều doanh nghiệp với mức không dưới 100 triệu đồng cho các hành vi này.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, đơn vị này đã kiểm tra trên 4.000 doanh nghiệp liên quan đến an toàn thực phẩm tại TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận