Sửa luật Bảo hiểm xã hội: Giải bài toán cũ bằng cách mới

HÀ QUÂN 18/06/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi sẽ giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần nâng cao mức đóng BHXH để đảm bảo an sinh lâu dài cho người lao động.

Người lao động làm thủ tục hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội tại Hà Nội. Ảnh: HÀ QUÂN

 

Dự kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023), Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật BHXH sửa đổi, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024) và có hiệu lực từ 1-1-2025.

Giảm số năm đóng BHXH

Theo Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), Luật BHXH sửa đổi lần này điều chỉnh 5 chính sách BHXH. Cụ thể: điều chỉnh giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm. 

Việc này tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH, có lương hưu khi về già. 

Ngoài ra, bổ sung trợ cấp thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện; quy định ngăn chặn tình trạng trục lợi, trốn đóng, chậm đóng BHXH thời gian dài; bổ sung hình thức ủy thác đầu tư quỹ BHXH… 

Cơ quan soạn thảo cũng định hướng xây dựng hệ thống BHXH đa tầng gồm tầng trợ cấp (hưu trí) xã hội, tầng BHXH cơ bản (gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện) và tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung…

Để tạo sự liên kết và hỗ trợ giữa các tầng, Luật BHXH sửa đổi dự kiến bổ sung quy định trợ cấp đối với người lao động không đủ điều kiện nhận lương hưu hằng tháng, không rút BHXH một lần sẽ nhận trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn, đồng thời mức trợ cấp hằng tháng cũng cao hơn. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ông Lê Đình Quảng, phó trưởng Ban chính sách pháp luật Tổng liên đoàn Lao động VN, cho biết Luật BHXH sửa đổi lần này kỳ vọng tạo điều kiện để người lao động sớm nhận chế độ hưu trí vì đây là chính sách bảo vệ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của người lao động. 

Việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu giúp mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, giảm tình trạng rút BHXH một lần. BHXH tự nguyện hiện chỉ có hai chế độ là hưu trí và tử tuất, nên việc bổ sung quyền lợi sẽ thu hút người lao động tiềm năng.

Về đề xuất giảm số năm đóng BHXH, bà Lý Hoàng Minh - phó trưởng phòng hưu trí, Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) - cho biết hiện thời gian người lao động tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm.

Do nhiều người tham gia BHXH ngắn nên khi hết tuổi lao động thì không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. “Việc giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu được hưởng lương hưu đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động mong muốn được hưởng lương hưu khi về già”, bà Minh nói.

TS Vũ Minh Tiến, viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, cho biết ở các nước trên thế giới, số năm đóng BHXH có các mức đóng linh hoạt khác nhau 10 - 15 - 20 năm, thậm chí có nước thời gian đóng BHXH chỉ cần 5 năm. 

Tuy nhiên, việc này có hai mặt: đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm, tiến tới 10 năm như Việt Nam sẽ giữ chân người lao động đang tham gia BHXH, hạn chế rút một lần. Đồng thời thu hút, khuyến khích thêm nhiều nhóm đối tượng có mức thu nhập, nhu cầu lợi ích, độ tuổi, tính chất việc làm… khác nhau tham gia BHXH.

Tuy nhiên, việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu sẽ dẫn tới mức hưởng lương hưu của người lao động chắc chắn sẽ thấp hơn theo nguyên tắc đóng - hưởng.

Về lâu dài, ông Tiến đề nghị cần thiết kế BHXH với nhiều hình thức tham gia, đa dạng mức đóng và chế độ được hưởng tương ứng, có các hình thức hỗ trợ trực tiếp, đặc thù cho nhóm thu nhập thấp, bấp bênh tham gia và ở lại BHXH. Nhưng giải pháp căn cơ vẫn là tăng thu nhập, có tích lũy ngoài BHXH.

“Trong quá trình sửa đổi luật, một bước quan trọng là phải nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách về các mặt tích cực, tiêu cực; chi phí, lợi ích…, đặc biệt là nó tác động cụ thể thế nào đến quyền lợi người lao động, tăng giảm lượng người tham gia BHXH, rút BHXH, tới chế độ an sinh xã hội nói chung… để việc sửa luật phải bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHXH“, ông Tiến nói thêm.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng ngoài đề xuất trên, Việt Nam cần giảm dần số năm đóng BHXH bắt buộc thay vì 30, 35 năm như hiện nay để được hưởng tối đa 75% tiền lương tháng.

Công nhân trong một nhà máy sản xuất gạch tại tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: HÀ QUÂN

 

Ngăn chặn doanh nghiệp “chẻ” lương

Theo bà Lý Hoàng Minh, theo quy định hiện nay thì doanh nghiệp phải đóng 2/3 số tiền đóng BHXH của người lao động. Để giảm số tiền đóng BHXH cho người lao động, không ít doanh nghiệp chỉ xây dựng thang lương, bảng lương bằng mức thấp nhất hoặc lấy thỏa thuận tiền lương ghi trong hợp đồng làm căn cứ đóng BHXH. 

Để giải quyết vấn đề này, PGS. TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng cần có cơ chế liên thông dữ liệu người lao động giữa cơ quan thuế và cơ quan bảo hiểm qua mã số định danh cá nhân cùng với các chế tài đủ mạnh có thể xử lý việc doanh nghiệp cố tình khai thu nhập thấp hơn thực tế để đóng BHXH thấp cho người lao động, chỉ được hưởng mức lương hưu thấp khi về già.

Về lâu dài, theo ông Long, cần có cơ chế liên thông với nhiều cơ quan khác như sở KH&ĐT, sở LĐ-TB&XH, chi cục thuế… trong việc quản lý các vấn đề liên quan tới người lao động để thúc đẩy trách nhiệm và đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người lao động.

“Doanh nghiệp phải trả các khoản tiền lương, trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động thông qua tài khoản ngân hàng và phầm mềm quản lý sẽ tự động trừ tiền đóng BHXH, BHYT theo quy định. Mỗi người lao động cũng chỉ cần một mã chung để cơ quan chức năng quản lý, kiểm tra khi cần thiết. Như vậy, công tác thu BHXH sẽ rất minh bạch”, ông Long đề nghị.

Trước mắt, để hạn chế tình trạng “chẻ” lương, ngoài việc tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả người sử dụng lao động và người lao động thì các cơ quan chức năng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và tăng chế tài. 

“Do sự liên thông thông tin giữa các cơ quan quản lý còn chưa chặt chẽ và bản thân một số lao động thỏa hiệp với doanh nghiệp để hưởng các khoản tiền khác ngoài bảng lương chính nên mức đóng BHXH rất thấp và điều này ảnh hưởng lớn tới mức hưởng trong tương lai, đặc biệt là mức hưởng hưu hằng tháng”, ông Long nhấn mạnh. ■

Hiện nay, hệ thống đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi ở Việt Nam đang rời rạc và có hai hệ thống cùng tồn tại:

- Nhóm đóng BHXH hưởng hưu trí có sự khác biệt về mức hưởng với một số nhóm khác do tỉ lệ hưởng và cơ sở tính lương hưu không giống nhau, thậm chí có người hưởng mức lương thấp hơn mức sống tối thiểu.

- Nhóm không đóng BHXH nhận trợ cấp xã hội từ Chính phủ, trong đó những người trong độ tuổi từ 60 - 79 được xét theo gia cảnh (như sống cô đơn, không nơi nương tựa, không ai hỗ trợ...) và người từ 80 tuổi trở lên không nhận lương hưu, trợ cấp BHXH thì mỗi tháng nhận tối thiểu 360.000 đồng.

Để đảm bảo đời sống người về hưu, Chính phủ cần trả lời được câu hỏi người cao tuổi sẽ sống bằng lương hưu hay bằng trợ cấp xã hội. Trên thế giới, mức hưởng trợ cấp xã hội thường chỉ đảm bảo nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm, y tế... và rất thấp so với mức lương hưu. Đây thực sự là một cảnh báo cho những người rút BHXH một lần vì không chỉ sẽ không được hưởng lương hưu mà họ còn có thể không được hưởng các chế độ liên quan như tử tuất, chăm sóc sức khỏe.

Để khuyến khích người lao động tham gia và gắn bó lâu dài với BHXH, cần có chính sách hỗ trợ cho người lao động. Ví dụ, hỗ trợ đóng BHXH cho lao động đang có con bằng cách giảm học phí cho con của người lao động và số tiền giảm được chuyển vào tài khoản BHXH của người lao động. 

Ngoài ra, cũng cần có chính sách hỗ trợ khám chữa bệnh định kỳ với chi phí hợp lý cho người lao động để phát hiện sớm bệnh tật, giảm chi phí chữa trị khi về già bởi một trong những nguyên nhân dẫn tới nghèo hóa là chi phí khám chữa bệnh quá cao.

Chính phủ cần điều chỉnh tiền lương thường xuyên, nâng lương cho người có lương hưu quá thấp cao hơn mức lương sống tối thiểu, cân đối ngân sách nhà nước cho đối tượng cần hỗ trợ hằng năm.

PGS.TS Giang Thanh Long

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận