26/05/2014 09:53 GMT+7

Sửa luật để môi trường đầu tư hấp dẫn hơn

 V.V.THÀNH
 V.V.THÀNH

TTO - Sáng nay 26-5, Quốc hội nghe tờ trình về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Dự thảo được đặc biệt quan tâm khi bỏ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, không buộc ghi ngành nghề kinh doanh trên GCN...

ngRwhZFr.jpgPhóng to
Nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết mục tiêu cao nhất của sửa đổi Luật doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư, qua đó tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp sẽ trở thành công cụ kinh doanh rẻ hơn

Theo ông Bùi Quang Vinh, thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay ở nước ta đã được cải thiện nhiều và đạt được nhiều kết quả tích cực, to lớn so với trước đây. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục cải cách.

Đơn cử như so sánh với quốc tế và khu vực về tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí.

Theo cách tính của Ngân hàng thế giới năm 2013, khởi sự kinh doanh ở nước ta gồm 10 thủ tục với tổng thời gian vào khoảng 34 ngày, xếp hạng thứ 109 trên 189 quốc gia và nền kinh tế. Vì vậy, yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm hồ sơ và thủ tục, giảm thời gian và chi phí để nâng cao mức xếp hạng về năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh vẫn hết sức cấp thiết.

Báo cáo của Chính phủ nhận định nếu dự thảo Luật được thông qua, môi trường kinh doanh sẽ thuận lợi hơn, thông thoáng, minh bạch và công bằng hơn.

Riêng về chất lượng môi trường kinh doanh theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới, chỉ số gia nhập thị trường dự báo sẽ tăng khoảng 50 bậc và sẽ xếp hạng khoảng 60 trên 189 quốc gia; chỉ số bảo vệ nhà đầu tư dự báo tăng khoảng 30 bậc và sẽ xếp hạng khoảng 120 trên 189 quốc gia.

Báo cáo của Chính phủ cho biết dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) quy định Chính phủ định kỳ rà soát, công bố công khai danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng được quy định tại Luật, Pháp lệnh và Nghị định.

Dự thảo luật cũng bãi bỏ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, không ghi ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật), kết hợp đồng thời thủ tục đăng ký doanh nghiệp với thủ tục về thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội.

Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nói đa số ý kiến trong Uỷ ban này đề nghị cụ thể hóa những ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo tinh thần của Hiến pháp về quyền của mọi người tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Hiện nay, trong một số luật (Luật đầu tư, Luật thương mại, Luật kinh doanh bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật hàng không, Luật phòng cháy, chữa cháy…) đã có quy định về lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, để bảo đảm sự thống nhất và minh bạch, cần tập hợp để quy định thành những danh mục cụ thể kèm theo dự án Luật này trên cơ sở xem xét tính hợp lý và khả thi; đồng thời, quy định rõ hơn trong dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) nguyên tắc xác định các ngành, nghề cấm kinh doanh.

Ý kiến khác nhau về doanh nghiệp nhà nước

Dự thảo Luật bổ sung chương mới quy định về doanh nghiệp nhà nước, về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết một số ý kiến trong Uỷ ban kinh tế tán thành với dự án Luật về việc có chương riêng điều chỉnh hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước.

Thực tế có một số không nhỏ doanh nghiệp hoạt động yếu kém thời gian qua đặt ra yêu cầu cấp thiết cần quy định rõ và chặt chẽ hơn về quản trị doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhà nước. Một số ý kiến đề nghị quy định tất cả những nội dung về doanh nghiệp nhà nước trong Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.

Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Uỷ ban kinh tế đề nghị không nên có chương hoặc mục riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước trong Luật. Việc bổ sung một chương, mục riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước có thể dẫn đến sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật doanh nghiệp là luật chung về thành lập, tổ chức và hoạt động doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế.

Do vậy, đối với những nội dung có tính đặc thù liên quan đến thành lập và tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước cần được chuyển hóa vào các phần tương ứng trong dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi).

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp, tạo cơ sở pháp lý đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; bổ sung quy định về tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước.

Ngày 28-5 tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật nêu trên.

 V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên