Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Các đại biểu cho rằng hành vi nhũng nhiễu đang diễn ra rất phổ biến, đặc biệt ở khu vực miền núi hoặc nông thôn. Công an xã hoặc người thu thuế, ở thành phố thì là trật tự phường, là những đối tượng mà người dân gọi là "cường hào ác bá kiểu mới".
Một đại biểu nói: "Tôi đã nhìn thấy những người bán xôi, bán đậu, bán mớ rau mỗi ngày ráng kiếm năm ba chục ngàn sinh nhai nhưng hàng ngày phải nộp tiền cho một người nào đó. Khi người này tới thì tự động móc tiền đưa, nhiều thì 10 ngàn, ít thì 5 ngàn.
Một lần thì năm, mười ngàn nhưng cả trăm lần thì là tiền triệu. Thế nhưng nếu phát hiện thì chỉ xử lý vi phạm hành chính chứ không xử lý hình sự. Đề nghị sửa luật làm rõ nhũng nhiễu là gì và đưa ra hình thức xử lý phù hợp".
Các đại biểu TP.HCM cũng góp ý về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng và công khai các bản kê khai tài sản. Cụ thể, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang cho rằng luật cần quy định rõ việc thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, vì nếu không thu hồi được thì việc phòng chống tham nhũng chưa thực sự hiệu quả.
Các đại biểu cũng lưu ý các hình thức tham nhũng khác ngoài vật chất như tham nhũng chính sách, tham nhũng quan hệ… Ông Trần Quốc Tú (Sở Tư pháp TP.HCM) kiến nghị bổ sung các quy định về các hình thức tham ô không nhận tài sản vật chất trực tiếp, tham nhũng liên quan đến lợi ích nhóm…
Ông Nguyễn Văn Tùng, viện trưởng Viện hình sự, VKSND cấp cao tại TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Ông Nguyễn Văn Tùng - viện trưởng Viện hình sự, VKSND cấp cao tại TP.HCM - thì kiến nghị Quốc hội lập một ban điều tra lâm thời khi nhận được thông tin tố cáo tham nhũng về một cá nhân. Ban điều tra này không bị giới hạn bởi bất kể vị trí nào.
Là người có kinh nghiệm trong thực tiễn xét xử, ông Tùng cũng góp ý về việc tiếp nhận thông tin tố cáo. Luật Phòng chống tham nhũng hiện không quy định cơ quan điều tra và tòa án là nơi tiếp nhận đơn tố cáo.
"Vậy trong các phiên xét xử, quá trình điều tra mà bị can, bị cáo muốn lập công chuộc tội và tố cáo về người nhận hối lộ thì tòa và cơ quan điều tra xử lý ra sao?", ông Tùng đặt câu hỏi.
Dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi có đến 3 điều quy định về vai trò của nhà báo, cơ quan báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, căn cứ trên thực tế là nhiều vụ việc tham nhũng được phanh phui nhờ phát hiện của báo chí.
Dự thảo luật quy định rằng, nhà báo, cơ quan báo chí có trách nhiệm thực hiện chức năng phòng chống tham nhũng, nhưng cũng thừa nhận nhà báo chưa được tạo điều kiện trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, cụ thể như việc tiếp cận thông tin hay xác minh thông tin đều còn nhiều khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận