Ông Hoàng Thanh Tùng - Ảnh: PHẠM THẮNG
Chiều 13-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tiếp dân, khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2022.
Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương (số liệu từ 1-8-2021 đến 31-7-2022), số lượt người đến để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 14,1%; số lượt đoàn đông người giảm 32,7%. Tổng số đơn các loại giảm 4%.
Tuy nhiên số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước tăng 3,9%. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết hơn 19.900 trong tổng số 23.526 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỉ lệ 84,9%.
Qua đó đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 25,2 tỉ đồng, 1,9 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 319,0 tỉ đồng, 8 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 61 tổ chức, 702 cá nhân; kiến nghị xử lý 466 người; chuyển cơ quan điều tra xử lý 32 vụ, 35 đối tượng.
Ông Phong nêu rõ nội dung đơn khiếu nại vẫn chủ yếu liên quan đến đất đai, chiếm tỉ lệ 64,6%.
Còn tố cáo nội dung chủ yếu là cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ; có lối sống, sinh hoạt không đúng mực, vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước…
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong - Ảnh: PHẠM THẮNG
Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay thường trực ủy ban đánh giá, cơ cấu lĩnh vực khiếu nại cơ bản không có nhiều thay đổi so với các năm trước, vẫn tập trung chủ yếu liên quan đến đất đai.
“Điều này cho thấy việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật có liên quan thời gian qua chưa hiệu quả, chưa tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập dẫn đến phát sinh khiếu nại trong lĩnh vực đất đai”, ông Tùng nói.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi 6 nghị định về đất đai để tháo gỡ vướng mắc.
Song thường trực ủy ban cho rằng giải pháp căn cơ là cần khẩn trương, tập trung hoàn thiện dự án Luật đất đai (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) sớm trình Quốc hội xem xét.
Trong quá trình sửa đổi, theo cơ quan thẩm tra cần tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, doanh nghiệp, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để các quy định của luật sau khi được Quốc hội ban hành thực sự phù hợp với thực tiễn.
“Có như vậy mới khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện phức tạp trong lĩnh vực đất đai”, Ủy ban Pháp luật nêu quan điểm.
Trong khi đang chờ sửa luật, tới đây nhiều dự án quan trọng quốc gia mới được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư như đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, dự án đường vành đai 3 TP.HCM, dự án đường vành đai 4 thủ đô Hà Nội và một số dự án đường bộ cao tốc khác sẽ tiếp tục triển khai.
Các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao cũng sẽ có nhiều dự án phải thu hồi đất, bồi thường, tái định cư. Do đó, cơ quan thẩm tra dự báo, khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến đất đai sẽ tiếp tục là một “điểm nóng”.
Đồng thời khiếu nại, tố cáo liên quan đến môi trường tiếp tục gia tăng nhất là với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng nguyên vật liệu, khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường gần khu dân cư sinh sống.
“Đề nghị Chính phủ quan tâm, bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ cụ thể tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp”, ông Tùng nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận