Phóng to |
Học sinh Trường THCS Độc Lập (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) tham gia chương trình “Tự tin bừng sức trẻ” sáng 29-12-2013 do hai nhãn hàng lăn khử mùi và sữa rửa mặt tài trợ - Ảnh: K.D. |
“Chiêu” mà các nhà tổ chức thường áp dụng là mời học sinh đến trường ngoài giờ học để tham gia sinh hoạt kỹ năng mềm, sau đó nghe quảng cáo và nhận các phần quà dùng thử của nhà tài trợ.
Quảng cáo trá hình?
"Mới đây nhãn hàng băng vệ sinh nọ xin danh sách tất cả nữ sinh của trường và phát cho mỗi em một gói băng vệ sinh loại mới. Trước đó, một công ty nước giải khát cũng xin mở quầy hàng trong trường để tổ chức trò chơi trúng thưởng, nhưng chỉ được diễn ra trong các giờ ra chơi" Trợ lý thanh niên một trường THPT ở quận 12, TP.HCM |
Chị Tuyết M., phụ huynh có con học lớp 9 Trường THCS Độc Lập, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, bức xúc phản ảnh: “Cháu học lớp 9, thời gian học rất nhiều, chỉ có ngày chủ nhật để nghỉ ngơi vậy mà được trường thông báo 6g45 phải có mặt ở trường để dự sinh hoạt gì đó, có điểm danh. Khi về cháu nói rất giận vì thì ra là chương trình quảng cáo chai lăn khử mùi và sữa rửa mặt. Trước đó, cháu cũng được phát dùng thử băng vệ sinh ở trước cổng trường. Thiết nghĩ những hoạt động quảng cáo kiểu này chỉ nên diễn ra ở siêu thị chứ tại sao lại vào cả trường học”.
Trước đó, chương trình này đã được tổ chức với các hoạt động tương tự ở ba trường THCS khác tại Phú Nhuận: tư vấn cho giáo viên và học sinh, tập bài nhảy flashmob, tặng quà. Còn tại quận 11, hiệu trưởng một trường THCS xác nhận: “Nhãn hàng này có tìm đến trường để tập huấn cho giáo viên, học sinh trong hai tiết và tổ chức một buổi sinh hoạt lớn. Nhà trường xem đây như một hoạt động ngoài giờ lên lớp và tôi thấy học sinh cũng rất hào hứng tham gia”. Chỉ riêng trong tháng 11, chương trình này đã được tổ chức đồng loạt ở rất nhiều trường THCS tại Hà Nội và TP.HCM.
Đầu năm học mới này, một nhãn hàng sữa lớn cũng có cuộc “tổng tiến công” các trường mầm non và trường tiểu học trên địa bàn TP với lời chào mời: công ty sữa sẽ tặng nhà trường một bức tranh vẽ trên tường bao quanh trường, đổi lại logo của nhãn sữa sẽ được vẽ hoặc dán ở góc trên bức tranh tường. Hiện nay trên thị trường, chi phí vẽ tranh tường chỉ khoảng 150.000-200.000 đồng/m2. Như vậy khoản tiền mà công ty này bỏ ra không hề nhiều nhặn gì so với việc logo của nhãn hàng nằm chễm chệ ngay cổng trường, tiếp thị đến hàng trăm lượt phụ huynh và học sinh suốt cả một năm học. Đi một loạt trường mầm non tại TP.HCM, có thể thấy hoạt động quảng bá của các nhãn hàng sữa được tổ chức công khai, chưa kể còn được ưu tiên những vị trí đẹp nhất trên tường hoặc cổng trường.
Tại một trường tiểu học có hơn 2.000 học sinh ở Q.Gò Vấp, poster của ba nhãn hàng nổi tiếng là xà bông diệt khuẩn, nước rửa tay và kem đánh răng xuất hiện trong trường theo kiểu “đập vào mắt” bởi các nhãn hàng này phát một số lượng quà tặng lớn cho các học sinh tiểu học. Một nhãn hàng bánh xốp cũng tìm đến căngtin các trường học và hỗ trợ một khoản kinh phí nhỏ để được dựng quầy hàng và quảng bá chương trình “Vỏ bánh đổi quà” vào giờ ra chơi.
Đủ kiểu lách
Nói về chương trình tại Trường THCS Độc Lập, cô Trương Thị Mỹ Lai - hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Đây là chương trình nằm trong kế hoạch của nhà thiếu nhi quận. Học sinh lớp 8 và lớp 9 được tư vấn cách giao tiếp tự tin trước đám đông, ăn mặc sao cho hợp thời trang. Hiện nay nhiều công ty cũng liên hệ với nhà trường để tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm thông qua các chương trình, tuy nhiên trường học không phải nơi mua bán hay quảng cáo. Trường chỉ đồng ý nếu những chương trình ấy thật sự có lợi ích cho học sinh và phù hợp với việc giáo dục toàn diện học sinh”.
Theo tờ quảng cáo của chương trình treo tại trường thì đây là một chương trình huấn luyện thẩm mỹ và hình thể với nội dung “Bật mí bí kíp tự tin”, “Bạn đã chuẩn bị gì để trở thành một người lớn mạnh mẽ và tự tin”. Trong kế hoạch tổ chức chương trình mà nhà trường nhận được thì trường sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng và phải dán năm poster và treo một banner một tuần trước khi chương trình bắt đầu. Đồng thời trường phải hỗ trợ địa điểm, âm thanh, huy động giáo viên điều động và quản lý học sinh suốt thời gian diễn ra sinh hoạt nói trên.
Một giáo viên ở Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho hay: “Từ đầu năm đến giờ rất nhiều nhãn hàng tìm đến trường xin quảng bá bằng nhiều cách thức, sinh hoạt kỹ năng sống, dựng gian hàng, chơi trò chơi, phát quà miễn phí. Tuy nhiên trường thường từ chối những nhãn hàng nhạy cảm, và chỉ đồng ý nếu chương trình của nhãn hàng đó miễn phí, tạo không khí vui vẻ cho học sinh, các em được tặng quà và không ảnh hưởng đến giờ học”.
Theo bà Trần Thị Kim Thanh - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, sở đã có văn bản quy định không được quảng cáo các nhãn hàng trong trường học. Khi quảng cáo một sản phẩm nào trong nhà trường phải có sự phê duyệt của cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, trên thực tế với con đường tiếp thị thông qua các tổ chức ở quận huyện, nhà thiếu nhi, hội liên hiệp... hoặc “đi đêm” với các trường, tình trạng quảng cáo trong nhà trường ngày càng xô bồ, biến tướng và đã nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành giáo dục.
Không được quảng cáo trong trường học Trước sự bát nháo của các hoạt động quảng cáo, treo băngrôn trong trường học, từ cuối năm 2012 Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các trường không được treo bảng, băngrôn quảng cáo trong nhà trường. Theo văn bản này, có nhiều đơn vị kinh tế, doanh nghiệp tư nhân trực tiếp liên hệ các đơn vị giáo dục, hoặc thông qua các đơn vị, tổ chức chính trị ở quận, huyện, TP để thực hiện quảng cáo sản phẩm dưới danh nghĩa tổ chức ngày hội, tặng quà, trao học bổng, băngrôn tuyên truyền làm ảnh hưởng đến tính nghiêm túc của trường học. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận