Một trong những đề xuất đáng chú ý tại dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán vừa công bố, đó là thêm các quy định "chặt" hơn, nhằm bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán.
Công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỉ đồng, nhưng phải tối thiểu "2 tuổi"
Cụ thể, dự thảo lần này bổ sung quy định trách nhiệm tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ hoặc tham gia quá trình lập hồ sơ, tài liệu báo cáo, tổ chức tư vấn hồ sơ, tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên được chấp thuận, doanh nghiệp thẩm định giá…
Đồng thời sửa đổi quy định về công ty đại chúng không chỉ có vốn điều lệ đã góp, mà phải có vốn chủ sở hữu 30 tỉ đồng trở lên.
Với khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, Luật Chứng khoán 2019 chỉ yêu cầu "công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỉ đồng". Tuy nhiên trong lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo luật thêm yêu cầu "phải có thời gian hoạt động tối thiểu 2 năm".
Còn đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân, ngoài yêu cầu về thu nhập, dự thảo luật đề xuất bổ sung thêm quy định phải tham gia đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất.
Như vậy, điểm sửa đổi đi theo hướng nâng cao hơn nữa chất lượng nhà đầu tư, nhằm tăng khả năng đánh giá rủi ro trên thị trường chứng khoán.
Đồng thời dự thảo cũng mở rộng hơn đối tượng là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, với việc bổ sung thêm tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Cũng theo dự thảo đề cương, điều 15 về chào bán chứng khoán ra công chúng tại Luật Chứng khoán 2019 cũng được sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể, đối với chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng được bổ sung quy định, ngoại trừ chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ sở hữu, thì không phải đạt tỉ lệ tối thiểu 70% số cổ phiếu được chào bán trong trường hợp chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tố chức phát hành.
Luật hóa thêm nhiều hành vi thao túng chứng khoán
Bộ Tài chính còn đề xuất, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Trong đó có hành vi bị nghiêm cấm được bổ sung liên quan đến giao dịch của người nội bộ công ty đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan trong việc không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng (hay còn gọi là giao dịch "chui").
Cũng theo dự thảo, luật hóa quy định về hành vi thao túng thị trường chứng khoán từ nghị định 156 bao gồm cụ thể các hành vi như mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo mức giá mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường, hay hành vi đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch, hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự…
Những đề xuất nêu trên được cơ quan quản lý về thị trường chứng khoán cân nhắc từ thực tiễn phát sinh gần đây.
Gần đây, nhiều ý kiến thậm chí còn đề xuất bỏ phiên ATC. Dù chỉ diễn ra trong 15 phút cuối cùng phiên giao dịch, nhưng lệnh ATC có hiệu lực lớn nhất, quyết định giá tham chiếu của phiên hôm sau.
Chưa kể quy mô thị trường Việt Nam nhỏ, do vậy nhiều nhà đầu tư nghi ngại hiện tượng lợi dụng ATC làm méo mó thị trường, làm giá chứng khoán. Thực tế có nhiều phiên ATC gây tâm lý hoảng loạn cho nhà đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận