Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Ngô Trung Thành, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chia sẻ dự thảo Luật đất đai đã có quy định các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, nhưng cá nhân ông thấy chưa yên tâm.
* Nhiều đại biểu khi thảo luận tổ cũng còn băn khoăn và cho rằng cần làm rõ hơn tiêu chí, tiêu chuẩn khái niệm "vì lợi ích quốc gia, công cộng". Vì sao vậy, thưa ông?
- Hiến pháp quy định rất rõ trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì mục tiêu, lợi ích quốc gia, công cộng, Nhà nước mới thu hồi đất. Dự thảo luật mới xác định những trường hợp nào vì mục đích quốc gia, công cộng, còn thế nào là thật sự cần thiết vẫn còn nợ.
Ví dụ dự thảo luật quy định quyền thu hồi đất của dân để làm dự án cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ xã hội, nhưng cơ sở y tế, phòng khám thế nào là thật cần thiết để thu hồi đất lại chưa rõ vì không phải phòng khám nào cũng thu hồi đất. Hay thu hồi để làm khu dân cư nông thôn, tiêu chí nào để biết dự án thực sự cần thiết lại chưa rõ.
Dự luật mới chỉ quy định rõ mục tiêu, mục đích thu hồi nhưng chưa làm rõ tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng chưa đạt yêu cầu, chưa thể chế hóa đầy đủ Hiến pháp. Do đó, cần rà soát kỹ lưỡng lại để làm rõ các tiêu chí cụ thể.
* Hiện nay, hơn 70% khiếu nại, khiếu kiện của người dân liên quan đến vấn đề đất đai. Vậy với việc sửa đổi như dự thảo luật này có giải quyết được vấn đề này không?
- Đặt mục tiêu không còn khiếu nại, khiếu kiện về thu hồi đất đai sẽ rất xa vời. Nhưng yêu cầu dự luật phải hạn chế đến mức tối đa việc này. Sứ mệnh của dự án luật này là nhìn nhận được các tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định của pháp luật đất đai hiện hành liên quan thu hồi, giải phóng mặt bằng để tìm cách khắc phục tối đa.
Một trong những hạn chế đó chính là phạm vi, nội hàm dự án thuộc diện thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế, xã hội, lợi ích quốc gia, công cộng vẫn chưa rõ ràng. Từ đó dẫn đến địa phương có nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau. Cùng một loại hình dự án nhưng địa phương này phải thỏa thuận, còn địa phương kia lại thu hồi. Người dân dễ có tâm lý so sánh, khiếu kiện, khiếu nại.
Lần này, dự luật phải làm rõ hơn nữa tiêu chí, điều kiện cụ thể của các dự án thuộc diện thu hồi. Đó là một trong những yêu cầu tiên quyết để hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.
* Từ những lo lắng, có ý kiến cho rằng dự án Luật Đất đai sửa đổi nên lùi lại thêm để xin ý kiến, bàn thảo thêm?
- Tôi nghĩ rằng thời gian qua các cơ quan đã làm việc cật lực để có tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật với chất lượng tốt hơn.
Với thời gian hơn hai tháng lấy ý kiến nhân dân đã thu được trên 12 triệu lượt ý kiến tham gia, đó là sự tham gia đóng góp hết sức trách nhiệm, tận tâm. Do đó việc nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật là yêu cầu đòi hỏi với các cơ quan.
Với dung lượng thời gian không có nhiều, từ khi kết thúc lấy ý kiến nhân dân để các cơ quan tiếp thu, cho đến dự án luật được hoàn thiện trình ra kỳ họp này và kỳ họp sau là hết sức thách thức với cơ quan soạn thảo, thẩm tra.
Về chất lượng luật sẽ phụ thuộc vào ý kiến thảo luận của các đại biểu. Nhưng tôi cho rằng mục tiêu quan trọng nhất sửa đổi lần này phải xây dựng dự án luật bảo đảm đáp ứng yêu cầu khai thác phát huy tiềm năng thế mạnh của đất đai.
Đồng thời, làm sao phải giảm thiểu phát sinh các khiếu nại, tố cáo, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Như vậy, việc này thách thức rất lớn về thời gian.
Với mục tiêu đặt ra như vậy, không nên đặt mục tiêu xem xét, sớm thông qua luật này bằng mục tiêu thông qua dự án luật thực sự chất lượng, giải quyết các vấn đề căn bản, cốt lõi mà người dân, doanh nghiệp, Nhà nước đặt ra.
* Nghị quyết 18 và dự thảo có nêu việc nơi tái định cư của người dân sau khi bị thu hồi đất phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Theo ông, nên định lượng thế nào cho đúng?
- Rất khó để xác định được thế nào hơn hay kém, bởi việc này phụ thuộc quan điểm mỗi người. Do vậy, cần định lượng hóa, xác định rõ tiêu chí thế nào là tốt hơn. Dự thảo mới hiện nay đi theo hướng đó là đúng.
Một trong những yêu cầu giải phóng mặt bằng, tái định cư phải giảm thiểu bất lợi cho người dân. Bất lợi không chỉ riêng về nơi ở, căn nhà mà phải là vấn đề tổng thể. Kể cả điều kiện nhà tốt hơn, đi lại phải thuận tiện, vệ sinh môi trường phải sạch sẽ, điều kiện hạ tầng, giáo dục phải tốt hơn.
Cần quan tâm chú trọng bảo đảm lợi ích thật tốt của người dân đã nhường đất cho các dự án. Bên cạnh đó cần tái định cư tại chỗ hoặc gần nơi ở cũ, vì họ quen môi trường sống và đảm bảo sinh kế cho họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận