Đối với trẻ thấp cân
Thuật ngữ trẻ nhẹ cân dùng chỉ cân nặng của trẻ lúc mới sinh dưới 2500g do trẻ sinh ra trước ngày dự kiến (dưới 38 tuần) hoặc trẻ sinh ra đủ tháng hay già tháng (trên 42 tuần) mà cân nặng không tương xứng với tuổi thai.
Ở nước ta, tỷ lệ trẻ nhẹ cân có nhiều nguy cơ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn và trẻ cần sữa mẹ nhiều hơn. Nhưng trẻ nhẹ cân nhiều khi lại khó bú mẹ do không có khả năng mút vú mạnh và bà mẹ có thể gặp khó khăn để vắt đủ sữa cho con mình.
Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo nhất, đặc biệt là sữa của bà mẹ đẻ non chứa nhiều protein hơn. Phần lớn protein thêm vào là các protein chống nhiễm khuẩn bao gồm lactoferin (gắn với chất sắt, ngăn ngừa sự phát triển của các vi khuẩn cần chất sắt) và lysozym (tiêu diệt vi khuẩn) cũng như các kháng thể globulin miễn dịch (chủ yếu là IgA). Các yếu tố chống nhiễm khuẩn khác bao gồm yếu tố bifidus. Thúc đẩy sự phát triển của các trực trùng bifidus trong sữa rất lành tính, không gây bệnh do các trực trùng này ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh và làm cho phân của trẻ có mùi chua.
Lipit trong sữa mẹ ngoài các axit béo thiết yếu còn có men lipase giúp tiêu hóa mỡ. Lượng sắt trong sữa mẹ tuy số lượng bằng sắt trong sữa bò nhưng được hấp thụ cao tới 50% trong khi đó ở sữa bò chỉ hấp thu 10% nên giúp trẻ chống thiếu máu thiếu sắt đến 6 tháng tuổi mặc dù chỉ bú mẹ hoàn toàn.
Đối với trẻ có cân nặng rất thấp khi sinh (từ 1000g tới 1500g) hoặc đặc biệt thấp (dưới l000g), cơ thể trẻ cần tăng thêm chất dinh dưỡng ngoài sữa mẹ trong một thời gian. Một số trẻ cần tăng thêm canxi, một số trẻ cần thêm protein hay năng lượng. Quyết định này phụ thuộc vào ý kiến bác sĩ điều trị.
Cách nuôi dưỡng
Trong vài ngày đầu trẻ không có khả năng ăn bằng đường miệng thì cần được nuôi bằng đường tĩnh mạch. Khi trẻ bắt đầu nuôi được bằng đường miệng thì có thể dùng sữa mẹ vắt ra cho trẻ ăn bằng ống thông. Nếu có thể, cho người mẹ bế trẻ và tiếp xúc da kề da với trẻ hàng ngày.
Với trẻ có tuổi thai 30 - 32 tuần có thể cho ăn bằng thìa hoặc vắt sữa vào miệng trẻ. Nếu trẻ có tuổi thai lớn hơn 32 tuần thì trẻ có thể bú mẹ, nếu trẻ chưa bú được đủ sữa thì vẫn kết hợp cho ăn bằng ống thông để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ.
Phải chú ý bế trẻ ở tư thế bà mẹ đỡ trẻ thẳng đầu, lưng, mông trên cánh tay mình và áp sát bụng mẹ, một tay đỡ mông trẻ. Cho trẻ ngậm sâu vào quầng đen của vú mẹ thì trẻ sẽ bú mẹ dễ dàng hơn và có hiệu quả.
Nếu phải vắt sữa cho ăn bằng cốc, thìa nhưng sữa mẹ không đủ thì có thể xin thêm sữa của một bà mẹ khỏe mạnh để cho trẻ ăn vẫn tốt hơn ăn thức ăn nhân tạo. Nếu bà mẹ có HBsAg dương tính thì con phải được tiêm ngay huyết thanh và vacxin phòng viêm gan, rồi vẫn có thể dùng sữa bà mẹ này nuôi con mình.
Còn bà mẹ bị HIV dương tính nên cho trẻ ăn sữa thay thế khác hoặc dùng sữa mẹ được đun sôi tiệt trùng, việc đun sôi có phá hủy nhiều yếu tố chống nhiễm khuẩn trong sữa mẹ nhưng các thành phần dinh dưỡng khác cũng đáp ứng được phần nào nhu cầu của trẻ, hoặc có thể cho bú mẹ 3 tháng đầu rồi chuyển sang thức ăn khác. Trong thời gian này cũng có ít nguy cơ lây nhiễm nên phải tránh xây xước vú mẹ và tránh viêm nhiễm miệng trẻ.
Bệnh vàng da thường gặp và nặng hơn ở những trẻ không nhận đủ sữa mẹ. Những bữa bú sớm đặc biệt hữu ích vì nó cung cấp sữa non, ngoài việc có lượng protein rất cao, sữa non lại có tác dụng tẩy nhẹ, giúp làm sạch phân xu, giúp cho Bilirulin được bài tiết theo phân. Do vậy, sữa non giúp cung cấp dinh dưỡng cho trẻ và phòng chống bệnh tốt (vì có nhiều protein kháng khuẩn) và làm cho vàng da hết đi nhanh chóng (do tác dụng tẩy).
Với trẻ bị các bệnh khác thì cũng rất cần sữa mẹ để nhận được nhiều chất dinh dưỡng phù hợp, dễ tiêu hóa hấp thu, trẻ không bị sụt cân nhanh chóng và phục hồi cũng nhanh hơn giúp bà mẹ tiếp tục tạo sữa và khi khỏi bệnh thì trẻ tiếp tục bú dễ dàng.
Vì thế nếu trẻ còn bú tốt thì khuyến khích mẹ cho bú nhiều lần hơn, tăng số lần cho bú tới 12 lần hoặc hơn trong một ngày theo nhu cầu của trẻ. Khi cho trẻ bú, cần cho trẻ bú kiệt hết một bên rồi mới chuyển sang bên kia để trẻ tận dụng được nguồn sữa cuối có trong bầu vú mẹ (sữa cuối có nhiều chất béo hơn).
Nếu trẻ không thể bú mẹ được hoặc bú không đủ thì bà mẹ nên vắt sữa ra cốc cho trẻ ăn bằng thìa. Nếu sữa bà mẹ vắt ra nhiều hơn nhu cầu của trẻ thì nên cho trẻ ăn trước lượng sữa cuối vừa vắt ra, có màu trắng đục hơn vì nhiều chất béo. Sau đó nếu trẻ ăn được nữa, ta cho trẻ ăn tiếp lượng sữa đầu vắt ra. Như vậy trẻ sẽ tăng trưởng tốt hơn vì nhận được nhiều năng lượng từ chất béo của sữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận